7 biến chứng sốt xuất huyết cần chủ động đề phòng

(VOH) - Hiện nay chưa có vacxin phòng sốt xuất huyết nên tỉ lệ mắc bệnh ở cả người lớn và trẻ nhỏ khá cao. Nếu không chữa trị đúng lúc, sẽ phải đối mặt với biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh tiến triển rất khó lường và bước vào giai đoạn nguy hiểm chỉ sau 2-3 ngày có triệu chứng sốt. 

Trường hợp không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể mắc phải 7 bệnh lý nghiêm trọng dưới đây.

1. Xuất huyết nội tạng

Đây là biến chứng thường gặp của sốt xuất huyết. Xuất huyết nội tạng là tình trạng chảy máu rò rỉ bên trong cơ thể, tại các cơ quan như ổ bụng, não… Nguyên nhân là do chấn thương hoặc thành mạch bị suy yếu, gây vỡ các mạch máu. 

Tình trạng xuất huyết nội tạng diễn ra âm ỉ và rất khó nhận biết. Khi diễn biến nặng, người bệnh sẽ quan sát thấy nhiều vết bầm tím, cảm giác nhịp thở nông hơn, có thể nôn ra máu và hôn mê sâu gây tử vong. 

2. Tiểu cầu giảm 

Tiểu cầu là một tế bào máu quan trọng, đảm nhiệm chức năng cầm máu, đông máu khi gặp chấn thương, xuất huyết. 

Trong thời gian mắc sốt xuất huyết, có thể nhận thấy số lượng tiểu cầu giảm nhanh vì các virus gây tổn thương và phá vỡ các tế bào tiểu cầu. Bên cạnh đó, lúc này virus gây ức chế tủy xương, dẫn đến tình trạng sản xuất ít tiểu cầu hơn.

Xem thêm: Những dấu hiệu xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em cha mẹ cần nhận biết sớm

3. Tràn dịch màng phổi 

Phổi của chúng ta được bao bọc bởi màng phổi, tràn dịch màng phổi xảy ra nếu lượng dịch trong khoang màng phổi tăng lên vượt mức an toàn, làm suy yếu chức năng hô hấp. 

Huyết tương từ các mạch máu vỡ có thể tràn vào màng phổi gây khó thở, ho nhiều và chướng bụng. Tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch màng phổi hoặc phẫu thuật đặt ống dẫn dịch ra ngoài. 

4. Suy tim

7-bien-chung-sot-xuat-huyet-can-chu-dong-de-phong-voh-0
Mắc suy tim sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp oxy (Nguồn: Internet) 

Tình trạng xuất huyết không thể kiểm soát đúng lúc do sốt xuất huyết có thể làm rối loạn hoạt động của hệ tuần hoàn, chuyển biến nặng gây suy tim

Chức năng bơm máu của tim giảm công suất, lượng dịch huyết tương tràn vào màng tim tăng lên, gây đau ngực và khó thở dữ dội. 

5. Suy thận

Chức năng lọc máu của thận được coi là yếu tố then chốt giúp duy trì sự sống. Khi xuất hiện những chấn thương ở tế bào máu, xuất huyết xảy ra có thể làm tăng lượng huyết tương thận phải bài tiết, thận bị ứ nước và phải chịu áp lực hoạt động nhiều hơn, diễn ra trong thời gian dài sẽ gây suy thận. 

Xem thêm: Cách tính lượng nước cần uống trong ngày cho người bệnh suy thận

6. Tổn thương thị giác

Võng mạc vốn là một bộ phận dễ tổn thương ở mắt, khi xuất huyết làm vỡ các mạch máu, máu thoát ra ngoài võng mạc, làm đau và sưng đỏ mắt. Ngoài ra, dịch kính trong nhãn cầu mắt có thể bị hòa tan nếu xuất huyết quá nhiều, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hơn là mù lòa.

7. Tiền sản giật 

Trong thời kì mang thai, nếu mẹ không may mắc sốt xuất huyết, tỉ lệ cao sẽ lây truyền virus sang cho con. Hơn nữa, khi bị sốt xuất huyết, lượng tiểu cầu giảm sẽ làm tăng nguy cơ máu khó đông, một trong những tác nhân khiến sản phụ đối mặt với tiền sản giật, co giật trong lúc sinh. 

Các biến chứng nguy hiểm này có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, chính vì vậy nếu thấy nghi ngờ các triệu chứng bất thường của cơ thể có liên quan đến sốt xuất huyết, cần liên hệ ngay với các chuyên gia y tế để chẩn đoán và điều trị. 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận