Viêm tuyến vú: Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

(VOH) – Viêm tuyến vú là bệnh thường rất hay gặp ở phụ nữ mang thai và cho con bú, nhất là những chị em lần đầu sinh con chưa có kinh nghiệm trong việc cho con bú và chưa biết cách vệ sinh đầu vú.

1. Viêm tuyến vú (viêm tuyến sữa) là bệnh gì?

Viêm tuyến sữa hay còn được gọi là viêm tuyến vú, viêm vú là một bệnh nhiễm trùng các mô vú gây đau ngực, sưng, nóng và đỏ vú. Bệnh có thể xuất hiện ở phụ nữ trong nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng nhiều nhất là phụ nữ trong giai đoạn cho con bú.

2. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng viêm tuyến sữa

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng viêm tuyến sữa ở phụ nữ sau sinh là do lần đầu làm mẹ, da đầu vú của người phụ nữ còn non nớt, khi cho bé bú không đúng cách, khiến bé cứ lôi kéo, ma sát nhiều gây tổn thương.

Đặc biệt, với những mẹ có đầu ti bị thụt hoặc quá bằng phẳng khiến việc bú của bé trở nên khó khăn, phải cắn mút đầu ti, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét. Khi đầu vú đã nứt, vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa, sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa dẫn đến viêm.

Một số yếu tố nguy cơ khác

  • Thời gian giữa những lần cho con bú quá dãn cách
  • Mẹ mặc áo lót quá chật
  • Mẹ chỉ con bé bú một bên
  • Có tiền sử bệnh viêm tuyến vú
  • Bé chưa biết bú, mẹ phải nặn sữa nhưng chưa đúng cách khiến núm vú bị tổn thương.
  • Vệ sinh vú kém, sữa bị ứ đọng, không thông...

viem-tuyen-vu-dau-hieu-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-voh

Các triệu chứng viêm tuyến sữa thường xuất hiện một cách đột ngột (Nguồn: Internet)

3. Những biểu hiện viêm tuyến sữa thường gặp

Các dấu hiệu của viêm tuyến sữa thường xuất hiện một cách đột ngột, một số triệu chứng có thể gặp phải là:

  • Đau vú và có cảm giác ấm khi chạm vào.
  • Có cảm giác đau nhức, mệt mỏi trong người.
  • Vú bị sưng, sữa ra không đều.
  • Màu sắc da quanh vùng ngực có màu đỏ nhẹ hoặc không đỏ.
  • Cơ thể có biểu hiện sốt, sợ lạnh, đau đầu, tức ngực, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng.

Khi tình trang viêm tuyến sữa chuyển sang giai đoạn làm mủ, bầu vú của người mẹ sẽ bắt đầu sưng to, da đỏ nóng từng đám hoặc cả vú, các cơn đau tăng dần, sốt cao không giảm và mưng mủ cục bộ, cơ thể khó chịu, khát nước, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.

Mặc dù bệnh viêm tuyến sữa thường xảy trong vài tuần đầu tiên cho con bú nhưng nó vẫn có thể xảy ở bất cứ lúc nào trong thời gian cho con bú. Viêm tuyến sữa có xu hướng làm ảnh hưởng đến một bên vú, không phải cả hai vú.

4. Viêm tuyến sữa có nguy hiểm không?

Viêm tuyến sữa nếu không được điều trị kịp thời có thể biến chứng thành một áp xe tại ổ viêm. Áp xe vú là ổ viêm ở sâu trong tuyến vú do vi khuẩn gây ra, thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là trong thời kỳ sinh đẻ, nuôi con. Bệnh gây sưng đau, chảy mủ ra núm vú. Nếu áp xe vú không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm xơ tuyến vú mạn tính. Lúc này, chị em có biểu hiện không sốt hay chỉ sốt nhẹ. Có thể sờ thấy một vùng thâm nhiễm rắn như sụn, bề mặt lổn nhổn, không rõ ranh giới, không dính da, ít đau.

Biến chứng tiếp theo của viêm tuyến sữa là tình trạng viêm tấy tuyến vú xảy ra gây mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da, mô lỏng lẻo dưới da, mô liên kết và mô tuyến vú. Ổ viêm lan rộng và thấm vào các mô. Biểu hiện bằng hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng.

Biến chứng nặng nhất là hoại tử vú do vi khuẩn có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại thư gây ra. Biểu hiện là hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, tụt huyết áp, toàn thân suy sụp. Vú sưng căng to, phù nề, da trên ổ áp xe có màu vàng nhạt hay bị hoại tử. Hạch bạch huyết sưng đau.

5. Bị viêm tuyến sữa phải làm sao?

Khi có dấu hiệu viêm tuyến sữa các mẹ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám cụ thể. Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên những triệu chứng và khám lâm sàng. Xét nghiệm máu, kiểm tra tuyến sữa hoặc lấy mẫu mô ở miệng trẻ có thể được thực hiện để củng cố chẩn đoán và xác định phương pháp điều trị phù hợp.

viem-tuyen-vu-dau-hieu-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-1-voh

Mẹ sau sinh bị viêm tuyến sữa cần được thăm khám và điều trị kịp thời (Nguồn: Internet)

Phương pháp điều trị viêm tuyến vú bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Các mẹ có thể sẽ phải dùng kháng sinh toàn thân đường tĩnh mạch trong những ngày đầu, sau đó sẽ chuyển sang đường uống. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê thêm một số loại thuốc giảm đau để giúp “cắt” các cơn đau của mẹ.
  • Trích dẫn lưu ổ viêm: Với các nhiễm khuẩn nặng, sâu và biến chứng thành áp xe bác sĩ có thể sẽ tiến hành trích dẫn lưu ổ viêm (ổ áp-xe).
  • Tư vấn chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ hợp lý để chống lại tình trạng nhiễm trùng.

5.1 Mẹ bị viêm tuyến sữa có nên cho con bú?

Phụ nữ bị viêm tuyến sữa không nên ngừng cho cho con bú. Trên thực tế, việc tiếp tục cho con bú cũng như chú ý vắt sữa đúng cách sẽ là cách tốt nhất để rút ngắn thời gian điều trị. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho mẹ cách cho bé bú bên vú không bị viêm và cách lấy sữa ra khỏi bên vú bị viêm.

Vắt sữa ra khỏi vú đúng cách có thể giúp ngăn chặn vi khuẩn tập hợp trong vú và giúp giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm.

Tuy nhiên, trong trường hợp bị nhiễm khuẩn tuyến vú mức độ nặng ở bệnh nhân đang cho con bú thì cần phải ngưng việc cho con bú trong một khoảng thời gian nhất định. Nguyên nhân là do các nhiễm khuẩn trong tuyến vú rất dễ lan rộng và sâu (dọc theo hệ thống ống tuyến sữa) vào trong tổ chức mỡ lỏng lẻo của tuyến vú.

6. Phòng ngừa viêm tuyến sữa ở phụ nữ bằng cách nào?

Viêm tuyến sữa là bệnh lành tính và hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Cụ thể:

6.1 Trước khi sinh con

  • Trong thời kỳ đầu mang thai, nếu mẹ bầu thấy núm ti bị thụt hoặc bằng phẳng thì cần vê kéo dần ra ngoài, nhất là khi mang thai từ tháng thứ 5 trở về sau.
  • Trong thời gian mang thai nên giữ cho núm vú không bị nứt bằng cách bôi một chút dầu dừa lên vùng da quanh đầu ti để giúp lớp da này dày và vững hơn.

6.2 Sau khi sinh con

  • Sản phụ sau khi sinh nên day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh.
  • Vệ sinh vú sạch sẽ trước và sau khi cho con bú.
  • Mỗi lần cho bé bú không nên kéo dài, khoảng 10 - 15 phút là đủ. Cho bé bú hết sạch bầu sữa bên này mới chuyển sang bên còn lại. Nếu sữa quá nhiều mẹ có thể hút sữa ra ngoài.
  • Không để trẻ ngậm đầu ti mẹ khi ngủ.
  • Mỗi ngày dùng khăn thấm nước ấm lau chùi đầu ti 3 – 4 lần, xoa nhẹ để phòng vú căng to xệ xuống.
  • Mặc áo chất liệu cotton rộng, thoáng, có miếng mút nhỏ để giữ cho sữa đừng rỉ ra ngoài áo.
  • Lưu tâm đến những biểu hiện bất thường để có thể thăm khám và điều trị kịp thời.

Thông thường, khi mẹ bị viêm tuyến sữa nếu kịp thời dùng thuốc kháng sinh và điều trị sớm thì tình trạng bệnh sẽ được khống chế rất nhanh. Vì thế, các mẹ đừng ngần ngại thăm khám để được tư vấn cách chăm sóc và điều trị hiệu quả.

Bình luận