Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em và cách chăm sóc tại nhà

(VOH) – Sốt xuất huyết là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Vì thế, việc nhận biết các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ giúp cha mẹ biết cách phòng bệnh và điều trị kịp thời.

Thời tiết nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều ở nước ta là điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát và lây lan dữ dội, trong đó đối tượng cần phải đặc biệt chú ý là trẻ em. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là vật chủ lây truyền bệnh cho người thông qua vết muỗi đốt.

1. Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em như thế nào?

Ở trẻ em, sốt xuất huyết có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em thường bắt đầu khởi phát sau khoảng 3 ngày trẻ bị nhiễm virus.

Dưới đây là những dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em phổ biến qua 3 giai đoạn tiến triển của bệnh.

1.1 Giai đoạn khởi phát

Trẻ bị sốt xuất huyết thường sẽ có biểu hiện sốt cao liên tục và đột ngột trên 40 độ C. Ngoài ra, bé còn có các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết điển hình như:

  • Luôn cảm thấy bồn chồn, mệt mỏi rũ rượi, chán ăn...
  • Xuất hiện những cơn đau bụng, buồn nôn
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt
  • Phát ban, nổi mẩn trên da
trieu-chung-sot-xuat-huyet-o-tre-em-va-cach-cham-soc-tai-nha-voh-0
Sốt là triệu chứng đặc trưng khi trẻ bị sốt xuất huyết (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh khi bị nhiễm virus gây bệnh sốt xuất huyết sẽ có thêm các dấu hiệu như: trẻ quấy khóc, bỏ bú, ngủ li bì, ít tiểu tiện, phù nề... Đây là những đối tượng chưa có khả năng giao tiếp rõ ràng, vì thế, cha mẹ cần phải quan tâm nhiều hơn để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

1.2 Giai đoạn nguy hiểm

Sau giai đoạn khởi phát, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, giai đoạn này thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau khi nhiễm bệnh. Đây là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm vì virus đã làm suy yếu hệ miễn dịch, số lượng bạch cầu, tiểu cầu giảm đáng kể...

Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ giai đoạn này là triệu chứng sốt giảm xuống, nhưng lại xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng khác như:

  • Thoát huyết tương khiến bụng trẻ bị chướng to, triệu chứng thường kéo dài 24 – 48 tiếng và có thể dẫn đến tử vong
  • Xuất huyết nghiêm trọng
  • Phù nề vùng ổ mắt
  • Tiểu ra máu
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng
  • Tụt huyết áp
  • Đầu, chân tay lạnh
  • Có vết bầm ở chỗ tiêm  
  • Nôn/ói ra máu
  • Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, người vật vã, choáng váng....

Trẻ bị sốt xuất huyết giai đoạn này cần phải được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu kéo dài, sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết nghiêm trọng và trụy tim mạch, dễ dẫn đến tử vong.

1.3 Giai đoạn hồi phục

Đây là giai đoạn trẻ dần hồi phục nếu được chăm sóc và chữa trị kịp thời. Sau 2 – 3 ngày qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bé bắt đầu hết sốt, tình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, bé có hiểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn.

Ngoài ra, khi xét nghiệm máu sẽ thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh. Số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

Xem thêm:  Hiểu rõ hơn về phác đồ điều trị sốt xuất huyết để chọn điều trị tại nhà hay cần nhập viện theo dõi

2. Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà cần lưu ý điều gì?

Do bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu, nên mục tiêu điều trị hiện nay vẫn chỉ là giúp giảm các triệu chứng của bệnh.

Trẻ sẽ được điều trị nội trú tại bệnh viện với nếu bị sốt xuất huyết thể nặng. Những trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết thể nhẹ sẽ được điều trị tại nhà và thăm khám theo lịch hẹn.

Khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Bổ sung đủ nước và các chất điện giải, bởi mất nước kéo dài được xem là nhân tố chính khiến bệnh trở nặng và dẫn đến tử vong.
  • Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Kiểm tra thân nhiệt và theo dõi bé thường xuyên.
  • Cho bé ăn cháo, uống sữa hoặc súp.
trieu-chung-sot-xuat-huyet-o-tre-em-va-cach-cham-soc-tai-nha-voh-1
Trẻ bị sốt xuất hiện cần được bổ sung đủ nước và chất điện giải (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết nếu nhận thấy các dấu hiệu sốt xuất huyết nặng như:

  • Trẻ vật vã, lừ đừ
  • Tình trạng đau bụng ngày càng nặng
  • Da xung huyết nhưng tứ chi lạnh
  • Nôn ói đột ngột, liên tục
  • Xuất huyết tiêu hóa đột ngột

Những trường hợp này tốt nhất là nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám và chẩn đoán. Nếu tình trạng nặng, bé cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có vacxin phòng bệnh xuất huyết, chính vì thế, các bậc phụ huynh cần chủ động trong việc phòng bệnh bằng các biện pháp: diệt lăng quăng (bọ gậy), muỗi, tránh bị muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống....để giúp bảo vệ sức khỏe bé yêu và phòng chống bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận