Ngày điều chỉnh giá xăng dầu thông thường vào ngày 1, 11, 21 hàng tháng. Do kỳ điều chỉnh ngày 11/6 trùng vào chủ nhật, do đó, theo quy định tại Nghị định 95, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi vào ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, tức ngày mai 12/6.
Theo nhận định của các chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhiều khả năng ngày mai giá xăng dầu sẽ tăng nhẹ khoảng 100-200 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày mai. Hiện, mức chiết khấu xăng dầu nhiều kho đang ở mức 600 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 có thể tăng 100-200 đồng/lít, dầu diesel có thể tăng 100 đồng/lít.
Nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể không đổi, thậm chí quay đầu giảm.
Từ đầu năm đến nay, giá các nhiên liệu đã trải qua 16 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Trường hợp điều chỉnh tăng, đây là lần thứ 3 giá xăng tăng liên tiếp.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 1/6, Petrolimex dương 3.005 tỷ đồng, PVOil âm 96,72 tỷ đồng, Saigon Petro dương 329 tỷ đồng, Petimex dương 446 tỷ đồng...
Vào giữa tháng 5, sau khi giá xăng giảm sốc phiên thứ 2 liên tiếp, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có đơn gửi Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành Nghị định về xăng dầu. Nhóm này cho biết hầu hết doanh nghiệp đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng, việc kinh doanh bấp bênh kéo dài vì những bất cập tại Nghị định 95/2021.
Tại phiên thảo luận Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho biết có ý kiến đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, không bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, công khai, minh bạch, dự đoán được sự biến động giá thế giới.
Cử tri cũng cho rằng Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có những biến động lớn về giá có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh bằng các công cụ chính sách để bình ổn thị trường như thuế và dự trữ quốc gia.