Những phản ứng phụ thường gặp khi tiêm vacxin cho trẻ

( VOH ) - Đa số trẻ sau khi tiêm chủng vacxin sẽ xuất hiện một số phản ứng phụ. Vậy các phản ứng phụ thường gặp khi tiêm chủng vacxin cho trẻ là gì và có nguy hiểm không?

Vacxin thực chất là những chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.

Vacxin không có khả năng gây bệnh cho cơ thể nhưng lại có thể gây ra một vài tác dụng phụ đối với một số ít trường hợp. Dưới đây là 7 phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm chủng vacxin. 

1. Phản ứng tại vị trí tiêm vacxin 

Cảm giác đau, ngứa ngáy hay hơi sưng đỏ ngay tại chỗ viêm là phản ứng thường gặp nhất. Bé có thể sẽ bị đau một vài giờ sau tiêm chủng, một vài trường hợp thậm chí bé sẽ bị đau kéo dài đến một ngày. Một số bé còn có biểu hiện sưng một khối nhỏ bằng hạt đậu kéo dài trong 2 – 3 tuần ngay tại vết tiêm hoặc bị nổi mẩn ngứa 3 – 6 ngày sau tiêm ngừa.

Khoảng 5 – 10% trẻ gặp phải tình trạng này và tất cả các phản ứng trên sẽ tự khỏi sau vài ngày. Để con bớt cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, có thể chườm lạnh cho bé trong khoảng từ 15-20 phút. 

Xem thêm: Mách mẹ 7 cách giảm đau SIÊU NHANH cho trẻ sau khi tiêm phòng

2. Trẻ bị sốt sau tiêm vacxin

nhung-phan-ung-phu-thuong-gap-khi-tiem-vacxin-cho-tre-voh-0
Trẻ có thể sốt nhẹ, hơi mệt mỏi sau khi tiêm (Nguồn: Internet) 

Sốt cũng là một phản ứng phụ hay gặp ở trẻ sau tiêm phòng vacxin, nhiệt độ cơ thể bé sẽ ở mức 38 độ C. Khi trẻ bị sốt cha mẹ không nên cho bé mặc quá nhiều quần áo hoặc phủ kín chăn mền.

Sốt là tác dụng phụ điển hình nhất khi tiêm vacxin ngừa bệnh thương hàn, ho gà. Tác dụng phụ của tiêm phòng sởi, quai bị cũng có thể gây sốt ở trẻ em nhưng biểu hiện chậm hơn (từ 5 – 12 ngày sau tiêm). Hầu hết các phản ứng này sẽ hết sau 1 – 2 ngày. 

Xem thêm: 5 cách chăm sóc trẻ bị sốt sau khi chích ngừa tại nhà hiệu quả, giúp trẻ mau hồi phục

3. Phản ứng ngoài da

Có khoảng 2 – 10% trẻ sau khi tiêm ngừa sởi rubella có triệu chứng sốt nhẹ kèm theo sốt phát ban. Ở những bé có tiền sử bị dị ứng thì sẽ xuất hiện tình trạng nổi mề đay, ngứa toàn thân trong thời gian từ 3 – 6 ngày.

4. Viêm hạch khi tiêm vacxin 

Tác dụng phụ của tiêm phòng lao ở trẻ em là tình trạng nổi hạch ở nách, phía bên nách được tiêm vacxin. Tuy nhiên, theo thống kê thì chỉ có khoảng 6 – 12% trẻ sẽ gặp phải phản ứng phụ này.

5. Hội chứng ‘rên la’ 

nhung-phan-ung-phu-thuong-gap-khi-tiem-vacxin-cho-tre-voh-1
Rên la, quấy khóc là hiện tượng bình thường khi trẻ đi tiêm (Nguồn: Internet) 

Khoảng 3 % trẻ em từ 3 - 6 tháng tuổi sau khi tiêm chủng có biểu hiện rên la, quấy khóc nhiều giờ liền. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thuốc đến thần kinh và hầu hết những trường hợp này sẽ không gây biến chứng nguy hiểm.

6. Co giật sau tiêm vacxin

Có khoảng 0,6% trẻ sau khi tiêm phòng ho gà sẽ có biểu hiện sốt cao kèm theo co giật và phần lớn những bé này đều có tiền sử co giật, động kinh. Thông thường, những bé bị động kinh thường được xếp vào danh sách ‘chống chỉ định’ tiêm phòng ho gà.

7. Sốc phản vệ

Một tác dụng phụ có tỷ lệ xảy ra cực kỳ thấp nhưng lại cực kỳ nghiêm trọng từ tiêm chủng vacxin chính là phản ứng dị ứng tức thời, hay còn được gọi là sốc phản vệ (phản ứng phản vệ).

Hầu hết các trường hợp sốc phản vệ đều diễn ra trong vòng 15 – 30 phút đầu tiên sau tiêm chủng. Do đó, cha mẹ cần ở lại cơ sở y tế tiêm chủng ít nhất 30 phút và theo dõi, để các bác sĩ có thể can thiệp kịp thời khi phát hiện những bất thường ở trẻ như tụt huyết áp nhanh, tay chân lạnh, cảm thấy khó thở. 

Khi trẻ được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, cơ thể sẽ ít bị nhiễm bệnh hoặc nếu có thì mức độ bệnh cũng sẽ không đến mức tử vong, vì vậy cha mẹ không nên chủ quan và quên lịch tiêm phòng theo đúng độ tuổi con. 

Bình luận