‘Đọc vị’ tình trạng thai nhi đạp nhiều trong bụng mẹ

( VOH ) - Việc theo dõi những cử động của thai nhi trong bụng là một điều không thể thiếu trong cuộc sống của mẹ bầu. Khi phát hiện bé yêu đạp nhiều hơn bình thường, ắt hẳn mẹ không khỏi lo lắng.

Nếu trong những tháng giữa thai kỳ, thai phụ có cảm giác có thứ gì đó tựa như một chú cá nhỏ đang chuyển động bên trong bụng mình, đó có thể là những cú đạp đầu tiên của bé. Đây là những biểu hiện đầy sinh lực cho thấy có một sự sống đang lớn lên từng ngày trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu thai nhi đạp nhiều thì có tốt hay không?

1. Thai nhi đạp nhiều trong bụng mẹ có sao không?

Hầu hết các mẹ bầu đều có thể cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của thai nhi từ tuần thứ 15 đến tuần thứ 22 của thai kỳ. Với những phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ cho biết, họ cảm nhận được sự chuyển động của bé vào khoảng tuần thứ 18 – 20. Còn những người mang thai lần 2 thì họ cảm nhận điều này sớm hơn một chút.

doc-vi-tinh-trang-thai-nhi-dap-nhieu-trong-bung-me-voh

Bé thường đạp nhiều nhất ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ (Nguồn: Internet)

Những cú đạp của bé sẽ ngày càng mạnh mẽ theo thời gian, do đó, sẽ có những thời điểm thai phụ cảm thấy thai nhi đạp nhiều. Đặc biệt, khi ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ là thời điểm thai nhi đạp nhiều nhất, vì lúc này thai nhi còn nhỏ nên không gian trong tử cung còn khá rộng rãi với bé.

Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi qua từng tháng thai kỳ

2. Những thời điểm theo dõi cử động thai nhi tốt nhất

Theo nghiên cứu, thai nhi thường đạp nhiều vào buổi chiều và buổi tối, tuy nhiên, cũng có khi bé chuyển động nhiều hơn vào buổi sáng. Trừ những lúc bé ngủ, mẹ sẽ ít cảm nhận được các hoạt động của con thì vào những thời điểm sau đây mẹ có thể theo dõi thai nhi đạp nhiều hay ít:

2.1 Khi mẹ nghỉ ngơi vào buổi tối

Thông thường, mẹ sẽ cảm nhận được các hoạt động của bé vào thời điểm cuối ngày, buổi tối khi mẹ đang nghỉ ngơi thư giãn sau khi đã hoàn thành tất cả các công việc trong ngày.

2.2 Khi mẹ vừa mới ăn xong

Sau khi ăn xong, năng lượng của mẹ được tăng lên và lúc này các hoạt động của bé của trở nên mạnh mẽ do được mẹ truyền cho năng lượng.

2.3 Khi mẹ đang hồi hộp

Chất adrenalin sinh ra khi mẹ đang hồi hộp cũng có tác dụng đối với những hoạt động của bé yêu trong bụng.

3. Thai nhi đạp như thế nào là bình thường?

Theo dõi và đếm cử động thai rất quan trọng. Mẹ có thể đếm cử động của thai nhi bằng cách ghi lại giờ và số lần con cử động. Nếu trong vòng 4 giờ liên tiếp mẹ không đếm đủ 10 cử động thai thì mẹ nên đi thăm khám bác sĩ để chắc chắn bé yêu vẫn khỏe mạnh. Còn nếu trong 4 giờ, có trên 10 cử động thai thì mẹ có thể yên tâm về sức khỏe của bé.

doc-vi-tinh-trang-thai-nhi-dap-nhieu-trong-bung-me-1-voh

Từ tuần thứ 28 mẹ nên chú ý theo dõi những cử động của thai nhi trong bụng (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, sau tuần thứ 28, thai nhi nên cử động ít nhất 6 lần/giờ trong một ngày. Không nhất thiết thai nhi phải cử động đúng 6 lần mỗi giờ nhưng bé cần phải có một giờ vận động mỗi ngày. Nếu bé không chuyển động, có thể là bé đang kiệt sức do bị kẹt trong dây rốn hoặc do cơ thể bạn quá ít nước ối

4. Có thể cảm nhận bé đạp ở đâu?

Thông thường, mẹ sẽ cảm nhận được những cú đạp của con ở phía trước hoặc bên hông bụng. Nếu nhau thai nằm ở phía trước thì bạn sẽ khó cảm nhận được những động tác của bé.

Khi thực hiện siêu âm ở tuần thứ 20, thai phụ sẽ biết được chính xác vị trí thai thai. Nếu nhau thai ở phía trước thì bạn hãy tập trung vào phần dưới bụng và hông vì thường thai nhi sẽ đạp nhiều ở bụng dưới và 2 bên hông.

Ngoài ra, tần số hoạt động của thai nhi cũng thay đổi theo từng giai đoạn. Khi thai lớn, bé đã không còn nhiều không gian để xoay trở nên mẹ có thể cảm thấy bé ít năng động và cũng ít đạp hơn.

Đặc biệt, trong những tháng cuối, bé ngày càng nặng hơn và khỏe hơn, nên một số mẹ có thể giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì những cú đạp rất mạnh của bé. Điều này hoàn toàn bình thường nên mẹ không cần phải lo lắng nhiều nhé.

Việc thai nhi đạp nhiều hay ít trong bụng mẹ còn phụ thuộc vào cơ địa của người mẹ. Những mẹ có thành bụng mỏng sẽ dễ cảm nhận được sự chuyển động của thai nhi. Những mẹ có thành bụng dày, vị trí nhau thai trong tử cung nằm ngay dưới da vùng bụng sẽ khó cảm nhận cử động thai hơn.

Mang thai là một trải nghiệm thú vị nhưng đồng thời cũng là khoảng thời gian nhiều lo lắng với các bà mẹ. Mẹ có thể cảm nhận thai nhi đạp nhiều hay ít để xác định bé có đang khỏe mạnh hay không, tuy nhiên, trong mọi trường hợp, kết quả thăm khám bác sĩ mới là dữ liệu chính xác nhất về sức khỏe của bé yêu.

Bình luận