Bà bầu ăn bí đỏ và những công dụng tốt đến bất ngờ

(VOH) – Cung cấp đa dạng dưỡng chất, lại có thể chế biến thành nhiều món ngon nên bí đỏ được xem là một trong những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe bà bầu. Vậy bà bầu ăn bí đỏ sẽ nhận được lợi ích gì?

Bước vào giai đoạn mang thai đòi hỏi mẹ bầu phải lựa chọn kỹ lưỡng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và nuôi dưỡng bé yêu khỏe mạnh. Theo đó, ở thời kì này, mẹ hoàn toàn có thể bổ sung thêm bí đỏ trong khẩu phần ăn, nhằm tăng cường hấp thu các nhóm chất thiết yếu như vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin B, chất xơ, khoáng chất kali, canxi, magie, sắt, kẽm hay đồng,..

1. Bà bầu ăn bí đỏ nhận được lợi ích gì?

Dưới đây là những tác dụng của bí đỏ với sức khỏe thai kì mà có lẽ nhiều mẹ bầu chưa biết tới:

1.1 Phòng chống thiếu máu

Theo phân tích dinh dưỡng, lượng vi chất sắt được tìm thấy trong bí đỏ khá lớn, tương đương với khoảng 8% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Dưỡng chất này sẽ trực tiếp tham gia hình thành huyết sắc tố, ngăn ngừa chứng thiếu máu thai kì, nhằm vận chuyển đủ oxy nuôi các tế bào và thai nhi.

ba-bau-an-bi-do-va-nhung-cong-dung-tot-den-bat-ngo-voh-0
Hấp thu vi chất sắt từ bí đỏ giúp cải thiện chứng thiếu máu thai kì (Nguồn: Internet)

1.2 Điều hòa huyết áp ổn định

Nhờ có hàm lượng khoáng chất kali và magie tương đối dồi nên bí đỏ được xếp vào nhóm thực phẩm có thể hỗ trợ tích cực cho bà bầu duy trì huyết áp ổn định, hạn chế tình trạng cao huyết áp thai kỳ và các tai biến sản khoa nguy hiểm.  

Xem thêm: Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm thế nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa?

1.3 Cung cấp vitamin A cho thai kì

Giống như cà rốt, ớt chuông hay bông cải xanh,…bí đỏ cũng là một trong những loại rau quả giàu vitamin A tự nhiên mà mẹ bầu không nên bỏ qua. Chủ động tiếp nạp thêm vitamin A sẽ giúp cơ thể mẹ không bị thiếu hụt vitamin A, duy trì thị lực tốt và đảm bảo sự phát triển toàn vẹn các cơ quan, bộ phận của em bé.

1.4 Giảm phù nề, chuột rút khi mang thai

Khi thai lớn, phần lớn mẹ bầu sẽ phải đối mặt với chứng phù nề khá khó chịu và bí đỏ sẽ là “cứu tinh” giúp mẹ hạn chế được tình trạng này.  

Ngoài ra, bà bầu ăn bí đỏ cũng có tác dụng rất tốt trong việc kiểm soát những cơn chuột rút khi mang thai, đồng thời đem lại tác dụng giảm đau khá hiệu quả. Vì thế, nếu mẹ bầu đang bị phù nề hay chuột rút trong thai kỳ thì có thể cân nhắc thêm bí đỏ vào chế độ ăn hàng ngày.

Xem thêm: Mẹo mát xa chân giúp mẹ bầu ‘tạm biệt’ chứng phù nề khi mang thai

1.5 Thúc đẩy phát triển não bộ thai nhi

Bí đỏ không chỉ có lợi cho bà bầu mà còn rất tốt cho thai nhi. Lượng chất axit glutamic có trong loại quả này được biết đến như một thành tố quan trọng kết nối các tế bào thần kinh và thúc đẩy sự phát triển toàn diện não bộ thai nhi.

1.6 Ngăn ngừa táo bón, bệnh trĩ cho mẹ bầu

Bí đỏ mềm bở với lượng lớn chất xơ rất cần thiết cho hoạt động tiêu hóa, góp phần cải thiện tình trạng táo bón và bệnh trĩ – 2 chứng bệnh mà phụ nữ mang thai thường xuyên phải đối mặt.

ba-bau-an-bi-do-va-nhung-cong-dung-tot-den-bat-ngo-voh-1
Chất xơ từ bí đỏ rất tốt cho hệ tiêu hóa (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, trung bình 1kg bí đỏ chỉ chứa khoảng 40 calo nên đây là một loại thực phẩm mẹ có thể yên tâm bổ sung và không sợ bị tăng cân quá mức an toàn trong thai kỳ.

Xem thêm: Mang thai bị trĩ: Mẹ bầu nên dùng thuốc gì để điều trị an toàn ?

2. Bà bầu ăn hạt bí đỏ có tốt không?

Không chỉ tận dụng phần thịt của quả bí đỏ để chế biến món ăn, mẹ bầu nên giữ lại và dùng cả hạt bí đỏ (hay hạt bí) bởi bộ phận này cũng chứa khá nhiều dưỡng chất. Một số lợi ích mẹ bầu sẽ nhận được khi ăn hạt bí đỏ là:

2.1 Giải tỏa căng thẳng

Trong thai kỳ, nhiều mẹ bầu thường bị khó ngủ hoặc mất ngủ. Tuy nhiên, nếu thường xuyên ăn hạt bí đỏ mẹ bầu sẽ được ngủ ngon giấc hơn và giải tỏa căng thẳng, phiền muội. Bởi bên cạnh vitamin B1, vitamin B2, hạt bí đỏ còn chứa trypophan – một axit amin có thể chuyển đổi thành hormone melatonin có công dụng thư giãn thần kinh, tăng cảm giác buồn ngủ.

2.2 Kiểm soát tiểu đường thai kì

Trong hạt bí đỏ cũng chứa hàm lượng lớn khoáng chất magie giúp tăng tiết và cải thiện độ nhạy của insulin. Từ đây giúp kiểm soát quá trình chuyển hóa đường glucose vào máu, giảm thiểu nguy cơ mắc tiểu đường thai kì.

Xem thêm: Mẹ bầu bị tiểu đường nên biết những điều này để kiểm soát đường trong máu, tránh ảnh hưởng thai nhi

2.3 Dưỡng da mịn màng  

Ăn hạt bí đỏ sẽ giúp cơ thể mẹ bầu nhận được chất chống oxy hóa squalene quý giá – hoạt chất cấu thành nên các mô tế bào, tăng độ đàn hồi của lớp biểu bì dưới da, xóa mờ vết nứt và thâm sạn.

3. Bí đỏ nấu gì ngon để bồi bổ cho bà bầu?

Có vô vàn món ngon từ bí đỏ để mẹ bầu lựa chọn thêm vào thực đơn dưỡng thai, tuy nhiên cần chú ý đun hầm kĩ lưỡng để bí chín mềm và không bị sượng sống.

ba-bau-an-bi-do-va-nhung-cong-dung-tot-den-bat-ngo-voh-2
Bà bầu có thể chế biến nhiều món ngon từ bí đỏ (Nguồn: Internet)

Xin gợi ý cho mẹ một vài món ăn đơn giản, bổ dưỡng dưới đây để không còn băn khoăn bí đỏ nấu gì ngon nhé:

  • Súp bí đỏ
  • Chè bí đỏ
  • Sữa bí đỏ
  • Cháo bí đỏ
  • Bánh flan bí đỏ
  • Canh bí đỏ đậu phộng
  • Canh bí đỏ nấu ếch
  • Canh bí đỏ đậu phụ trứng

Xem thêm: Bí đỏ thơm bở, giàu dưỡng chất đem chế biến 12 món ăn này thì ‘ngon hết ý’

4. Một số lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn bí đỏ

Để đảm bảo hấp thu hiệu quả các dưỡng chất từ bí đỏ cũng như hạn chế các tác dụng phụ, mẹ bầu cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

  • Bí đỏ chứa nhiều tiền chất vitamin A và chất xơ nên mẹ bầu không nên ăn quá nhiều, mỗi tuần mẹ bầu chỉ nên dùng 2 món được chế biến từ bí đỏ.
  • Không nên ăn bí đỏ già để lâu vì khi để lâu loại quả này chứa hàm lượng đường cao. Hơn nữa, do được bảo quản trong thời gian dài khiến bên trong bí đỏ xảy ra quá trình hô hấp kị khí – lên men và biến chất, vì vậy khi ăn sẽ không còn tốt cho sức khỏe nữa.
  • Ngoài ra, mẹ bầu thường xuyên ăn nhiều bí đỏ với số lượng lớn cũng rất dễ gây ra các phản ứng dị ứng khác nhau trong cơ thể, do các hormone thai kỳ được giải phóng với số lượng nhiều.

Có thể thấy rằng, từ phần thịt tới hạt bí đỏ đều là thực phẩm quý dành cho thai kì, vì thế mẹ bầu đừng quên thêm ngay bí đỏ vào thực đơn dưỡng thai đấy nhé! 

Bình luận