Chờ...

Nhiều kỳ vọng từ Diễn đàn kết nối Du lịch TPHCM với 13 tỉnh/thành Đồng bằng Sông Cửu Long

(VOH) - “Diễn đàn kết nối Du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh/thành Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ I năm 2019” sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày 4-5/9 tới tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Sài Gòn, quận 7.

Tại buổi họp báo diễn ra chiều 14/8, tại TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho hay, “Diễn đàn kết nối Du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh/thành Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ I năm 2019” chính thức diễn ra trong 2 ngày 4/9-5/9 tới tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Sài Gòn (SECC, quận 7).

Du lịch, TPHCM, ĐBSCL

Lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể Thao - Du lịch 14 tỉnh/thành tham dự buổi họp báo chiều 14/8.

Ban Tổ chức cho biết sẽ có 5 hoạt động trọng tâm gồm Triển lãm ảnh giới thiệu các danh mục đầu tư, điểm đến, sản phẩm du lịch của các địa phương; Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hạ tầng văn hóa -thể thao, du lịch - giải trí TPHCM và 13 tỉnh/thành ĐBSCL; Hội nghị cấp cao về liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh/thành ĐBSCL và Đêm Gala “Hương sắc Việt Nam”.

Diễn đàn được tổ chức là một bước khẳng định sự gắn kết của 14 tỉnh/thành trong xây dựng thương hiệu liên kết vùng của ngành du lịch, góp phần nâng tầm và chất trong các hoạt động hợp tác.

Với ý nghĩa đó, Diễn đàn sẽ là dịp gặp gỡ các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến của 14 tỉnh/thành phố, các nhà đầu tư, các Doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài nước, các Hiệp hội du lịch lại với nhau.

Đây cũng là dịp để các địa phương liên kết hợp tác, khai thác hiệu quả lợi thế để phát triển kinh tế - du lịch song phương, đa phương, tìm kiếm và thúc đẩy quá trình liên kết hiệu quả hơn, tránh sự phát triển đơn lẻ, đơn điệu như trong thời gian vừa qua.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: “Chúng tôi đặt vấn đề tổng thể để cùng nâng cấp những nội dung đã phối hợp và khắc phục ở góc độ công tác quản lý nhà nước, góc độ doanh nghiệp một cách tốt nhất để làm sao tránh sự lặp lại đơn điệu trong các sản phẩm du lịch của từng địa phương.

Trong sự liên kết này có tác động ở cả 2 chiều. TPHCM cũng có nhu cầu đón khách từ khu vực 13 tỉnh ĐBSCL. Thực tế, rất nhiều du khách đến TPHCM từ ĐBSCL. Ở một số tỉnh, ngành du lịch còn đưa khách quốc tế từ họ đến TPHCM chứ không chỉ TPHCM chia lượng khách quốc tế”.

Du lịch, TPHCM, ĐBSCL

Mô hình sa bàn liên kết, phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh/thành trong khu vực.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu tham dự cũng sẽ bàn thảo sâu hơn về thực trạng và các giải pháp cụ thể, đồng bộ dựa trên 3 nội dung: xúc tiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, sản phẩm liên kết và công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch vùng.

Theo ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó TGĐ Công ty Du lịch Vietravel, điều cốt yếu nhất thông qua Diễn đàn lần này là các địa phương phải tìm ra nhạc trưởng chung để xây dựng sản phẩm du lịch riêng cho từng cụm. Hơn nữa, cũng phải đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng giao thông vì hiện nay, giao thông ở ĐBSCL kém phát triển từ đường bộ cho đến đường hàng không.

ĐBSCL hiện có 4 sân bay, trong đó đáng kể nhất là Sân bay quốc tế Phú Quốc với nhiều đường bay trực tiếp từ các nước, nhưng việc kết nối với các địa phương trong vùng không hề dễ dàng vì nằm trên đảo : “Đối với 3 sân bay trong đất liền gồm có: sân bay Cần Thơ, sân bay Cà Mau và Rạch giá. Nhưng mỗi ngày, đường bay từ TPHCM - Cà màu, Rạch Giá cũng chỉ có 1 chuyến/ngày là quá ít. Sân bay Cần Thơ đã có một số chuyến từ Hà Nội cũng như quốc tế nhưng số chuyến vẫn quá ít.

Do đó, khi đặt ra vấn đề kết nối này, kể cả đường bộ, đường hàng không cũng cần phải đặt ra để các cơ quan ban ngành, các hãng hàng không thấy được thực trạng và cần phải hành động để làm sao tăng cường kết nối đầu tiên giữa TPHCM - ĐBSCL được tốt hơn, từ đó mới phát triển được du lịch”.

Cũng tại buổi họp báo, bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Cụm trưởng Cụm Liên kết hợp tác phát triển du lịch các tỉnh phía Tây ĐBSCL bày tỏ thông qua Diễn đàn, Ban Tổ chức kỳ vọng việc hợp tác quảng bá, truyền thông về du lịch sẽ được đẩy mạnh để sớm tháo gỡ nút thắt còn tồn tại để các địa phương cùng phát triển :

Mỗi tỉnh sẽ cố gắng khắc phục một điểm nghẽn để sản phẩm không trùng lắp. Nhắc tới Cần Thơ là nói đến du lịch sông nước với Chợ Nổi - Cái Răng. Qua Cần Thờ rồi đến An Giang sẽ xây dựng là điểm du lịch tâm linh. Kiên Giang sẽ phát triển sản phẩm du lịch đảo. Cà Mau sẽ phát triển du lịch Cộng đồng gắn với rừng. Bạc Liêu sẽ phát triển du lịch xanh, lấy các công trình về kinh tế làm du lịch.

Chúng tôi cố gắng qua diễn đàn này, mọi người đều thấy rằng: Bạc Liêu, Cà Mau hay Sóc Trăng… đều có những điểm hay để kéo du khách đến nhiều hơn. Nhưng mấu chốt của vấn đề là phải phát triển hạ tầng”.

Trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tuấn PGĐ Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho hay, TPHCM đang có 239 dự án đang mời gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực phục vụ du lịch giải trí.

Trong đó, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí có 51 dự án, với nhu cầu vốn 39.000 tỷ đồng; bao gồm 37 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa thể thao với tổng vốn dự kiến cần kêu gọi đầu tư là 37.000 tỷ đồng và 14 dự án về du lịch giải trí, với tổng vốn dự tính là 2.000 tỷ đồng. 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang rà soát để bổ sung vào danh sách này trước thềm diễn ra Diễn đàn.

Bình luận