Chờ...

Gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản thành phố

(VOH) - Với 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ nhiều tinh hoa di sản văn hóa đô thị vô cùng phong phú.

Đây chính là lợi thế, tiềm năng để xây dựng và phát triển các di sản thành những sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa riêng của TPHCM.

Nhiều di tích lịch sử thu hút khách du lịch

Theo thống kê, thành phố có 172 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia và 14 ti tích cấp thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đã đưa 97 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh TPHCM giai đoạn 2016 - 2020.

Đây được cho là lợi thế, tiềm năng rất lớn để khai thác và hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Dù vậy, thực tế chỉ có khoảng 40 di tích, công trình địa điểm thực sự thu hút khách du lịch và là những điểm tham quan được các công ty du lịch lữ hành khai thác, đưa du khách đến tìm hiểu.

Theo đánh giá các nhà chuyên môn, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu các di tích văn hóa lịch sử mang đậm dấu ấn riêng, phản ánh được quá trình khai phá, xây dựng, đấu tranh của nhiều thế hệ dân cư sinh sống. Các danh mục di tích đã xếp hạng trên địa bàn thành phố tập trung vào các loại hình gồm: Khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và lịch sử.

Ở loại hình di tích kiến trúc - nghệ thuật, lịch sử văn hóa, tại Thành phố có các công trình kiến trúc phục vụ hoạt động văn hóa của cộng đồng như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các công trình phục vụ đời sống người dân. Đối với di tích lịch sử cách  mạng, nổi bật nhất là các di tích: Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ Rừng Sác, Mười Tám Thôn Vườn trầu, Bến Nhà Rồng…

di sản văn hóa, du lịch di sản, địa đạo củ chi

Du khách thăm quan Địa đạo Củ Chi (Ảnh: LH)

Ngoài ra, thành phố còn có gần 1.000 ngôi chùa và nhiều ngôi chùa cổ với bề dày lịch sử hơn 100 năm như chùa Linh Sơn cổ tự, Sắc tứ Trường Thọ… Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, thành phố cũng có các loại hình di sản văn hóa phi vật thể  khá phong phú và đa dạng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triểnTPHCM đặt vấn đề: “Di sản văn hóa và đô thị TPHCM rất phong phú, đa dạng, có giá trị về mặt lịch sử, Thành phố đã và đang đối mặt với các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển đô thị của một thành phố cực lớn. Trong đó, có vấn đề về bảo tồn di sản.

Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đã bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực của quá trình đô thị hóa, trước sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Sự lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đặt ra cho chính quyền và nhân dân thành phố cân nhắc trong định hướng quy hoạch, phương thức bảo tồn và khai thác các giá trị di sản văn hóa”.

Làm sao để bảo tồn và khai thác được di sản?

Di sản có một giá trị quan trọng là không thể tái tạo lại được, bản thân nó càng để lâu sẽ càng tích lũy trong nó giá trị văn hóa và chính giá trị đó sẽ được chuyển đổi thành giá trị kinh tế. Giá trị này được khai thác lâu dài không phải bởi một cá nhân, một tập thể mà nó là giá trị kinh tế của cả cộng đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM khẳng định: “Qua hệ thống di sản và giá trị của nó, ta thấy chắc chắn di sản sẽ là nguồn vốn xã hội, vì nó làm giàu cho tinh thần, vật chất. Và từ những đặc trưng của đô thị Sài Gòn, thì toàn bộ hệ thống si sản này đã phản ánh toàn bộ quá trình lịch sử và đặc trưng văn hóa cơ bản của Sài Gòn. Và như vậy, Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh phải được nhìn nhận như một đô thị di sản. Bởi hệ thống này có một giá trị rất cao và để bảo tồn nó thì phải đặt nó trong tính hệ thống và tính toàn diện, thì chúng ta mới có cách ứng xử đúng và có phương pháp bảo tồn đúng được”.

di sản văn hóa, du lịch di sản

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - một trong những di sản thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước (Ảnh: LH)

Các di tích văn hóa ở TPHCM rất phong phú về nội dung, số lượng và có bề dày lịch sử gắn liền với những nét đặc trưng nhất của người dân Nam bộ. Thế nhưng hiện nay, thành phố vẫn chưa khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị di sản này.

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, Nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, Thành phố cần chủ động hơn trong công tác bảo tồn. Công tác quy hoạch chậm, việc kiểm tra, giám sát từ các cơ quan cấp trên còn chưa được thường xuyên, nhất là trong việc giám sát chất lượng chuyên môn các công trình bảo tồn còn chưa sâu sát.

“Chính sách và giải pháp bảo tồn khả thi nhất trên cơ sở khoa học là phải giải quyết hài hòa các lợi ích, phá thì dễ, giữ thì khó. Công tác bảo tồn khả thi nhất là chúng ta có những Luật về quyền phát triển, mà chúng ta chưa có, để có thể cân đối cái hài hòa lợi ích. Nếu chúng ta chậm, chúng ta sẽ không có những quy hoạch, những đầu tư một cách dứt khoát, kiên quyết cho một đô thị mới, hiện đại thì sau này chúng ta cứ chữa cháy hoài thì rất là khó” – Tiến sĩ Cương nhận đinh.

Đề cập đến giải pháp bảo tồn giá trị di sản thuộc về địa ốc, thuộc về người dân, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, Hội quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong khi chính quyền còn chưa hình dung hết cái gọi là kinh tế di sản thì đã có những nhà bất động sản, đã có những công ty nhìn thấy và muốn tận dụng điều này. Điều đó cũng tốt thôi, bởi di sản là địa ốc, mà địa ốc có giá trị di sản, có gí trị lịch sử sẽ làm gia tăng giá trị. Một nhà được công nhận di sản thì khu vực xung quanh cũng sẽ đượcc hưởng lợi. Những ai đang ở trong căn nhà di sản mà ý thức được thì họ sẽ sẵn sàng hợp tác với chính quyền thôi, nếu chúng ta chỉ ra nhà họ đang ở có giá trị di sản, đừng có đập đi”.

Theo Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, Võ Thị Ngọc Thúy, cần có sự liên kết giữa các nhà quản lý văn hóa, du lịch để bổ trợ và tăng thêm sự thu hút cho các di sản văn hóa trên địa bàn nhằm biến các di sản không còn là tài nguyên du lịch nữa mà là các điểm đến du lịch thật sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy nêu ý kiến: “Đối với góc độ của ngành du lịch thì chúng tôi đặt vai trò của Sở Du lịch lên đầu tiên. Chúng tôi phải nhìn thấy, ở đâu là di tích có thể trở thành di sản, ở đâu là những di sản có thể trở thành điểm đến và đâu là những cảnh quan đô thị cần phải phát huy giá trị của du lịch và nên có những công trình lao động sáng tạo nào. Thế nhưng, chỉ một ngành du lịch thì chúng tôi không thể nào tạo ra được tất cả những giá trị này, mà cần có sự tam gia của Sở Văn hóa Thể thao, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Hội Di sản và cả Sở Giao thông Vận tải… để chúng ta tạo ra một quy hoạch chỉnh thể, trong đó, có hướng đến quy hoạch du lịch”.

Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội thông qua mô hình du lịch đã mang lại hiệu quả thiết thực cho thành phố. Du lịch di sản vừa tạo ra thu nhập, việc làm vừa tạo động cơ, vừa tạo ra nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân với khách du lịch và với di sản.

Do đó, phát huy thế mạnh về tài nguyên di sản văn hóa, trong đó lấy du lịch di sản là hướng trọng tâm có tính chất chìa khóa hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì đòi hỏi các bên cùng hành động, có những giải pháp hữu hiệu về bảo tồn và phát huy bền vững đối với di sản văn hóa.

Giá cả thị trường hôm nay 11/8/2019: Sầu riêng giá từ 70 ngàn đồng một kg - Sầu riêng được bán tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), loại Chuồng bò giá từ 70 ngàn đồng/kg, Ri6 giá từ 75.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay 11/8/2019: Tuần giá heo tăng tốt - Tuần này, đặc biệt những phiên cuối tuần, giá heo tại các tỉnh thành đều tăng tốt, dần rời khỏi mức thấp dưới 30 ngàn đồng/kg.

Bình luận