Nhận diện những vấn đề tâm lý thần kinh thường gặp ở trẻ

(VOH) – Như người lớn, trẻ em cũng có thể gặp phải những rối loạn tâm lý thần kinh ngay từ nhỏ. Vậy làm sao để nhận diện những vấn đề tâm lý thần kinh của trẻ để đảm bảo con phát triển bình thường?

Theo số liệu thống kê, có khoảng một nửa những loại bệnh tâm lý thần kinh thường gặp ở trẻ em sẽ bắt đầu trước 12 tuổi, đây là một giai đoạn mà các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể nhận biết và có những hướng chủ động kết hợp với các chuyên gia tâm lý để có thể giúp đỡ cho con mình. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào cha mẹ cũng dễ dàng nhận ra những điều đó. Vậy làm thế nào để nhận diện và khắc phục các vấn đề về tâm lý tinh thần cho trẻ?

Những chia sẻ của chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – BV Nhi đồng TP sẽ giải đáp những thắc mắc về những vấn đề trẻ có thể gặp phải trong giai đoạn phát triển của mình. 

1. Làm sao nhận diện các vấn đề tâm lý thần kinh ở trẻ?

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, những vấn đề về tâm lý thần kinh ở trẻ em được chia làm 2 mảng chính, đó là:

  • Các vấn đề về phát triển. Ví dụ một đứa trẻ so với tuổi có những biểu hiện chậm nói, hay là có những hành vi tăng động kém tập trung, chậm các mốc phát triển so với tuổi của các bé.
  • Các vấn đề về mặt cảm xúc, hành vi. Ví dụ như bé có những biểu hiện, hành vi bất thường trong quá trình đi học, hoặc ở gia đình có những cái cảm xúc lo lắng, buồn rầu. Thậm chí có trường hợp cha mẹ đưa bé đi khám bệnh ở các khoa thực thể, các bác sĩ đã khám và loại trừ hết các nguyên nhân thực thể nhưng vẫn không tìm ra được nguyên nhân cụ thể nào khiến bé bị đau bụng, nhức đầu...

Đây là những vấn đề mà các bác sĩ tâm lý sẽ đánh giá và can thiệp cùng với cha mẹ để giúp đỡ cho các bé. 

nhan-dien-nhung-van-de-tam-ly-than-kinh-thuong-gap-o-tre-voh

Có rất nhiều vấn đề tâm lý thần kinh có thể xuất hiện ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, nói về sức khỏe tâm lý thần kinh ở trẻ thì nó không chỉ là vấn đề của trẻ mà còn liên quan đến cha mẹ. Bởi từ trước đến nay, nhiều người thường cho rằng trẻ em còn nhỏ thì sẽ không có chuyện gì gọi là tâm lý. Hoặc một số khác thì nghĩ rằng trẻ có vấn đề tâm lý thần kinh nghĩa là bé đang bị bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần phải có suy nghĩ rộng và thoáng hơn, tức là trẻ bị tâm lý là một chuyện rất bình thường, bởi trẻ cũng có những cảm xúc và suy nghĩ giống như người lớn. Khi những cảm xúc, hành vi, suy nghĩ của con có vấn đề thì cha mẹ là những người đầu tiên phải quan tâm và đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời.

2. Những lưu ý cần nhớ khi đưa trẻ đến khám tâm lý thần kinh

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, một số lưu ý cha mẹ cần thực hiện khi đưa trẻ đến khám tâm lý thần kinh là:

2.1 Thứ nhất

Trước khi đưa trẻ đến phòng khám tâm lý, cha mẹ nên giải thích cho trẻ biết trước là đến để làm gì. Phải nói rõ mục đích chính, ví dụ như hôm nay cô giáo thấy con có những cái hành vi bất thường, cô giáo muốn con đến với phòng khám tâm lý cùng với ba mẹ để tìm hiểu và giúp đỡ cho con. Đây chính là bước để giúp trẻ có thể chuẩn bị tâm lý tốt hơn.

2.2 Thứ hai 

nhan-dien-nhung-van-de-tam-ly-than-kinh-thuong-gap-o-tre-1-voh

Cần có sự phối hợp từ gia đình và bác sĩ tâm lý trong việc cải thiện vấn đề tâm lý thần kinh ở trẻ (Nguồn: Internet)

Không hù dọa trẻ đi khi đưa bé đi khám tâm lý, chẳng hạn như: đi vào đó không nghe bác sĩ là sẽ bị bác sĩ chích thuốc, sẽ bị bác sĩ bắt và nhốt lại v.v... Nên nhớ rằng, đừng khiến việc đi khám tâm lý trở thành một vấn đề tâm lý cho trẻ.

2.3 Thứ ba

Thông thường một ca thăm khám, chẩn đoán tâm lý thường sẽ kéo dài khoảng từ 45 phút đến 1 tiếng, cho nên, nếu cha mẹ có ý định muốn đưa con đi thăm khám thì nên tìm hiểu trước các địa chỉ chuyên khoa uy tín, gọi điện thoại đặt hẹn để không phải mất thời gian chờ đợi.

Như vậy, rối loạn tâm lý thần kinh là một vấn đề khá rộng, không chỉ thu hẹp ở việc trẻ bị bệnh tâm thần mà nó còn có thể liên quan đến những vấn đề khác, chẳng hạn như: tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn học tập... và những vấn đề này đều cần phải được phát hiện sớm và khắc phục ngay từ đầu để giúp trẻ có thể vượt qua và phát triển một cách bình thường.

Bình luận