Cách chăm sóc bé chích ngừa bị sốt tại nhà

(VOH) - Trẻ em cần được tiêm phòng vì không chỉ giúp trẻ có được hệ miễn dịch tốt mà còn bảo vệ bé tránh khỏi một số bệnh tật. Tuy vậy, một số bé chích ngừa bị sốt khiến mẹ lo lắng.

Thông thường các triệu chứng sau khi tiêm phòng thường là sưng tấy, sốt nhẹ, trẻ quấy khóc và hầu hết các triệu chứng này sẽ tự mất đi sau 1 – 2 ngày. Nếu muốn bé yêu mau chóng trở lại trạng thái bình thường, khỏe mạnh thì mẹ cần tìm hiểu các cách giảm đau, hạ sốt cho trẻ sau khi chích ngừa.

1. Nguyên nhân bé chích ngừa bị sốt

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng – bệnh viện Nhi Trung Ương, bé chích ngừa bị sốt hay quấy khóc là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, riêng chuyện tiêm đã gây đau và khiến trẻ khó chịu. Bên cạnh đó, khi đưa vacxin vào người, phản ứng đầu tiên là sẽ sưng tại chỗ, sau đó là gây sốt, vì cơ thể nhìn nhận vacxin như một tác nhân lạ và phản ứng lại để chống nhiễm trùng.

Khi trẻ chích ngừa bị sốt, cơ thể khó chịu lại có cảm giác sưng đau ở chỗ tiêm nên bé thường khó chịu, quấy khóc về đêm. Các phản ứng này sẽ xảy ra sau khi tiêm một vài tiếng, trẻ có thể bị sốt nhẹ, sốt cao, sốt kéo dài từ 1 đến 2 ngày, sau đó tự biến mất mà không cần biện pháp hỗ trợ nào.

Ngoài các biểu hiện trên, một số trường hợp trẻ bị nổi cục bằng hạt đậu, ngứa xung quanh vết tiêm. Một số trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi còn gặp phải hội chứng rên la kéo dài, thậm chí là la hét to. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những phản ứng phụ của tiêm phòng và có thể tự hết.

Xem thêm: Mách mẹ 7 cách giảm đau SIÊU NHANH cho trẻ sau khi tiêm phòng

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

2. Chăm sóc bé chích ngừa bị sốt 

Để chăm sóc trẻ bị sốt sau khi chích ngừa cha mẹ không nên quá lo lắng, có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để giúp trẻ giảm đau và khó chịu.

2.1. Theo dõi thân nhiệt bé và chườm mát

Đối với những em bé chích ngừa bị sốt, điều đầu tiên cha mẹ cần làm chính là cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt của trẻ. Cho bé nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, chườm mát cho trẻ bằng khăn ấm nhưng không nên chườm đá hay nước lạnh vì sẽ làm bé bị sốc nhiệt.

cach-cham-soc-be-chich-ngua-bi-sot-tai-nha-voh-0
Cần theo dõi thân nhiệt trẻ sau khi có dấu hiệu bị sốt (Nguồn: Internet) 

2.2. Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt quá cao

Phần lớn các trường hợp trẻ em chích ngừa bị sốt đều sẽ tự khỏi sau 1 – 2 ngày. Chỉ một số ít trường hợp trẻ bị sốt cao mới cần dùng đến thuốc hạ sốt. Nếu bé chích ngừa về bị sốt với nhiệt độ trên 38.5 độ C, cha mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với những trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hạ sốt cho con.

Xem thêm: Làm cách nào hạ sốt nhanh khi trẻ sốt cao trên 39 độ ?

2.3. Bù nước và điện giải

Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, cha mẹ nên dùng các loại thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như Oresol, cháo muối nấu loãng (áp dụng cho những trẻ đã ăn dặm).

Lưu ý: Đối với Oresol, cần sử dụng đúng liều lượng để đảm bảo an toàn cho trẻ. Liều dùng như sau:

  • Trẻ nhũ nhi uống 50ml/lần, ngày cho uống khoảng 2 - 3 lần.
  • Trẻ từ 2 - 6 tuổi uống 100ml/lần, ngày cho uống 2 - 3 lần.
  • Trẻ 6 - 12 tuổi cho uống mỗi lần khoảng 150ml, ngày cho uống 2 - 3 lần.
  • Trẻ trên 12 tuổi uống theo nhu cầu (khát là cho trẻ uống).

2.4. Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ

Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ, với những trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Những trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cha mẹ cần đảm bảo một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.

2.5. Vệ sinh

Vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Không để trẻ bị cảm lạnh, nhất là khi trẻ ngủ vào ban đêm.

3. Những trường hợp cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ

Trong trường hợp, mẹ đã đáp dụng nhiều cách nhưng thân nhiệt bé vẫn không hề giảm hoặc bé có những biểu hiện sau đây thì gia đình nên đưa bé đến bệnh viện:

  • Sốt cao từ 39 độ C trở lên.
  • Người ốm yếu, sắc mặt nhợt nhạt.
  • Trong trạng thái lơ mơ, bỏ bú, bỏ ăn.
  • Khóc liên tục trong hơn 3 giờ đồng hồ.
  • Nôn mửa, đại tiện ra máu.
  • Xuất hiện phát ban.
  • Co giật
  • Sốt liên tục trong hơn 48 giờ.

Không phải tất cả trẻ em sau khi chích ngừa cũng đều bị sốt, có những bé chích ngừa không bị sốt, có những trẻ chỉ bị sưng đau vùng tiêm. Theo BS Trần Thị Huyên Thảo – Sách Chat với bác sĩ, thực tế tỷ lệ trẻ bị sốt sau khi chích vừa vắc xin là rất thấp:

  • Vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B: hơn 90% trẻ em chích ngừa, nhưng tỷ lệ phản ứng sốt sau tiêm vắc xin chỉ khoảng 3%.
  • Vắc xin Sởi – Quai Bị - Rubella: Gây sốt ở khoảng 10% số ca chích ngừa.
  • Vắc xin 5 trong 1: Tỷ lệ trẻ bị sốt sau chích ngừa vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trẻ tạo được miễn dịch chống lại các bệnh được tiêm phòng.
group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận