Chờ...

Mách bạn cách trồng gừng cay nồng đúng chuẩn

(VOH) – Cùng với các loại củ gia vị khác, củ gừng thường không thể ‘vắng mặt’ trong gian bếp. Những lưu ý về cách trồng gừng trong bài viết này sẽ giúp bạn có được củ gừng thơm cay đúng vị!

Theo phân tích dinh dưỡng, củ gừng cung cấp khá nhiều chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể, điển hình như gingerol. Cùng với việc làm tăng thêm hương vị cho các món ăn, gừng còn được xem là vị thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh lý cũng như giúp cải thiện làn da và vóc dáng. 

Giờ thì cùng tìm hiểu phương pháp và bắt tay vào tự trồng gừng cho gia đình mình nhé!

1. Cách trồng gừng tại nhà

Thực tế, để trồng được những khóm gừng tại nhà không quá khó song bạn vẫn cần nắm được những kĩ thuật quan trọng dưới đây: 

1.1 Chọn giống gừng

Vì trồng gừng ngay tại nhà nên bạn hãy tận dụng ngay giống gừng mà gia đình đang sử dụng. Tuy nhiên cần lưu ý chọn những củ gừng có kích thước nhỏ, khi phát triển cây cũng sẽ không chiếm nhiều diện tích, còn cho vị cay đậm đà hơn so với củ to. 

Mách nhỏ thêm cho bạn là nên chọn mua các giống gừng như gừng sẻ hoặc gừng sé để có vị thơm cay đúng chuẩn. 

mach-ban-cach-trong-gung-cay-nong-dung-chuan-voh-0
Nên chọn những củ gừng nhỏ để khi cây phát triển không chiếm diện tích, và có vị cay thơm hơn các củ to (Nguồn: Internet) 

1.2 Chọn đất trồng gừng

Gừng có khả năng thích nghi với đất trồng khá tốt, nhưng nếu được trồng trong đất tơi xốp, nhiều mùn và dễ thoát nước thì sinh trưởng nhanh hơn. Để có được loại đất trồng đúng ý, bạn có thể thực hiện pha trộn đất thịt cùng tro trấu và phân trùn quế. 

1.3 Lựa chọn vật chứa

Nếu không có khoảng vườn rộng thì bạn hoàn toàn có thể tận dụng chậu nhựa, thùng xốp hoặc các bì tải để trồng củ gừng. Cần đảm bảo phần đáy của vật chứa có lỗ thoát nước để tránh bị úng khi trồng. 

1.4 Kỹ thuật trồng gừng

Trước khi tiến hành trồng gừng, tốt nhất bạn nên ngâm gừng trong nước từ 3-5 ngày. Sau đó vớt gừng ra và cắt thành các khúc nhỏ dài tương đương 1 đốt ngón tay, nhớ giữ lại phần mắt mầm trên củ. 

Mỗi miếng gừng nên được vùi sâu xuống đất khoảng 3-4 cm, rồi phủ một lớp tro bếp lên trên để giữ ẩm. 

1.5 Điều kiện nhiệt độ và ánh sáng

Thông thường khi trời vào xuân, thời tiết ôn hòa, nhiệt độ trong khoảng từ 21-25 độ C là thời điểm thích hợp để trồng gừng. Đáng lưu ý, gừng thuộc nhóm cây rất ưa sáng nên bạn nên sắp xếp đặt cây gừng ở vị trí tiếp cận với nhiều ánh sáng nhất có thể. 

mach-ban-cach-trong-gung-cay-nong-dung-chuan-voh-1
Nên đặt cây gừng ở vị trí có nhiều ánh sáng để cây sinh trưởng tốt hơn (Nguồn: Internet) 

2. Cách chăm sóc gừng

Công đoạn chăm sóc gừng có lẽ sẽ tốn nhiều thời gian và công sức của bạn nhưng thành quả đem lại thì rất xứng đáng. 

2.1 Tưới nước

Thời gian đầu khi mới gieo gừng bạn cần chú ý đảm bảo độ ẩm cho đất trồng, mỗi ngày nên sắp xếp tưới nước cho cây từ 2-3 lần. Bên cạnh đó nếu để cây ở ngoài trời và có mưa thì giảm tưới lại vì gừng ưa ẩm nhưng khả năng chịu úng kém. 

Sau khi cây bắt đầu nhú mầm, số lần tưới trong ngày có thể giảm xuống, duy trì tưới 1 lần trong ngày. 

2.2 Bón phân

Công đoạn bón phân sẽ được tiến hành sau khoảng 45-60 ngày từ khi bắt đầu trồng, nên sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân trùn quế hoặc phâm vi sinh ủ men. Mỗi lần bón phân hãy nhớ kết hợp xới đất và làm cỏ. 

2.3 Diệt sâu bệnh

Trong quá trình chăm sóc cây gừng, cây có thể mắc bệnh cháy lá do nấm fusarium gây ra hoặc bị thối củ. Để phòng chống nấm bệnh, nên chủ động xử lý đất ngay từ đầu bằng vôi hoặc phun dung dịch phèn xanh. 

2.4 Thu hoạch củ gừng 

mach-ban-cach-trong-gung-cay-nong-dung-chuan-voh-2
Thời gian để thu hoạch củ gừng khá dài khoảng 7-8 tháng (Nguồn: Internet) 

Khi trồng gừng, bạn không nên “sốt ruột” bởi phải cần từ 7-8 tháng mới có thể thu hoạch được củ. Vào thời điểm thu hoạch bạn sẽ thấy lá gừng chuyển sang màu vàng, cong lại, một số lá bắt đầu khô héo và rụng dần. 

Chỉ cần một chút tỉ mỉ và kiên nhẫn, bạn có thể tự trồng cây gừng ngay tại nhà để an tâm sử dụng. Ngày đầu năm, sẵn sàng vun đất trồng cây thôi nào!
 

Bình luận