Làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối qua thương mại điện tử?

(VOH) - Tiềm năng và lợi ích của thương mại điện tử là rất lớn, song vẫn tồn tại không ít thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử và tiếp cận với kinh tế toàn cầu.

Tại sự kiện "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử" diễn ra vào ngày 6/4, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) đánh giá, những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và phát triển và cũng là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế.

Theo bà Tâm, tiềm năng phát triển và lợi ích của thương mại điện tử rất lớn. Tuy nhiên vẫn tồn tại không ít thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử như thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến; khó khăn trong tạo dựng niềm tin với khách hàng; doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc còn chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức...

thương mại điện tử
Tiềm năng và lợi ích của thương mại điện tử là rất lớn, song vẫn tồn tại không ít thách thức với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đọc thêm: Tại sao Việt Nam vẫn thất thu hàng ngàn tỷ tiền thuế từ thương mại điện tử?

Để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội thông qua thương mại điện tử, theo chuyên gia về thương mại điện tử Lê Trung Dũng, các doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh, cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, về năng lực thương mại, xuất khẩu cùng các giấy tờ chứng minh.

Các doanh nghiệp cũng nên tham gia đa dạng sàn thương mại điện tử, sử dụng nhiều kênh thương mại để tìm kiếm thông tin khách hàng từ mạng xã hội, truyền thông hoặc thông tin từ các hiệp hội, cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, để gia tăng hiệu quả, doanh nghiệp nên dần tiếp cận, ứng dụng thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như tận dụng khả năng tương tác, thông tin rộng rãi của các mạng xã hội để quảng bá, truyền thông thương hiệu…

Ông Dũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc doanh nghiệp phải đầu tư phát triển năng lực sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giúp sản phẩm có xuất xứ rõ ràng để đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng và đối tác quốc tế.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử. Cùng với đó là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực, khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và tích cực tham gia ứng dụng thương mại điện tử.

Ngoài ra, cần nâng cao tính minh bạch bạch thị trường, chuẩn hóa thông tin; thực hiện chính sách về thuế trong thương mại điện tử; tăng cường vấn đề về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng…

Giai đoạn từ 2017-2022 thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định từ 16-33%.

Báo cáo "Kinh tế khu vực Đông Nam Á 2022" của Ngân hàng Thế giới đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022.

Dự báo, kinh tế Internet của Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2023; trong đó, thương mại điện tử chiếm 32 tỷ USD. 

Bình luận