Chờ...

Hướng dẫn cách trồng hành tím đơn giản tại nhà

(VOH) – Thông thường, phần củ của hành tím là bộ phận được sử dụng phổ biến, thế nhưng nếu biết cách trồng hành tím ngay tại nhà bạn còn có thể tận dụng cả củ lẫn lá đấy nhé.

Khi vào bếp nấu nướng, có lẽ bạn sẽ cảm thấy ‘thiếu thiếu’ nếu không phi thơm hành tím để “dậy vị” món ăn, chính vì vậy lượng hành tím tiêu thụ của mỗi gia đình thường khá cao. Để có thể sử dụng củ hành tím thơm cay, đảm bảo chất lượng, cùng bắt tay tự trồng hành tím lấy củ tại nhà nhé. 

1. Cách trồng hành tím lấy củ tại nhà

Đừng vội nghĩ rằng việc trồng hành tím sẽ “khó nhằn”, bạn hãy lưu lại những lưu ý quan trọng dưới đây và áp dụng tỉ mỉ, cẩn thận thì sẽ sớm thu được thành phẩm đấy. 

1.1 Chọn giống hành tím

Khi trồng hành tím ngay tại nhà (điều kiện không gian, sân vườn còn hạn chế), bạn hãy sử dụng những củ hành tím đang có sẵn trong bếp thay vì phải gieo hạt giống. Chú ý chọn củ còn lành lặn, không bị ung thối hay ẩm mốc. 

huong-dan-cach-trong-hanh-tim-don-gian-ma-nang-suat-cao-voh-0
Khi trồng hành tím tại nhà, bạn không cần phải gieo trồng hạt giống, mà có thể tận dụng từ những củ hành tím có sẵn trong gian bếp (Nguồn: Internet) 

1.2 Chọn đất trồng hành tím

Cũng giống như trồng các loại củ khác như củ nén hay củ tỏi, muốn trồng hành tím thành công, bạn nên lựa chọn loại đất thịt pha cát, tơi xốp và thoát nước tốt. Bên cạnh đó, trường hợp có phân gà, phân bò hay phân trùn quế, bạn cũng có thể trộn thêm với đất nhằm tăng chất lượng và dinh dưỡng nuôi củ. 

Xem thêm: ‘hỏa’ vì thấy củ tỏi mọc mầm, nhưng đừng vội bỏ đi vì bạn có thể tự trồng được cây tỏi từ chúng đấy!

1.3 Lựa chọn vật chứa

Trồng hành tím tại gia, bạn có thể linh hoạt tận dụng các vật chứa như chai nhựa, thùng xốp hay các chậu nhựa. Dù sử dụng bất cứ vật chứa nào cũng cần đảm bảo có lỗ thoát nước, tránh để đất ngập úng. 

1.4 Kỹ thuật trồng hành tím

Thời gian thu hoạch hành tím sẽ rút ngắn nếu bạn ngâm hành tím trong nước trước khi gieo trồng khoảng 1 ngày. Ngoài ra cũng cần cắt bỏ phần đầu hành tím để mầm mọc dễ dàng hơn. 

Vùi củ hành tím xuống lòng đất, tốt nhất nên giữ khoảng cách giữa các củ từ 3 - 5 cm, lúc này các củ hành tím sẽ sinh trưởng tốt hơn. Cùng với đó, sau khi ươm củ, nhớ phủ thêm một lớp đất hoặc rơm để giữ ấm.

1.5 Điều kiện nhiệt độ và ánh sáng

Cần bố trí đặt chậu trồng hành tím ở những nơi có tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên để tăng sức sống cho củ. Đặc biệt, hành tím là loại củ ưa khí hậu mát mẻ, có phần se lạnh, dao động từ 20 – 23 độ C. 

2. Cách chăm sóc hành tím

Có thể nói, quá trình chăm sóc quyết định phần lớn tới năng suất cho ra củ hành tím, vì vậy bạn nên tham khảo thực hiện các bước dưới đây:

2.1 Tưới nước

Duy trì tưới nước đều đặn và đủ là điều hết sức quan trọng. Theo đó, mỗi ngày bạn chỉ nên tưới từ 1 – 2 lần, tránh tưới quá nhiều gây nên tình trạng úng đất và làm hư thối hành tím. 

2.2 Bón phân

Khoảng 20 ngày gieo trồng, sẽ tiến hành bón phân lần 1, nên sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân chim hay phân trùn quế. Mách nhỏ cho bạn rằng tỉ lệ trộn đất và phân thường là 4:1. 

huong-dan-cach-trong-hanh-tim-don-gian-ma-nang-suat-cao-voh-1
Nên sử dụng các loại phân hữu cơ để đảm bảo độ sạch và an toàn cho củ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học (Nguồn: Internet) 

3. Thu hoạch và bảo quản hành tím

Thời điểm thu hoạch hành tím sẽ bắt đầu sau khoảng 55 – 60 ngày (tức sau 2 tháng) kể từ khi gieo trồng củ. Khi tiến hành nhổ củ, tránh làm xây xát hay dập lớp vỏ bên ngoài, tiến hành phơi khô 1 ngày rồi đem bảo quản ở nơi thoáng mát, không ẩm thấp. 

Vậy là chỉ với những công đoạn canh trồng đơn giản và kiên nhẫn “chờ đợi” một chút, bạn sẽ có ngay những củ hành tím chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi sử dụng chế biến món ăn. 

Bình luận