Sau sinh bao lâu thì trẻ sơ sinh rụng rốn?

( VOH ) - Thời điểm chính xác trẻ sơ sinh rụng rốn là khi nào? Cách chăm sóc trẻ sau khi rụng rốn ra sao? Nếu mẹ vẫn chưa biết những vấn đề này thì hãy tìm hiểu ngay nhé.

Dây rốn là nơi vận chuyển các chất dinh dưỡng từ mẹ sang bé trong suốt thai kỳ. Sau khi chào đời, dây rốn sẽ được cắt đi, còn lại là phần cuống rốn. Sau một khoảng thời gian nhất định, cuống rốn sẽ rụng và khi đó mẹ cần biết cách chăm sóc kỹ lưỡng để tránh những kích ứng cũng như nhiễm trùng có thể xảy ra.

1. Quá trình rụng rốn ở trẻ sơ sinh

Sau khi bé sơ sinh được chào đời thì nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ làm những việc như:

  • Dùng kẹp nhựa để kẹp dây rốn khoảng 3 - 4 cm, tính từ rốn của trẻ.
  • Ở gần nhau thai thì dùng 1 cái kẹp khác kẹp lại phần dây rốn.
  • Sau đó dây rốn sẽ được cắt giữa hai kẹp, rốn trên bụng bé sẽ dài khoảng 2 - 3cm. 

Vì dây rốn không có dây thần kinh nên khi cắt sẽ không gây đau đơn cho em bé và sản phụ.

2. Sau sinh rốn trẻ sơ sinh bao lâu thì rụng ?

Trích từ sách Tiểu bách khoa về chăm sóc trẻ của Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, thông thường rốn của trẻ sơ sinh sẽ rụng trong khoảng thời gian từ 8 – 10 ngày sau khi sinh. 

Thông thường sau khi trẻ sơ sinh rụng rốn thì mất tầm 7 - 10 ngày thì rốn sẽ khô và lành lại. Cho đến lúc rốn lành hẳn thì nên giữ rốn sạch rẽ, khô ráo để tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên, một số trẻ có thể rụng rốn sớm hoặc muộn hơn một chút tùy vào cơ thể trẻ và cách mẹ chăm sóc.

Vẫn có trường hợp trẻ sơ sinh rụng rốn sau 2 tuần sau sinh, trường hợp này vẫn được coi là bình thường nếu rốn của trẻ khô, sạch và không có biểu hiện nhiễm trùng.

sau-sinh-bao-lau-tre-so-sinh-rung-ron-rung-som-hoac-rung-muon-co-sao-khong-voh-1
Quá trình rụng rốn ở trẻ sơ sinh (Nguồn: Internet)

Đối với trường hợp bé có rốn rụng chậm, bị nhiễm trùng rốn, trẻ sinh non, băng kín rốn, nuôi ăn tĩnh mạch, chiếu đèn. Khi rốn của bé chưa rụng, mẹ cần vệ sinh rốn hàng ngày và thay băng rốn thường xuyên, tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì lên rốn nếu chưa có chỉ định của bác sĩ hay để rốn dính nước. Vì điều đó sẽ khiến rốn lâu rụng và càng tăng nguy cơ nhiễm trùng.

3. Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sau khi rụng

Trẻ sơ sinh rụng rốn nhưng chưa khô thì vẫn cần được chăm sóc tốt và giữ khô thoáng. Mỗi ngày, mẹ cần làm sạch đáy rốn 1 – 2 lần bằng miếng bông hoặc gạc thấm một ít cồn 70 độ hoặc cồn i-ốt và liên tiếp băng lại cho đến khi rốn bé liền sẹo.

Mẹ nên gấp mép của tã xuống dưới để rốn được thông thoáng, không để nước tiểu dính vào rốn, khi cuống rốn rụng, đồng thời không được dùng tay kéo cuống rốn của bé dù nó đã rụng gần hết.

tre-so-sinh-rung-ron-voh-3
Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sau khi rụng

4. Những lưu ý cần nhớ khi vệ sinh rốn sau khi rụng:

  • Hạn chế sử dụng cồn để vệ sinh rốn của trẻ vì các lọai cồn hiện nay ít đảm bảo chất bảo chất lượng và dễ gây kích ứng cho làn da mỏng manh của trẻ, tốt nhất nên sử dụng nước muối sinh lý để thay thế khi vệ sinh rốn sau khi rụng.
  • Nếu rốn chưa rụng thì khi tắm cho bé thì hạn chế ngâm bé trong nước quá lâu và tốt nhất nên giữ rốn bé được khô.
  • Nên để rốn tiếp xúc với không khí càng nhiều càng tốt sẽ giúp rốn khô nhanh hơn và giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng.
  • Nên để rốn rụng 1 cách tự nhiên và tuyệt đối không bứt dây rốn. Việc tự ý bứt dây rốn sẽ gây ra các hậu quả khôn lường cho trẻ như chảy máu và làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh.

5. Cảnh giác với những bất thường rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng

Sau khi trẻ sơ sinh rụng rốn mà không được chăm sóc cẩn thận thì rốn của bé có thể bị nhiễm khuẩn. Mẹ nên cảnh giác với những trường hợp nhiễm khuẩn sau:

5.1 Rốn trẻ sơ sinh rụng nhưng có mủ

Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất là chân rốn sưng tấy, rốn có mùi hôi, ẩm ướt, chảy mủ. Trẻ có thể sốt hoặc không, quấy khóc, không chịu bú,…

Nếu viêm rốn nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách thay băng cho trẻ hàng ngày, nặn hết mủ, rửa rốn bằng dung dịch oxy già. Sau đó lau khô rồi rắc bột kháng sinh, dùng băng gạc vô trùng băng lại.

Nếu viêm rốn nặng (trẻ sốt cao, bỏ bú, thể trạng mệt mỏi, suy sụp,…) mẹ phải đưa bé nhập viện để được điều trị kịp thời.

sau-sinh-bao-lau-tre-so-sinh-rung-ron-rung-som-hoac-rung-muon-co-sao-khong-voh-2
Mẹ cần vệ sinh rốn cho trẻ đúng cách để tránh nhiễm trùng rốn (Nguồn: Internet)

5.2 Viêm mạch máu rốn

Khi động mạch rốn bị viêm, thành bụng dưới rốn sẽ phù nề, tấy đỏ, nếu vuốt thành bụng (từ xương mu lên rốn) sẽ thấy mủ chảy ra. Khi đó, trẻ sẽ bị sốt, quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi.

Nếu tĩnh mạch rốn bị viêm, thành bụng phía trên rốn tấy đỏ, phù nề, vuốt thành bụng (từ mỏm ức xuống rốn) sẽ thấy mủ chảy ra. Chứng viêm tĩnh mạch rốn rất nguy hiểm vì vi khuẩn dễ lan ra các cơ quan xung quanh như gan, mật, dẫn tới nhiễm trùng huyết. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm để bé được điều trị kịp thời.

5.3 Uốn ván rốn

Trẻ bị uốn ván rốn sẽ bị sốt, bỏ bú, sau đó cứng hàm, co cứng toàn thân. Nếu gặp ánh sáng hoặc âm thanh, triệu chứng co giật sẽ thêm nghiêm trọng. Trường hợp nặng, bé có thể bị có thắt dẫn đến khó thở và tử vong.

5.4 U hạt rốn

Dù rốn trẻ sơ sinh rụng sớm, bé không sốt, rốn không sưng, đỏ nhưng nếu thấy vùng chân rốn có dịch vàng, mẹ nên đặc biệt lưu ý. Bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bé bị u hạt rốn. Nếu không được chữa kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng rốn.

Vì thế, khi thấy rốn bé có những dấu hiệu bất thường thì các mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp các mẹ hiểu biết những vấn đến về trẻ sơ sinh rụng rốn và biết cách xử lý sau khi trẻ rụng rốn sao cho an toàn nhất.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận