Dính buồng tử cung có nguy hiểm không và điều trị thế nào?

(VOH) – Dính buồng tử cung có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt là tình trạng vô sinh nữ. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh này như thế nào?

1. Dính buồng tử cung là gì?

Tử cung người phụ nữ có 3 lớp gồm: lớp thanh mạc, lớp cơ và lớp nội mạc. Nội mạc tử cung lại chia thành 2 lớp, lớp đáy dưới và lớp chức năng ở trên. Lớp chức năng là lớp bị bong ra mỗi kỳ kinh nguyệt, còn lớp đáy đảm nhận vai trò tái tạo lớp niêm mạc đã mất đi.

Dính buồng tử cung là hiện tượng thành tử cung phía trước và thành tử cung phía sau bị dính lại với nhau do lớp đáy của nội mạc tử cung bị tổn thương. Từ đó gây cản trở sự tái tạo bình thường của nội mạc tử cung, làm ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của trứng sau khi thụ thai.

2. Nguyên nhân gây dính buồng tử cung

Dính buồng tử cung là biến chứng thường gặp của việc nạo, hút thai gây ra. Trong quá trình thực hiện, nếu không đảm bảo chuyên môn của bác sĩ cũng như điều kiện vô trùng có thể khiến cho niêm mạc tử cung bị tổn thương đến lớp đáy, gây dính lại.

dinh-buong-tu-cung-co-nguy-hiem-khong-va-dieu-tri-the-nao-voh

Nạo, hút thai là nguyên nhân chủ yếu khiến buồng tử cung bị dính (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, một số nguyên nhân có thể gây dính buồng tử cung là:

  • Bị sót nhau thai sau khi sinh con hoặc sau khi sảy thai.
  • Hậu quả của việc can thiệp vào tử cung để xử trí các bệnh liên quan.
  • Nhiễm trùng lao sinh dục hoặc viêm nhiễm phụ khoa kéo dài.

3. Biểu hiện của dính buồng tử cung như thế nào?

Những biểu hiện của dính buồng tử cung đôi khi khiến cho các chị em nhầm tưởng và xem nhẹ bởi những dấu hiệu này rất phổ biến ở nhiều căn bệnh khác. Đó là:

  • Kinh nguyệt không đều: Một số người bỗng dưng thấy ngày kinh thất thường hoặc lượng kinh ít hẳn, nhưng đa phần đều nghĩ là do bị rối loạn kinh nguyệt và sẽ sử dụng thuốc nội tiết để điều chỉnh.
  • Đau bụng dưới: Đây là biểu hiện thường thấy sau khi nạo phá thai khoảng 1 tháng. Những cơn đau bụng thường xuất hiện râm ran ở vùng bụng dưới. Nặng hơn sẽ xuất hiện các cơn đau dữ dội, thậm chí đi vệ sinh cũng đau.

3.1 Cần phân biệt hiện tượng mang thai với dính buồng tử cung

Nhiều chị em phụ nữ bị dính buồng tử cung nhưng lại nhầm lẫn là đang có thai vì xảy ra tình trạng kinh nguyệt không đều, ít kinh hoặc vô kinh.

Giải thích về sự nhầm lẫn này, các bác sĩ trong lĩnh vực vô sinh – hiếm muộn cho rằng, sau khi bị dính niêm mạc ở đáy buồng tử cung, sẽ không còn chỗ cho niêm mạc mọc lại nên sẽ không xảy ra hiện tượng kinh nguyệt, dù cơ thể vẫn báo những dấu hiệu như tức ngực, mệt mỏi, khó chịu...

Thông thường sẽ rất khó chẩn đoán một người có bị dính buồng tử cung hay không nếu chỉ thông qua các dấu hiệu bên ngoài, bởi đa phần các dấu hiệu đều không thể khẳng định được đúng bệnh mà bắt buộc người bệnh phải tiến hành thăm khám chuyên môn.

Tùy vào mức độ tổn thương mà buồng tử cung có thể dính hoàn toàn hoặc một phần. Để chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện chụp X quang tử cung vòi trứng, siêu âm nội mạc hoặc soi buồng tử cung.

4. Dính buồng tử cung có thai được không?

Các bác sĩ y khoa cho biết, dính buồng tử cung không ảnh hưởng đến quá trình trứng thụ tinh vì thế hiện tượng thụ thai vẫn diễn ra.

Tuy nhiên, khi thai về ổ lại không thể bám vào tử cung do không còn lớp đáy để tạo lớp chức năng, niêm mạc tử cung không thể dày lên nên dẫn đến sảy thai sớm. Nếu tình trạng sảy thai liên tiếp xảy ra thì có thể dẫn đến vô sinh.

dinh-buong-tu-cung-co-nguy-hiem-khong-va-dieu-tri-the-nao-1-voh

Dính buồng tử cung làm tăng nguy cơ sảy thai sớm (Nguồn: Internet)

Có khoảng 15% trường hợp sảy thai do phôi không thể bám được vào tử cung. Nếu bị dính nặng, khả năng có thai của phụ nữ rất thấp và tỷ lệ sảy thai cũng cao hơn. Có tới 68% phụ nữ hiếm muộn thứ phát khi nạo phá thai từ 2 lần trở lên.

5. Phụ nữ dính buồng tử cung có chữa được không?

Có rất nhiều chị em thường lo sợ hiện tượng dính buồng tử cung sẽ không chữa được bởi có quá nhiều nguy cơ và biến chứng phát sinh từ bệnh.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết bệnh dính buồng trứng tử cung hoàn toàn có thể chữa được bằng phương pháp phẫu thuật, tách phần bị dính để tái tạo lại buồng tử cung.

Theo đó, một vách ngăn cách sẽ được đặt vào giữa hai mặt tử cung sau khi tách để ngăn chặn việc chúng lại tiếp tục bị dính vào nhau trở lại. Đồng thời dùng thuốc nội tiết để giúp niêm mạc phát triển dày hơn.

Dựa vào diện tích tử cung và tình trạng, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những cách xử trí khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Khi diện tích và tổn thương càng nhỏ thì việc chữa trị tình trạng dính niêm mạc buồng tử cung sẽ càng dễ dàng.

Với những trường hợp dính buồng tử cung do viêm nhiễm hay lao sinh dục thì trước khi tiến hành phẫu thuật tách dính, bệnh nhân cần phải điều trị dứt điểm các căn bệnh này.

Bình luận