Chờ...

Xu hướng việc làm: công nghệ, số hóa, sức khỏe lên ngôi?

(VOH) - Nếu đại dịch tiếp tục kéo dài trong 2-3 năm tới, chắc chắn sẽ làm thay đổi cơ cấu nghề nghiệp tại Việt Nam.

Đó là một số nhận định của các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến: ”Cải thiện kỹ năng, sẵn sàng phát triển sự nghiệp sau dịch bệnh” do Tạp chí Forbes Việt Nam và ManpowerGroup tổ chức.  

Theo đó, những ngành nghề cần nhiều tiếp xúc trực tiếp (ví dụ Du lịch, dịch vụ lưu trú, ngân hàng - nhất là bộ phận frontline hay bán buôn truyền thống – brick and mortar - sẽ chắc chắn ko còn sức hút lao động nữa vì không còn nhiều cơ hội việc làm. Trong 2-3 năm nữa với tốc độ khuynh đảo của công nghệ và số hóa, các nghề sử dụng nhiều lao động giản đơn (dệt may, da giày, lắp ráp máy móc điện tử…) sẽ dần bị thay thế bởi máy móc và công nghệ.

Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo 

Trong lĩnh vực nhân sự, robot và công nghệ thực tế ảo sẽ tăng dần hỗ trợ chuyên viên tư vấn tuyển dụng. Tuy nhiên, vai trò chính yếu vẫn là con người có bộ kỹ năng phù hợp để biết vận hành hệ thống máy móc công nghệ này.

Sự biến mất và tạo ra ngành nghề mới chủ yếu bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch y tế toàn cầu phương thức giao tiếp thay đổi, cách vận hành thay đổi, máy móc dần thay thế con người ở những công việc giản đơn, yêu cầu kĩ năng thấp hoặc tiếp xúc với các yếu tố độc hại các ngành nghề liên quan đến công nghệ, số hóa, sức khỏe (wellbeing) của con người sẽ chiếm ưu thế.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng Phòng Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động, đại diện ManpowerGroup Việt Nam cho biết: ”Theo khảo sát xu hướng tuyển dụng trong 2 quý cuối năm 2021 của chúng tôi tại Việt Nam, hơn một nửa các doanh nghiệp (53%) có ý định gia tăng tuyển dụng và hơn 1/4 (27%) trong số họ sẽ duy trì số lượng nhân viên hiện tại. Cơ hội việc làm vẫn tồn tại tuy nhiên cần có sự điều tiết và phối hợp giữa các bên: doanh nghiệp, nhà nước, dịch vụ cung ứng lao động để người lao động có thể chuyển dịch phù hợp giữa các ngành nghề do ảnh hưởng của Covid-19."

"Ở Việt Nam, vấn đề khó khăn trong tuyển dụng không nằm ở số lượng, mà nằm ở khoảng cách kĩ năng của người lao động, giữa những gì doanh nghiệp cần và những gì người lao động có. Do vậy, nếu nói nhà tuyển dụng có nhiều sự lựa chọn hơn cho cùng 1 vị trí thì chưa phản ánh đúng thực tế hiện nay. Vấn đề của họ nằm ở các chiến lược giữ chân và phát triển nhân tài phù hợp cho tổ chức với bối cảnh hiện tại”, ông Sơn cho biết thêm.  

Theo báo cáo mới nhất công bố bởi ManpowerGroup, 65% các công việc mà GenZ (là những người sinh từ 1996 đến 2010) sẽ làm trong tương lai thì vẫn chưa tồn tại tại thời điểm này. Còn theo theo thống kê của tổ chức Lao động Quốc tế, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí sử dụng hơn 22 triệu lao động, chiếm hơn 40% tổng số việc làm của Việt Nam.

Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động, thường tuyển dụng người lao động được trả lương thấp và cũng là những lĩnh vực mà phụ nữ chiếm phần đông. Khủng hoảng do đại dịch COVID-19 được cho là gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ. Có một thực tế trong ngành sản xuất là hiện nay người lao động có trình độ và kĩ năng tốt đang có nhiều lợi thế hơn trong đàm phán việc làm.

Trong khảo sát trên 200 doanh nghiệp FDI ở 6 lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vừa công bố, có đến 70% doanh nghiệp cho biết họ đã và đang dùng biện pháp tăng lương, bổ sung phúc lợi xã hội và các lợi ích khác cho người lao động nhằm mục đích giữ chân người lao động. Tuy nhiên, giải pháp tăng lương, phúc lợi sẽ không thể là giải pháp bền vững vì hiện tại mức thu nhập trung bình cho người lao động Việt Nam đã tăng khá nhiều trong những năm qua.

Doanh nghiệp cần rất chú ý đến việc đào tạo nâng cao và đào tạo lại kĩ năng cho người lao động đây chính là giải pháp mang tính bền vững lâu dài trong việc gắn kết người lao động với doanh nghiệp. 

Bình luận