Bà bầu uống hạt é được không? Uống sao cho đúng và an toàn?

(VOH) – Xoay quanh hạt é ‘li ti’, sần sật thường được thêm vào món tráng miệng, có lời khuyên bà bầu không nên dùng và cả ý kiến khuyến khích bổ sung. Vậy thực hư ra sao, bà bầu uống hạt é được không?

Hạt é (hột é) bé xíu, đen bóng (được thu hái từ quả của cây é), khi được ngâm thả trong nước sẽ “bung nở” và giải phóng khá nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Thế nhưng tuy là loại hạt độc đáo, ăn “vui miệng”, song nhiều mẹ bầu vẫn còn lo lắng khi sử dụng các thức uống có hạt é bởi không biết liệu rằng bà bầu uống hạt é được không?

1. Bà bầu uống hạt é được không?

Có thể nói nếu thoạt nhìn, chúng ta sẽ dễ nhầm lẫn hạt é với hạt chia, tuy nhiên hạt é có kích thước lớn hơn, giá thành không quá đắt đỏ và được thu hái dễ dàng, phổ biến ở trong nước. Dù vậy nguồn chất dinh dưỡng mà hạt é đem lại cũng không hề “kém cạnh”, cung cấp chất xơ và đa dạng chất chống oxy hóa, nhất là ở lớp màng nhầy màu trắng.

Chính vì thế, các chuyên gia sức khỏe chia sẻ rằng bà bầu uống hạt é được, nhưng phải cân đối liều lượng và pha chế khoa học.

ba-bau-uong-hat-e-duoc-khong-uong-sao-cho-dung-va-an-toan-voh-0
Bà bầu uống hạt é được, với lượng vừa phải để hấp thu hiệu quả các dưỡng chất (Nguồn: Internet) 

2. Bà bầu uống hạt é tốt cho sức khỏe thế nào?

Chỉ cần thêm một lượng nhỏ hạt é vào các món ăn để bồi bổ trong thời kì dưỡng thai, mẹ bầu có thể hấp thu thêm nhiều dưỡng chất quý giá và chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe như:

2.1 Cải thiện tình trạng bốc hỏa

Bốc hỏa là tình trạng xuất hiện khá phổ biến ở phụ nữ trong giai đoạn mang thai, bởi lưu lượng máu cùng nồng độ hormone progesterone tăng cao, dẫn tới sản sinh nhiệt và dễ gây bốc hỏa. Lúc này để chủ động hạ nhiệt cơ thể, mẹ có thể tăng cường uống thêm các thức uống bổ mát rồi hòa thêm hạt é như nước cam, nước chanh hay đơn giản là nước lọc.

2.2 Ngăn ngừa tiểu đường thai kì

Theo phân tích dinh dưỡng, lượng chất xơ (đặc biệt là chất xơ hòa tan) được tìm thấy trong hạt é tương đối lớn, đáp ứng tới 25% nhu cầu hàng ngày. Khi đó, chất xơ vào cơ thể mẹ bầu sẽ tham gia kiểm soát quá trình chuyển hóa đường glucose vào máu, duy trì đường huyết ở mức ổn định và hạn chế tối đa nguy cơ mắc tiểu đường thai kì.

Xem thêm: Tìm hiểu ngay thực đơn cho bà bầu tiểu đường giúp kiểm soát bệnh hiệu quả

2.3 Giảm khô ráp, nứt nẻ da

Bổ sung thêm hạt é vào thực đơn hàng ngày là cách giúp mẹ tiếp nạp thêm lượng lớn alpha-linolenic acid (ALA) - một chất béo lành mạnh thuộc nhóm omega-3. Dưỡng chất này được xem như thành tố quan trọng tăng độ ẩm cũng như làm chậm tốc độ phá vỡ collagen, từ đây giảm hiện tượng khô ráp và nứt nẻ da.  

2.4 Tăng cường sức đề kháng

Như đã chia sẻ, rất nhiều nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy rằng hạt é chứa hàm lượng khá lớn các nhóm chất chống oxy hóa, điển hình phải kể đến flavonoid và polyphenol. Theo đó, các hoạt chất này đều có tính kháng viêm, kháng khuẩn mạnh, góp phần không nhỏ trong việc tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cả mẹ lẫn thai nhi khỏi các mầm bệnh nguy hiểm.

Xem thêm: Cách phòng ngừa cảm cúm khi mang thai, giúp bảo vệ sức khỏe mẹ bầu trong mùa dịch corona

2.5 Củng cố xương chắc khỏe

Có thể mẹ sẽ bất ngờ khi biết rằng hạt é nhỏ bé như vậy song lại “hội tụ” nguồn chất khoáng cực kì phong phú. Cụ thể, một thìa cà phê hạt é (khoảng 13g) cung cấp lượng canxi lên tới 15% giá trị hàng ngày, lượng magiesắt thì đạt mức 10% giá trị hàng ngày. Nhờ vậy, khi bà bầu uống hạt é sẽ bù đắp thêm lượng khoáng chất cần thiết cho hệ vận động, xoa dịu cơn đau nhức và giúp mẹ di chuyển dễ dàng hơn.

ba-bau-uong-hat-e-duoc-khong-uong-sao-cho-dung-va-an-toan-voh-1
Hạt é cung cấp khá nhiều khoáng chất tốt cho hệ xương khớp của mẹ bầu (Nguồn: Internet)

2.6 Giảm ho, viêm họng

Trong Đông y, hạt é thuộc nhóm dược liệu thường được tận dụng để điều chế các bài thuốc giảm ho, viêm họng khá hữu hiệu. Vì thế nếu đang bị ngứa rát cổ họng hay ho húng hắng, mẹ hãy tham khảo hòa thêm hạt é vào nước ấm và uống cải thiện nhé!

Xem thêm: 7 ‘thần dược’ tự nhiên giúp điều trị viêm họng cho mẹ bầu, không ảnh hưởng thai nhi

3. Gợi ý một số món ngon từ hạt é dành cho bà bầu

Bên cạnh việc thêm hạt é vào các thức uống thanh mát, bà bầu cũng có thể ngâm nở hạt é trước, rồi kết hợp với một vài nguyên liệu để “biến tấu” những món tráng miệng hấp dẫn như:

  • Chè sương sáo hạt é
  • Chè khoai lang dẻo hạt é
  • Sữa chua hạt é
  • Thạch rau câu hạt é
  • Bánh flan (caramen) hạt é

4. Bà bầu ăn hạt é có bị tắc ruột không?

Có lẽ “bà bầu ăn hạt é có bị tắc ruột không” là một trong khá nhiều băn khoăn khiến các mẹ ngần ngại thêm hạt é khi pha chế các thức uống hay món ăn. Nhưng trên thực tế, hiện tượng tắc ruột hay sảy thai sau khi ăn hạt é rất hiếm khi xảy ra nếu mẹ đảm bảo ăn một lượng vừa đủ và chú ý thực hiện đúng các khuyến cáo an toàn sau:

  • Không ăn quá nhiều hạt é, một lần chỉ dùng từ 1 – 2 thìa cà phê (khoảng 10 – 15g).
  • Nên ngâm nở hạt é từ 10 – 15 phút, không ăn khi hạt é chưa nở hết để tránh tình trạng khi vào ruột, hạt é sẽ hút nước và làm tăng nguy cơ gây tắc ruột.
  • Trong trường hợp đang bị tiêu chảy hay lạnh bụng, tốt nhất nên tạm ngưng dùng hạt é.
  • Nếu đang sử dụng thuốc đặc trị, cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi ăn hạt é.

Nhìn chung, hạt é được đánh giá là loại hạt tương đối lành tính dành cho thai kì nên bà bầu uống hạt é được. Mẹ chỉ cần ghi nhớ thực hiện một vài lưu ý nhỏ trong bài viết trên đây thì có thể yên tâm hấp thu thêm dưỡng chất tốt cho sức khỏe từ hạt é rồi! 

Bình luận