5 nguyên nhân hàng đầu gây đau xương mu khi mang thai

(VOH) – Đau xương mu là tình trạng thường gặp ở nhiều mẹ bầu, hiện tượng này thường xảy ra vào những tháng cuối thai kỳ. Vậy tại sao lại xuất hiện tình trạng này và làm sao khắc phục?

Phụ nữ mang thai, cơ thể có rất nhiều sự biến đổi, không chỉ về vóc dáng mà mẹ bầu còn có thể gặp phải các vấn đề như: tiểu đêm nhiều, bị phù chân và có cả tình trạng đau xương mu, đặc biệt là ở cuối thai kỳ.

Xương mu là một phần xương của vùng xương chậu. Hai bên xương chậu được kết nối bằng khớp xương mu ở phía trước, khớp có thể co dãn dưới sự hỗ trợ của hệ thống dây chằng, do đó, khi dây chằng bị kéo căng sẽ gây đau vùng xương mu. Từ tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ đã có thể cảm nhận được những cơn đau nhức vùng xương mu.

1. Tại sao bà bầu bị đau xương mu?

Trong thai kỳ, các cơn đau vùng xương mu thường không gây nguy hiểm mà chỉ mang đến cảm giác khó chịu và mệt mỏi cho mẹ bầu. Tuy nhiên, vào tam cá nguyệt thứ ba, những cơ đau xương mu ở bà bầu xuất hiện nhiều và mức độ đau cũng cao hơn. Đặc biệt là sau tuần thai 37, nhiều mẹ bầu sẽ bị đau dữ dội ở vùng mu tới mức cảm thấy không thể di chuyển được.

Có nhiều lý do khiến bà bầu bị đau xương mu vùng kín khi mang thai, nhưng phổ biến nhất là 5 nguyên nhân sau đây:

1.1 Cân nặng thai nhi

Cân nặng thai nhi tăng nhanh khiến cơ thể mẹ bầu, nhất là vùng giữa 2 chân phải tiếp nhận một trong lượng lớn. Điều này đã tác động lên vùng xương mu và khiến cho bà bầu bị đau xương mu vùng kín.

1.2 Thai nhi quay đầu

5-nguyen-nhan-hang-dau-gay-dau-xuong-mu-khi-mang-thai-voh

Thai nhi quay đầu trong tháng cuối thai kỳ có thể khiến mẹ bầu bị đau xương mu (Nguồn: Internet)

Vùng xương mu làm nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ phần phía trên của cơ thể, cho nên vào những tuần cuối thai kỳ, khi em bé bắt đầu xuống thấp hơn, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra hormone relaxin, progesterone làm các khớp vùng khung chậu từ từ giãn nở để sẵn sàng cho kỳ sinh nở. Đó là lý do khiến các mẹ bầu bị đau xương mu khi mang thai tháng cuối.

1.3 Mẹ bầu thiếu canxi

Các cơn đau dồn dập vùng xương mu xuất hiện cũng có thể do mẹ bầu bị thiếu canxi. Khi cơ thể thiếu canxi, các khớp xương sẽ trở nên yếu ớt hơn nên dễ bị nhức mỏi. Ở giai đoạn thai nhi quay đầu xuống các cơn đau nhói càng xuất hiện nhiều hơn và sẽ biến mất khi bé yêu quay đầu hoàn toàn. Một số ít trường hợp, mẹ bầu sẽ bị đau xương mu dữ dội cho đến khi bé chào đời.

1.4 Mẹ có tiền sử bị thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm

Nếu mẹ bầu có tiền sử với 2 căn bệnh này thì cũng dễ gặp phải tình trạng đau xương mu ở tháng cuối. Khi cột sống phải gánh cơ thể quá nặng, dẫn tới tình trạng các khớp xương bị thoái hóa nặng hơn hoặc làm cho nhân nhầy đĩa điệm thoát ra khỏi vị trí ban đầu của cột sống.

1.5 Mẹ bầu vận động, đi lại nhiều

Những tuần cuối thai kỳ là thời điểm mẹ bầu cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế đi lại và vận động mạnh bởi việc di chuyển nhiều sẽ khiến vùng xương mu chịu áp lực nhiều hơn và gây đau. Ngoài ra, mẹ còn có thể cảm thấy đau háng, lưng, bẹn, hông và bên đùi.

2. Cách giảm đau xương mu khi mang thai cho mẹ bầu

5-nguyen-nhan-hang-dau-gay-dau-xuong-mu-khi-mang-thai-1-voh

Ngồi đúng tư thế sẽ giúp mẹ bầu giảm bớt các cơn đau vùng xương mu (Nguồn: Internet)

Đau xương mu là một phần thay đổi của cơ thể mẹ khi mang thai, do đó không thể làm tình trạng này chấm dứt hoàn toàn, mẹ bầu chỉ có thể hạn chế các cơn đau bằng những cách dưới đây:

  • Duy trì tư thế đúng, không thay đổi tư thế đột ngột và nghỉ ngơi ngay lập tức khi có cơn đau.
  • Không tạo áp lực lên vùng xương háng. Mẹ có thể sử dụng đai đỡ bụng bầu để giảm trọng lượng lên vùng xương chậu, khớp mu, hỗ trợ giảm đau.
  • Nên mang các loại dép bằng, đế thấp.
  • Tránh đứng ở một tư thế quá lâu.
  • Khi sử dụng gối cho bà bầu nên nằm nghiêng về hướng bên thuận.
  • Bổ sung canxi đầy đủ trong thai kỳ.

Ngoài ra, mẹ cầu cũng cần lưu ý thêm, trước tháng cuối thai kỳ nếu cơn đau không chỉ dừng lại ở việc đau âm ỉ mà chuyển hẳn thành các cơn co thắt mạnh vùng tử cung kèm theo dịch nhờn âm đạo thì mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa vì đây có thể là dấu hiệu của sinh non.

Bình luận