Chờ...

Nguy cơ bùng phát dịch tả heo châu Phi và lở mồm long móng

(VOH) - Thủ tướng đã ký quyết định ban hành “Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi (2020-2025)” và “Chương trình quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025".

Vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi giai đoạn 2020-2025” và “Chương trình quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025”. Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trả lời VOH về một số nội dung liên quan đến kế hoạch này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.

*VOH: Thưa thứ trưởng, trong thời gian qua tình hình dịch tả heo châu phi, lở mồm long móng và một số bệnh khác trên gia súc, gia cầm được kiểm soát rất là tốt. Tuy nhiên, tình hình cuối năm nay nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này như thế nào? Chúng ta phải phòng chống ra sao?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước hết phải khẳng định trong thời gian vừa qua chúng ta làm công tác phòng chống dịch bệnh rất là tốt; thể hiện ở các tiêu chí đánh giá. Thứ nhất là khi dịch tả heo châu Phi thì chỉ có gần 12 tháng là chúng ta đã kiểm soát được 99% số xã có dịch bệnh đã qua 21 ngày. Về lở mồm long móng chúng ta đã thực hiện được 3 giai đoạn về kế hoạch quốc gia phòng chống lở mồm long móng. Số ổ dịch giảm 12%, số ca nhiễm giảm tới 32%. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta lại thấy rằng bệnh dịch tả heo châu Phi 100 năm nay chưa có vắc xin, chưa có thuốc. Thế là chỉ có con đường là an toàn sinh học và lở mồm long móng cũng vậy, nguy cơ bùng phát rất lớn. Bởi vì chúng ta có quy mô đàn gia súc, gia cầm rất lớn; thể hiện ở chỗ nào, đàn đại gia súc trâu, bò là hơn 8,5 triệu con. Thứ nữa là gì, đàn lợn chúng ta có hơn 26 triệu con, sau thời gian kiểm soát dịch bệnh và tăng đàn, tái đàn, chiếm 85% so với trước dịch. Và đến bây giờ tốc độ tăng đàn, tái đàn rất nhanh.

Như chúng ta đã biết là giá thịt lợn đã giảm tương đối sâu trong những tháng vừa qua. Và chúng ta có một đặc điểm nữa là với chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm đa số, đường biên giới chúng ta rất dài, hoạt động thương mại rất là sôi động trong những tháng cuối năm. Về mặt thời tiết khí hậu thì rất thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển. Cho nên việc tái phát dịch tả heo châu Phi và lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh đều có nguy cơ rất cao. Như chúng ta thấy, nếu nói đặc điểm dịch tễ thì xoay lại một chu kỳ thì chúng ta thấy nó lại phát triển. Nhưng mà hôm nay phải nói, mặc dù dịch tả heo châu Phi có xuất hiện ở một số tỉnh thành nhưng chỉ ở mức độ nhỏ lẻ, còn chúng ta đang kiểm soát một cách chủ động, trên cơ sở giám sát lưu hành con vi rút ở ngoài thực địa và phòng thí nghiệm.

Và chúng ta thấy rằng với nguy cơ như thế, với quy mô đàn gia súc gia cầm, không cách nào khác phải tăng cường công tác phòng chống dịch, đặc biệt là an toàn sinh học. Chính phủ, cùng các bộ ngành, các địa phương, Thủ tướng đã ký quyết định kế hoạch quốc gia phòng chống dịch tả heo châu Phi và kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng của giai đoạn 2020-2025. Hôm nay chúng ta phải bàn triển khai trong thời điểm hết sức quan trọng này.

*VOH: Trong “Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi giai đoạn 2020-2025 và chương trình quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long  móng giai đoạn 2021-2025” vừa được ban hành nó có những điểm mới nào so với các giai đoạn trước?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước hết về bệnh dịch tả heo châu Phi thì chưa bao giờ có kế hoạch quốc gia phòng chống dịch tả heo châu Phi, cho nên xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của tổ chức quốc tế FAO, OIE và các nước châu Mĩ, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, giải pháp tổ chức thực hiện một cách tương đối toàn diện.

Còn đối với lở mồm long móng chúng ta đang ở giai đoạn thứ 3 thực hiện thì cũng tổng kết lại quá trình mà đã có kết quả tốt như tôi nói số ca nhiễm giảm tới 32%, số vụ giảm tới 12% thì cái gì đã làm tốt rồi chúng ta phát huy, còn lại giải pháp mang tính căng cốt như xử lý vắc xin, ví dụ an toàn sinh học, khử trùng tiêu độc, cơ chế chính sách về tài chính là chúng ta cũng phải giữ để chúng ta duy trì kết quả này.

Như chúng ta biết, thời kỳ trước, có những lúc không dám công bố vì sợ ảnh hưởng tới xuất khẩu nhưng mà bây giờ chúng ta với 1 xu thế hội nhập sâu của quốc tế, chúng ta công khai minh bạch. Như vừa rồi, dịch tả heo châu Phi, chết con nào chúng ta điểm danh con đó. Chúng ta huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thứ nữa chúng ta huy động được các nguồn lực quốc tế, họ ủng hộ kỹ thuật, ủng hộ vật tư, ủng hộ kinh phí và đặc biệt là kinh nghiệm của các nước đã trải qua và chúng ta kế thừa cái đấy, chúng ta giải quyết được nhanh chóng và có hiệu lực, hiệu quả ngay.

*VOH: Như vậy thì điểm nhấn của biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới của kế hoạch này là như thế nào?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hệ thống biện pháp thì ghi rất rõ trong kế hoạch: giám sát lưu hành cả ngoài hiện trường, cả trong phòng thí nghiệm, cả chủ động, cả bị động. Thứ nữa là kế hoạch tiêm phòng vắc xin, việc nữa an toàn sinh học, là tất cả các bệnh về an toàn sinh học đều phải kiểm soát rất kỹ và kiểm soát ở vùng dịch, vùng nguy hiểm, vùng an toàn. Vận chuyển gia súc khi bị bệnh, tiêu hủy gia súc khi bị bệnh như thế nào đều được đánh giá rất kỹ càng. Nhưng hôm nay phải nói kế hoạch là như vậy nhưng tổ chức thực hiện là hết sức quan trọng, do vậy mà các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp chỉ đạo Cục Thú y, cùng các tỉnh là phải vào cuộc một cách quyết liệt như Thủ tướng khi đi kiểm tra phòng chống dịch tả heo châu Phi ở Đông Anh đã nói chống dịch như chống giặc.

*VOH: Cảm ơn Thứ trưởng.

Bình luận