20 website lừa đảo giả mạo cơ quan Nhà nước

VOH - Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT công bố danh sách 20 website giả mạo cơ quan Nhà nước, ngân hàng... Khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác, tránh bị đánh cắp thông tin, tài sản.

Theo thống kê, 3 tuần đầu tháng 4/2024, hệ thống Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) của Cục An toàn thông tin đã tiếp nhận gần 630 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến.

Qua kiểm tra, phân tích có 20 trường hợp lừa đảo lập website giả mạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử,..

Trang web tại địa chỉ ‘vietgcv [.] cc’ giả mạo cổng thông tin của Thông tin và Truyền thông là 1 trong 20 website lừa đảo được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin đưa ra cảnh báo.

Khi truy cập vào trang web giả mạo này, người dùng bị dụ cài ứng dụng có chứa mã độc. Ứng dụng sẽ cho phép đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại của người dùng, từ đó đánh cắp thông tin, tài sản.

20-web-lua-dao
Danh sách các website lừa đảo được công bố - Ảnh chụp màn hình

Trang web "dichvucong[.]dancuso[.]com"; "dichvucong[.]hhlpa[.]com" giả mạo Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trang web "vdbank[.]com[.]vn" giả mạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam; "sotuyenvcb[.]vietcombanker[.]com" giả mạo Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; "nganhangsaison[.]org/" giả mạo Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM. 

Đầu tháng 4, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo về trường hợp các đối tượng lừa đảo thiết lập trang web tại địa chỉ tên miền "policeonline[.]club", giả mạo website của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng để đăng quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo với tỷ lệ thành công 99,9%, khiến cho nhiều người dân lại thêm một lần nữa bị lừa chiếm đoạt tài sản.

lua-dao-website
Ảnh minh họa - Internet

Theo chuyên gia bảo mật, để bảo vệ bản thân, người dùng nên tuân thủ các biện pháp bảo mật cơ bản như sử dụng mật khẩu mạnh, không chia sẻ thông tin đăng nhập và luôn cập nhật phiên bản phần mềm mới nhất để tránh lỗ hổng bảo mật.

Nếu bạn nhận thấy hoạt động đọc trộm tin nhắn hoặc các đề xuất click vào các đường link lạ, hãy làm ngay báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ (Facebook, Google...) để họ có thể chặn hoặc xoá các bài quảng cáo hoặc page lừa đảo ấy.

Tính đến quý I/2024, hệ thống kỹ thuật của Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin cũng đã chủ động ngăn chặn hơn 10.000 tên miền độc hại, trong đó có hơn 2.700 tên miền lừa đảo trực tuyến. 

Bình luận