Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo Thông tư 06, các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Như vậy, khách hàng có thể chọn ngân hàng có lãi suất vay thấp hơn hoặc có nhiều chương trình hỗ trợ hơn để vay, nhằm tối ưu hóa dòng tiền.

Có thể trả nợ bằng đồng tiền khác đồng tiền cho vay
Theo Thông tư 06, đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay. Trường hợp trả nợ bằng đồng tiền khác, thì thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.
Thông tư 39 trước đây quy định, đồng tiền trả nợ bắt buộc phải là đồng tiền cho vay của khoản vay.
Vay online không được quá 100 triệu đồng
Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung thêm quy định cụ thể về hoạt động cho vay online của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho tổ chức tín dụng trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Trong đó có quy định, khách vay online không được quá 100 triệu đồng đối với nhu cầu phục đời sống tại một ngân hàng.
Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định và các tài liệu, dữ liệu khác theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng xét duyệt cho vay online phải đảm bảo nguyên tắc phân định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận xây dựng, thiết lập và vận hành hệ thống thông tin phục, vụ khâu thẩm định và quyết định cho vay.
Trường hợp có rủi ro phát sinh, tổ chức tín dụng phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong việc tổ chức xét duyệt cho ay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, quy định mới có nêu rõ thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trường hợp là hợp đồng điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và phải có tối thiểu các nội dung quy định tại Thông tư 39.
Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng triển khai xác thực khách hàng điện tử (eKYC) với khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.