Chờ...

Xu thế nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM

(VOH) - Ngành nông nghiệp TPHCM cần thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tăng cường liên kết để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng.

Để các mặt hàng nông sản có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường, ngành nông nghiệp ở TPHCM cần thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đồng thời tăng cường liên kết để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng. Đây cũng chính là hướng đi chủ đạo của TP trong thời gian qua bởi trên thực tế, UBND TPHCM đã yêu cầu ngành nông nghiệp khẩn trương thực hiện bám sát kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đô thị tầm nhìn đến năm 2025.

Nông nghiệp TPHCM nói riêng và nông nghiệp cả nước nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức từ quá trình hội nhập. Trong bối cảnh đó, để các mặt hàng nông sản có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường, đòi hỏi ngành nông nghiệp của Thành phố phải thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đồng thời tăng cường liên kết để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng.

xu-the-nong-nghiep-cong-nghe-cao-tai-tphcm-voh.com.vn-anh1
Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ luôn được TPHCM chú trọng. (nguồn: TTDN Nông nghiệp Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM)

TPHCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó  có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phục vụ việc phát triển sản phẩm cho thị trường, tuy nhiên, đến nay số lượng doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố vẫn còn khá hạn chế.

Chẳng hạn như trường hợp ông Mai Văn Nghĩa – chủ một cơ sở tráng bánh ở huyện Củ Chi – chia sẻ: “Khi đưa vào hoạt động máy tráng bánh mới, chúng ta dùng nhiệt mặt trời để sấy, đồng thời sản phẩm làm ra có thể cung ứng đủ cho thị trường. Công nhân làm thì đỡ vất vả hơn và rất thích. Theo tôi, hiện nay việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất rất cần mỗi doanh nghiệp phải thực hiện và sáng tạo thêm để công nhân có việc làm và tăng hiệu quả sản xuất”.

Những trường hợp như ông Nghĩa chính là động lực thúc đẩy Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM thời gian qua khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt coi trọng và ưu tiên chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Theo đó, nhiều giống cây, vật nuôi, thủy sản có chất lượng cao, nhiều quy trình công nghệ sản xuất thâm canh tiên tiến được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn góp phần tăng năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi và nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Đỗ Việt Hà – nguyên Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố, hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM – phân tích lợi ích của nông nghiệp công nghệ cao: “Thứ nhất là có lợi cho người đầu tư. Thứ hai là có lợi cho người sử dụng vì có được sản phẩm chất lượng cao, sạch, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động. Đặc biệt là không hoang phí đất bỏ hoang vì việc sử dụng hiệu quả đất của TPHCM cho nông nghiệp là việc Thành phố và người dân luôn mong muốn”.

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM hiện có hơn 10 doanh nghiệp đầu tư, trong đó, có 10 doanh nghiệp đang hoạt động trên diện tích 50 ha, sử dụng gần 454 lao động. Tính riêng năm 2020, nhóm doanh nghiệp này đầu tư cung cấp cho thị trường hơn 80 tấn hạt giống rau ăn quả, hơn 500 tấn rau ăn quả; 435.500 bịch phôi nấm các loại, 14.770 túi meo giống nấm, gần 90 tấn nấm ăn các loại; giống và hoa lan; xử lý sau thu hoạch gần 1.300 tấn trái cây xuất khẩu với tổng doanh thu đạt hơn 155,5 tỷ đồng.

“Tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất công nghệ cao. Goodlife cũng là một trong những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất nông sản nên Goodlife đã chọn Khu Nông nghiệp Công nghệ cao để đầu tư. Và khi quyết định đầu tư đã nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ từ Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao trong hồ sơ, thủ tục đầu tư để nhà máy đi vào hoạt động đúng tiến độ và nhờ vậy đã mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, ông Phạm Anh Tuấn – công ty Goodlife – một đơn vị thuộc khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố – chia sẻ.

xu-the-nong-nghiep-cong-nghe-cao-tai-tphcm-voh.com.vn-anh2
Nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm xanh – sạch. (nguồn: TTDN Nông nghiệp Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM)

Trong giai đoạn từ 2004 – 2019, Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố đã tổ chức hơn 200 lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dạy nghề với hơn 8.000 lượt người tham dự trong các lĩnh vực kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao như kỹ thuật xử lý ra hoa, kỹ thuật bảo quản trước và sau thu hoạch, kỹ thuật nhân nuôi cá thâm canh hay công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh. Các đợt tập huấn này diễn ra với sự tham gia hướng dẫn, giảng dạy của các chuyên gia trong nước và các chuyên gia nước ngoài.

“Khu Nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng được yêu cầu về đào tạo, về chuyển giao khoa học công nghệ giúp người nông dân trên địa bàn với diện tích nhỏ nhưng sản xuất, trồng trọt những loại cây có hiệu quả kinh tế. Qua những lớp đào tạo này, Khu Nông nghiệp công nghệ cao đã truyền tải được những kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp khoa học áp dụng trong nông nghiệp”, ông Nguyễn Phúc Duy Khang – một nông dân ở phường Bình Chiểu, Thành phố Thủ Đức cho biết cảm nhận khi tham gia một lớp tập huấn cho khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố tổ chức.

Theo các chuyên gia, để vượt qua những thách thức và tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn TPHCM cần đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có thế mạnh như hoa lan, cá cảnh, cây kiểng, cây con giống và đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, từng bước thiết lập chuỗi phân phối ra nước ngoài. Đối với sản xuất, phải tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của trang trại bằng cách ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và kiểm soát chặt chẽ quy trình quản lý chất lượng.

“Trong chương trình Nông thôn mới, chúng ta đều lồng ghép xây dựng các mô hình mới. Chúng tôi có đưa giống mới vào trình diễn để bà con nông dân tiếp cận giống mới. Chính giống mới sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong điều kiện đô thị hóa. Ngoài ra, chúng ta có đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp rất mạnh về giống trên địa bàn TPHCM”, ông Dương Hoa Xô – Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố – khẳng định.

Hiện nay, nhiều cơ sở công nghệ cao tiếp tục được xây dựng để thực hiện định hướng và đầu tư hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM. Theo đó, ngành nông nghiệp Thành phố sẽ củng cố vị trí trung tâm, phát huy lợi thế là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với tiềm năng đó, Thành phố sẽ không ngừng ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao các tiến bộ, thành tựu mới cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, phát triển ngành nông nghiệp TPHCM trong thời gian tới.

Bình luận