Chờ...

TPHCM bàn cách "gỡ khó" cho doanh nghiệp nhỏ

(VOH) - Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp thành phố có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, có ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực cạnh tranh. Khu vực tư nhân tiếp tục duy trì, đóng góp khoảng 60-62% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hằng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp thành phố có hoạt động đổi mới, sáng tạo…

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì hội nghị diễn ra chiều 5/4.

Đang đi đúng hướng

Đây là mục tiêu của Thành phố đặt ra để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển 60.000 doanh nghiệp trong năm 2017 và 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM, tổng kết quý 1 năm 2017, cả nước chỉ tăng trưởng 5,1%. Trong khi TPHCM tăng trưởng 7,46%, cao hơn năm 2016.

Sự tăng trưởng này đã thể hiện chính sách linh hoạt của thành phố. Trong năm 2016, TPHCM đã thành lập 36.300 doanh nghiệp. Như vậy, cứ 1 ngày, TP có 100 doanh nghiệp được thành lập, cả nước là 300.

Trong quý 1 năm nay, cả nước thành lập hơn 26.000 doanh nghiệp. Nhưng số ngừng hoạt động và giải thể lên đến 23.000 doanh nghiệp. Riêng TPHCM đã thành lập gần 7.400 doanh nghiệp. Số tạm ngừng hoạt động giải thể khoảng 1.500 doanh nghiệp…

Từ những con số này, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, TPHCM đã đi đúng hướng, thậm chí còn đi trước luật. Cuối tháng 5 năm nay, Quốc hội sẽ thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Riêng quận Bình Tân, năm 2017 đã vận động gần 1.800 cơ sở chuyển đổi doanh nghiệp và trên 4.000 doanh nghiệp phát triển tự nhiên. Trong đó, TP giao chỉ tiêu cho quận là phát triển ít nhất 3.500 hộ lên doanh nghiệp.

Trong quý I/2017, Bình Tân đã phát triển hơn 700 doanh nghiệp đầu tư mới. Phó Chủ tịch quận Bình Tân - Phạm Thị Ngọc Diệu cũng nhìn nhận các Sở ngành hỗ trợ rất quyết liệt, tuy nhiên, việc phối hợp vẫn còn rời rạc gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.

Nêu những khó khăn đặc thù của ngành cơ khí, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM cho rằng, việc chuyển đổi từ cơ sở sản xuất lên doanh nghiệp, nhất là đối với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ hiện nay đang vướng phải vấn đề mặt bằng.

Theo ông Đỗ Phước Tống, những doanh nghiệp này muốn chuyển đổi cũng làm không được, bởi vì mặt bằng sản xuất hiện nằm trong khu dân cư và có liên quan đến vấn đề môi trường.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 

Đối với chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM khẳng định, thông tư 39 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước vừa ban hành có tác động tích cực cho việc thành lập doanh nghiệp của thành phố. Theo thông tư này, chỉ có hai đối tượng được vay vốn ngân hàng sản xuất kinh doanh, đó là cá nhân và pháp nhân. Các tổ chức kinh doanh, hợp tác xã, đoàn kết… đều không được vay vốn.

Ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP nhận định, sự phát triển kinh tế, xã hội TPHCM có đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp sản xuất. Trong đó, cơ cấu dịch vụ thương mại chiếm 54%, công nghiệp xây dựng chiếm 28%; thuế sản phẩm chiếm 15,6%, còn lại nông nghiệp chiếm 0,8%... Chính vì vậy, vấn đề phát triển doanh nghiệp góp phần rất lớn trong vấn đề tăng trưởng, phát triển của TP.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển doanh nghiệp mới, đại diện Sở Công thương đề xuất, TP cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao năng lực sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu, đó là: Cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất – nhựa – cao su, chế biến tinh lương thực – thực phẩm và hai ngành truyền thống như: Dệt may, giày da…

Trong đó, tập trung triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chuẩn bị mặt bằng để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước đó, TPHCM đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, dành khoảng 500 hecta đất trong giai đoạn 2016-2020 để thành lập các khu – cụm công nghiệp, trung tâm dịch chuyển về công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố để nâng cao hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ vào các lĩnh vực, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ. Thành phố đã bố trí ngân sách gói đầu tư 2.000 tỷ đồng cho chương trình kích cầu hỗ trợ đổi mới công nghệ và 1.000 tỷ đồng hỗ trợ khởi nghiệp.

Bình luận