Giải thích thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”

VOH - Là câu thành ngữ mang ý nghĩa phê phán khá quen thuộc với người Việt Nam , vậy “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” mang ý nghĩa gì?

Mượn hình tượng hai loài động vật gần gũi với cuộc sống của con người, người xưa muốn gửi gắm điều gì khi nói “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”? Cùng VOH giải thích, tìm hiểu ý nghĩa và cách dùng câu thành ngữ này.

Ý nghĩa thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” là gì?

Trong kho tàng thành ngữ Việt Nam, không khó để bắt gặp những câu nói chứa hình tượng của hai loài động vật vô cùng thân thuộc với người Việt, đó là chó và gà. Qua việc tìm hiểu nghĩa của những câu thành ngữ này, chúng ta không chỉ có thêm kiến thức, khám phá ra nhiều điều thú vị mà còn hiểu được phần nào quan điểm của ông cha ta.

Ví như trong nhóm thành ngữ châm biếm, mỉa mai, phê phán, khi nói về thói ỷ thế ức hiếp, bắt nạt người khác, người xưa có câu: “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Vậy “chó cậy gần nhà” là gì; “gà cậy gần chuồng nghĩa là thế nào?

Giải thích thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” 1
"Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng" là câu thành ngữ mang ý nghĩa chỉ trích, phê phán
  • “Nhà” và “chuồng” trong câu thành ngữ này là nơi sinh sống của chó và gà. Do đó, chúng ta có thể hiểu rộng hơn đây là địa bàn, là nơi mà chúng quen thuộc cũng như có nhiều lợi thế nhất.
  • “Cậy” ở đây được dùng với nghĩa của động từ, nhưng không phải là cậy nhờ (trông vào sự giúp đỡ của người khác). “Cậy” trong thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” mang nghĩa ỷ vào ưu thế, điểm mạnh… của bản thân để làm những điều xấu.

Như vậy, qua phần giải nghĩa chúng ta có thể khái quát ý nghĩa của thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” là chỉ trích những kẻ chuyên ỷ thế địa phương, ỷ vào thế có lợi của mình mà hung hăng bắt nạt, hiếp đáp người khác. Ý này tương tự với câu thành ngữ “狗仗人势” (chó cậy gần nhà, chó cậy thế chủ) của Trung Quốc hay câu “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần cùm, hùm cậy gần rừng”.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Trâu buộc ghét trâu ăn’ là gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cáo chết ba năm quay đầu về núi’

“Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” - hành vi xấu xí

Câu thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” thường người Việt sử dụng để phê phán thói ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ quyền thế, lợi thế của bản thân để thể hiện thái độ không tôn trọng, bức ép, bắt nạt người khác. Đây là một hành vi xấu xí, cần lên án và loại bỏ.

Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu

Con người sinh ra không hoàn hảo. Thông qua nỗ lực của bản thân, chúng ta luôn cố gắng phát huy điểm mạnh, lợi thế và cải thiện, khắc phục điểm yếu, điểm bất lợi của bản thân. Vì vậy hãy tôn trọng điểm mạnh, điểm yếu của người khác như của chính mình.

Hành vi lợi dụng điểm yếu của đối phương, lấy điểm mạnh của mình để thể hiện thái độ độ hung hăng hay bắt nạt không chỉ không đúng đắn mà còn cho thấy bạn là người không biết xấu hổ. Hãy nhớ rằng, tôn trọng người khác thì mới được người khác tôn trọng.

Giải thích thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” 2
Con người ai cũng có điểm yếu, cần học cách tôn trọng điểm yếu của bản thân và người khác

Hành vi không đạo đức, không công bằng, không nhân văn

Cậy mạnh, cậy quyền thế, cậy lợi thế của bản thân để hiếp đáp người khác là hành vi không có đạo đức, không công bằng, không nhân văn. Nó vi phạm những giá trị của xã hội văn minh, quyền của con người và gây ra sự tổn thương. Đặc biệt là với những người yếu thế, gặp nhiều thiệt thòi hoặc có sự khác biệt.

Hành vi tự làm hại bản thân, thể hiện sự tự ti

Lấy lợi thế của bản thân để chèn ép, bắt nạt người khác là một biểu hiện của sự tự ti, thiếu khả năng và thiếu trí tuệ. Bởi lẽ, nếu tự tin vào bản thân, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh một cách công bằng mà không cần đến thủ đoạn, mánh khóe.

Mặt khác, hành vi “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” cũng gây khiến con người đánh mất cơ hội học hỏi, phát triển và tiến bộ. Vì khi đó, người ta chỉ tập trung vào lợi thế mà bỏ quên nhược điểm của bản thân. Và chỉ mải tìm niềm vui chiến thắng trên kẻ yếu thế hơn mình mà không bước khỏi “vùng an toàn”.

Nên nhớ rằng, “núi cao còn có núi cao hơn”. Nếu không từ bỏ thói xấu, học cách khiêm tốn, tự hoàn thiện bản thân và bước ra thế giới ngoài kia thì bạn mãi mãi chỉ là “Ếch ngồi đáy giếng”. Cuối cùng cũng chỉ là cậy mạnh trong một chiếc giếng nhỏ bé mà thôi.

Giải thích thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” 3
Ỷ thế bắt nạt người khác cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tự tước đi cơ hội phát triển của bản thân

Hành vi gây hấn, tạo sự căng thẳng, bất hòa

Cậy mạnh bắt nạt yếu, cậy lợi thế chèn ép người khác… tạo ra sự căng thẳng, bất hòa, xung đột trong một nhóm, một tổ chức và rộng hơn là xã hội. Hành vi này khiến sự hiểu biết, tôn trọng giữa các cá nhân bị giảm sút, khả năng hợp tác, đoàn kết cũng bị ảnh hưởng.

Đó là lý do sự phê phán, chỉ trích được ông cha ta được thể hiện rất rõ qua thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Cũng là lý do cho thấy, cá nhân, nhóm hay cộng đồng muốn phát triển thì cần phải loại bỏ hành vi xấu xí này.

Thành ngữ, tục ngữ phê phán thói ỷ thế, cậy quyền

Người xưa đã đúc kết rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ ý nghĩa về thói ỷ mạnh, ỷ uy thế bắt nạt, hiếp đáp người khác để nhắc nhở con cháu đời sau. Đây được xem là những ví dụ đồng nghĩa, mang ý nghĩa tương tự thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”.

1. Ma cũ bắt nạt ma mới

2. Đè đầu cưỡi cổ

3. Đom đóm bắt nạt ma trơi

4. Mạnh bạo xó bếp/Bắt nạt xó bếp

5. Ỷ mạnh hiếp yếu

6. Cậy thần cậy thế

7. Diễu võ dương oai

8. Ỷ quyền, ỷ thế

9. Làm mưa làm gió

10. Ỷ thế làm càn

Giải thích thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” 4
Những câu tục ngữ, thành ngữ Việt Nam luôn chứa đựng bài học sâu sắc về lối sống, lối ứng xử

11. Ăn cướp cơm chim

12. Tác oai tác quái

13. Giặc chẳng bắt, bắt thầy tu

14. Cả bè đè cây nứa.

15. Đa nhân hiếp quả

16. Rộng miệng cả tiếng

17. Hai đánh một chẳng chột thì què

18. Sơn ăn từng mặt, ma bắt từng người

19. Chồng yêu xỏ chân lỗ mũi

20. Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng

21. Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa

Xem thêm:
40 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lòng tham, sự tham lam
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
110 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về con người xã hội được sử dụng hằng ngày

Hình tượng con chó, con gà trong tục ngữ, thành ngữ, ca dao Việt Nam

Con chó hay con gà đều là những con vật gần gũi với đời sống của ông bà ta. Chính vì vậy, hình ảnh của chúng xuất hiện rất nhiều trong văn học dân gian, cụ thể là thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Dưới đây là một vài gợi ý tiêu biểu do VOH tổng hợp.

1. Nắng tháng ba chó già lè lưỡi

2. Ngay lưng như chó trèo chạn

3. Chó cắn áo rách

4. Chó chê mèo rậm lông

5. Chó chui gầm chạn

1. Chó có váy lĩnh

2. Chó cùng rứt giậu

3. Chó đen giữ mực

4. Chó gầy hổ mặt người nuôi

5. Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi

6. Chó già giữ xương

7. Chó khô, mèo lạc

8. Chó ngáp phải ruồi

9. Nói như chó cắn ma

10. Chó nhảy bàn độc

11. Chó tha đi, mèo tha lại

12. Chó treo mèo đậy

13. Chơi với chó, chó liếm mặt

14. Nước lụt, chó nhảy bàn độc

15. Chửi chó, mắng mèo

16. Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu

17. Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa

18. Nam mô một bồ dao găm, một trăm dao mác, một vác dao bầu, một xâu thịt chó

19. Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa

20. Chó đâu có sủa lỗ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày

21. Quen chó chớ mó răng, quen voi chớ sờ ngà

22. Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng

23. Đánh chó, không ngó đến chúa

24. Rượu cả vò, chó cả con

25. Tiu nghỉu như chó cụt đuôi

26. Không có chó bắt mèo ăn cứt

27. Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu

28. Làm kiếp trâu ăn cỏ, làm kiếp chó ăn dơ

29. Lang lảng như chó cái trốn con

30. Lên voi, xuống chó

31. Mang chết, chó cũng lè lưỡi

32. Yêu chó, chó liếm mặt

33. Một tiền gà, ba tiền thóc

34. Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa

35. Bìm bịp bắt gà con

36. Nghe gà hóa cuốc

37. Ngủ gà ngủ vịt

38. Bụt trên tòa, gà nào mổ mắt

39. Nháo nhác như gà con lạc mẹ

40. Nhìn gà hóa cuốc

41. Như gà mất mẹ

42. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa

43. Chữ như gà bới

44. Chửi như mất gà

45. Nửa đêm gà gáy

46. Ông nói gà, bà nói vịt

47. Phù thuỷ đền gà

48. Đá gà, đá vịt

49. Quan họ thịt gà, giỗ cha thịt ếch

Giải thích thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” 5
Mượn hình ảnh những con vật gần gũi với cuộc sống, ông cha ta nhắn nhủ con cháu nhiều bài học ý nghĩa

50. Ráng mỡ gà, có nhà thì chống

51. Gà chê thóc chẳng bới, người mới chê tiền

52. Gà cỏ trở mỏ về rừng

53. Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm

54. Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua; gà trắng chân chì, mua chi giống ấy

55. Gà người gáy, gà nhà ta sáng

56. Sói vào nhà không mất gà cũng mất vịt

57. què ăn quẩn cối xay

58. Gà trống nuôi con

59. Gà tức nhau tiếng gáy

60. Hoài thóc ta cho gà người bới

61. Hóc xương gà, sa cành khế

62. Kể gà kể ngỗng

63. Khách đến nhà chẳng gà thì gỏi

64. Lúng túng như gà mắc tóc

65. Lợn thả, gà nhốt

66. Máu gà lại tẩm xương gà.

67. Mèo mả gà đồng

68. Quạ thấy gà thì đớp

69. Rồng rồng theo nạ, quạ theo gà con

70. Thóc chắc nuôi gà rừng

71. Tội gà vạ vịt

72. Trắng như trứng gà bóc

73. Trấu trong nhà để gà ai bới

74. Trói gà không chặt

75. Ủ rũ như gà phải trời mưa

76. Vạ vịt chưa qua, vạ gà đã đến

77. Vắng chủ nhà, gà bới bếp

78. Vịt già gà tơ

79. Bút sa gà chết

80. Chó ăn đá, gà ăn sỏi 

81. Chó giữ nhà, gà gáy trống canh 

82. Bán gà cho cáo

83. Bốn giờ cắp nón đi ra,

Mặt chó không biết, mặt gà cũng không.

84. Gà con ta để ta nuôi,

Đến mai ta gả con chó cụt đuôi cho mày.

85. Trâu sút vó, chó sút lông

Con gái chưa chồng lội qua cũng chửa.

86. Cực như con chó không lông

Còn theo các cậu thổi ống đồng mà chơi.

87. Chó già ăn vụng cá khô

Ông chủ không thấy đổ hô cho mèo.

88. Chó khôn tứ túc huyền đề

Tai thì hơi cúp, đuôi thì cong cong

Giống nào mõm nhọn, đít vồng

Ăn càn cắn bậy, ấy không ra gì.

89. Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn

Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm.

90. Nuôi vịt, vịt đẻ trứng ra,

Có công nuôi gà, gà gáy cho nghe.

91. Ai nuôi con gà trống con gà vàng

Nửa đêm dậy gáy cho nàng nấu cơm.

92. Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

Con trâu nằm ngửa nằm nghiêng

Xin chớ mua riềng, mua tỏi cho tôi!

93. Anh ơi gà đã gáy dồn,

Dậy đi xúc ốc đồng Tròn, đồng Quang,

Rổ sề, rổ sảo, rổ sàng

Vợ bưng, chồng gánh kịp hàng chợ phiên.

94. Gà về bới nát cỏ sân,

Mèo buồn lại chạy kiếm ăn ngõ ngoài

Chó nằm hè gặm vỏ khoai,

Lợn ngồi ủi đất ngậm hơi gầy gò.

95. Gà nâu chân thấp mình to

Đẻ nhiều trứng lớn, con vừa khéo nuôi

Chẳng nên nuôi giống pha mùi

Đẻ không được mấy, con nuôi vụng về.

96. Khi nào trâu đực sinh con

Gà trống đẻ trứng, trăng tròn ba mươi

Khi nào tháng chạp ăn rươi

Tháng giêng gặt lúa em thời lấy anh.

Qua câu thành ngữ “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, ông cha ta muốn phê phán thói chuyên ỷ thế, dựa vào thế lực, lợi thế để làm chuyện xấu. Đây không chỉ là lời răn đe mà con là lời nhắc nhở con người phải cởi mở, hòa nhã, tôn trọng người khác đồng thời học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Hy vọng, phần giải thích của VOH đã giúp bạn hiểu thêm về quan điểm của người xưa trong câu thành ngữ này.

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận