Trước khi tiêm phòng vacxin cho trẻ cần làm gì?

(VOH) - Tiêm phòng vacxin là một trong những điều cha mẹ cần tìm hiểu và thực hiện đầy đủ cho trẻ. Để đạt hiệu quả, cha mẹ cần nhớ một số lưu ý quan trọng trước khi tiêm phòng cho trẻ.

Việc chuẩn bị trước kĩ càng sẽ giúp cha mẹ bớt lo lắng khi đưa con tới các cơ sở y tế để tiêm phòng vacxin, đặc biệt là đối với các gia đình lần đầu thực hiện “nhiệm vụ” này. Trước kì tiêm phòng, cần hoàn thành 4 lưu ý dưới đây.

1. Tìm hiểu lịch tiêm phòng vacxin của trẻ

Trong những năm đầu đời, hệ miễn dịch của bé chưa tốt và có khả năng lây nhiễm khá nhiều bệnh lý nguy hiểm. Cho đến nay, tiêm phòng vacxin được xem là phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. 

Công dụng của vacxin sẽ phát huy cao nhất khi bé được tiêm đúng thời điểm, đúng liều. Chính vì vậy việc nắm rõ lịch tiêm chủng vacxin cho con sẽ giúp cha mẹ chủ động sắp xếp và đưa con tới các cơ sở y tế để thực hiện mũi tiêm. 

Xem thêm: Bác sĩ BV Nhi Đồng TPHCM chia sẻ lịch tiêm phòng mới nhất cho trẻ em

2. Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ

truoc-khi-tiem-phong-vacxin-cho-tre-can-lam-gi-voh-0
Kiểm tra, theo dõi sức khỏe bé trước khi đi tiêm phòng (Nguồn: Internet) 

Hầu hết các loại vắc xin cho trẻ đều rất an toàn, tuy nhiên, việc tiêm phòng vacxin có được tiến hành hay không sẽ phụ thuộc vào thể trạng sức khỏe của bé vào thời điểm đó. Một số trường hợp sau đây được khuyến cáo nên tạm dừng kế hoạch tiêm phòng. 

2.1. Sốt cao 

Khi trẻ bị sốt từ 38 độ C trở lên, cha mẹ không nên đưa con đi tiêm phòng. Tình trạng sốt cao khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, nếu quyết định tiêm phòng cho bé có thể khiến cơ thể bé khó chịu, hay quấy khóc. Đặc biệt, sau khi tiêm phòng rất khó xác định chính xác nguyên nhân gây sốt cao ở trẻ. 

2.2. Tiền sử sốc vacxin lần tiêm trước

Nếu trẻ đã từng tiêm vacxin ở kì tiêm trước và có phản ứng nặng, sốc phản vệ thì cần khai báo cho các chuyên gia y tế, để tránh gây nguy hiểm tính mạng khi tiếp tục tiêm các loại vacxin phòng bệnh đó. 

2.3. Mắc bệnh nhiễm trùng

Khi mắc các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu,... vi khuẩn và virus có hại sẽ tăng trưởng rất nhanh trong cơ thể bé. Nếu tiêm phòng vacxin trong giai đoạn này sẽ không đem lại hiệu quả và còn gây nguy hiểm vì hệ thống miễn dịch lúc này đang cố gắng loại bỏ các sinh vật gây bệnh. 

2.4. Hệ miễn dịch suy giảm

 Khi hệ miễn dịch suy giảm, hiệu quả tiêm phòng vacxin đem lại cho bé sẽ rất thấp. Nếu lựa chọn tiêm các loại vacxin bất hoạt thì cần phải tiêm nhắc lại vacxin này khi hệ miễn dịch được phục hồi. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các chuyên gia khuyến cáo không tiêm các loại vacxin sống giảm độc lực vì bé không có khả năng ức chế sự nhân lên của virus sống giảm độc lực. 

2.5. Sử dụng Corticoid

Corticoid là một loại thuốc hỗ trợ kháng viêm. Nếu bé đang phải điều trị và sử dụng Corticoid thì việc tiêm phòng vacxin sẽ phải tạm hoãn trong 14 ngày vì thuốc có thể làm giảm động lực của vacxin. 

Xem thêm: Mách mẹ 7 cách giảm đau SIÊU NHANH cho trẻ sau khi tiêm phòng

3. Xác định các cơ sở tiêm phòng vacxin tin cậy

Tiêm phòng vacxin có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự an toàn tính mạng của bé, cha mẹ cần tìm hiểu cũng như lựa chọn các cơ sở tiêm phòng vacxin tin cậy. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo những địa chỉ uy tín dưới đây:

  • Trạm y tế địa phương 
  • Viện Pasteur TP.HCM 
  • Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM 
  • Bệnh viện bệnh Nhiệt đới
  • Trung tâm tiêm chủng vacxin VNVC

4. Chuẩn bị hồ sơ tiêm phòng vacxin của trẻ 

Để các cơ sở y tế có thể theo dõi đầy đủ tình trạng sức khỏe và quá trình hoàn thành các mũi tiêm cần thiết của bé, trước khi đưa con đi tiêm phòng vacxin, cha mẹ cần chuẩn bị hồ sơ tiêm phòng bao gồm:

  • Sổ tiêm chủng
  • Phiếu tiêm chủng
  • Hồ sơ sức khỏe 

Hy vọng những chia sẻ trong bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích cho các bậc phụ huynh trước khi thực hiện việc tiêm phòng cho trẻ. Hãy động viên tinh thần, tạo tâm lý thoải mái cho con để kì tiêm phòng diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. 

Bình luận