Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ’ nói đến kinh nghiệm sống nào?

(VOH) - ‘Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ’ là câu thành ngữ mà hầu như bất cứ người Việt nào cũng biết. Nhưng, liệu bạn đã thực sự hiểu đúng và đủ ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa phía sau thành ngữ này chưa?

Bài viết nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về câu thành ngữ “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” cũng như đề cao kinh nghiệm sống, sự "lõi đời" của người già và đức tính thành thật, không biết nói dối của trẻ con.  

1. Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ là gì? 

“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” đã được ông cha ta đúc kết từ kinh nghiệm dân gian trong ứng xử, với mỗi thế hệ từ trẻ con đến người già đều có giá trị riêng. 

Thành ngữ phân thành hai vế rõ rệt, chúng ta cùng phân tích vế đầu tiên “đi hỏi già”. Cụm từ này đề cập đến trường hợp ta đi xa không biết đường đi, ngõ hẻm như thế nào, bị lạc đường lạc sá, hay muốn biết điều gì thì việc đúng đắn nhất chính là hỏi thăm người cao tuổi. 

Bởi họ có vốn sống và kinh nghiệm dày dặn, có thể giúp ta xác định chính xác, tận tường đường đi nước bước. Cũng như đưa ra lời khuyên hữu ích được rút ra từ chính những kinh nghiệm sống quý giá suốt mấy mươi năm cuộc đời. 

di-hoi-gia-ve-nha-hoi-tre-voh-1
Khi đi lạc đường cách chắn chắn nhất là hỏi thăm người già 

Còn ở vế thứ hai “về nhà hỏi trẻ” thì chúng ta có thể hiểu như sau: Khi đi đâu đó trở về nhà, nếu muốn biết chuyện gì đã xảy ra trong thời gian vắng mặt. Thay vì kiểm tra camera, bạn có thể hỏi ngay trẻ con, chắc chắn bọn trẻ sẽ kể mọi chuyện chúng biết mà không hề giấu giếm. 

Thông qua câu thành ngữ cũng đã minh chứng cho ta thấy sự trong sáng và đức tính thành thật của trẻ con, mà đôi khi với người lớn có những chuyện muốn giấu kín. 

Nhìn chung, “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” là thành ngữ để ta mỗi khi đi xa, hoặc cần biết sự việc nào đó một cách trung thực nhất thì sẽ nhớ ngay đến “quyền trợ giúp” này! 

Xem thêm: ‘Lá rụng về cội’ và triết lý nhân sinh sâu sắc mà ai cũng nên tỏ tường

2. “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” đề cao kinh nghiệm sống của người cao tuổi  

“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” bên cạnh ý nghĩa như chúng ta vừa tìm hiểu thì thành ngữ còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt là đề cao vai trò, kinh nghiệm sống quý báu của những người lớn tuổi trong cuộc sống. 

Bạn có nghĩ sau này khi mình già sẽ trở thành người không còn hữu ích, là gánh nặng cho con cháu. Câu trả lời chính xác là không nhé! Người cao tuổi chính là tài sản của quốc gia. Bởi lẽ, người cao tuổi đã phải trải qua bao thăng trầm, đối mặt muôn vàn khó khăn, trong suốt quãng đời sống và làm việc mới có được vốn liếng cuộc sống. 

di-hoi-gia-ve-nha-hoi-tre-voh-2

Người cao tuổi giống như quyển “từ điển”  bởi vốn sống và kinh nghiệm dày dặn của họ 

Từ đó, chỉ dẫn những điều hay lẽ phải cho thế hệ con cháu, giúp ta dễ dàng đạt được thành công trong công việc lẫn cuộc sống. Người cao tuổi cũng giống như quyển “từ điển” sống, đôi khi có những chuyện ta không thể tra từ bất kỳ nguồn tài liệu nào. Ấy thế mà, khi hỏi họ sẽ nhanh chóng có ngay câu giải đáp. 
 
Những “cây cao, bóng cả” này đã để lại không ít di sản văn hóa được xây dựng từ khối óc, bàn tay. Điển hình như những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ chẳng phải được đúc kết từ kinh nghiệm trong quá trình làm việc, sinh sống của ông cha ta ngày xưa hay sao. 

Xem thêm: ‘Tre già măng mọc’ nghĩa là gì? Những bài học sâu sắc được rút ra từ câu thành ngữ này

3. Cẩn thận đừng “lỡ lời” trước mặt trẻ em 

Theo quan niệm của người Việt, hình ảnh một gia đình đầy đủ hạnh phúc sẽ bao gồm nhiều thế hệ tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường cùng chung sống. Người già và người trẻ tuy thuộc hai thế hệ khác nhau, chênh về khoảng cách tuổi tác, thế nhưng, lại bảo trợ và là chỗ dựa cho nhau trong cuộc sống.  

Hình ảnh người già và người trẻ được khắc họa rõ nét trong thành ngữ “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” để nhấn mạnh ở từng độ tuổi chúng ta sẽ những có giá trị riêng. 

di-hoi-gia-ve-nha-hoi-tre-voh-3
Trẻ em rất hồn nhiên, biết gì nói đấy 

Qua đó, cho thấy rằng trẻ con vô cùng ngây thơ, biết gì nói đấy. Mà đôi khi có những chuyện mà người lớn quên hay ngại chia sẻ câu chuyện ra bên ngoài. Bởi thế, các bậc phụ huynh cần giữ các tờ “giấy trắng” này không bị hoen ố. Tránh những lời nói hay hành động nhạy cảm trước mặt trẻ nhỏ trong nhà.

Đặc biệt, là không nên nói dối trẻ, bởi dần dần chúng sẽ nhận biết lời nói đó là không đúng sự thật, dần mất niềm tin vào người lớn. Nguy hiểm hơn là con trẻ cũng học theo lời nói dối khi trưởng thành.  

Xem thêm: Nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư - ngày nói dối

4. Hình ảnh người già qua những câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam 

Thành ngữ, tục ngữ chỉ là những câu nói ngắn gọn, bình dị gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân xưa. Dẫu thời gian khiến cho cuộc sống xưa - nay có phần khác biệt, nhưng kinh nghiệm được đúc kết vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa sâu sắc.  

Đặc biệt, hình ảnh của người cao tuổi cũng được nhắc đến trong câu thành ngữ - tục ngữ, là bài học bổ sung tri thức cho lớp trẻ đời sau: 

di-hoi-gia-ve-nha-hoi-tre-voh-4
  1. Kẻ cắp gặp bà già 
  2. Gừng càng già càng cay
  3. Kính lão đắc thọ
  4. Một mẹ già bằng ba con ở
  5. Một mẹ già bằng ba then cửa
  6. Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già 
  7. Yêu trẻ, trẻ đến nhà 
    Kính già, già để tuổi cho
  8. Mẹ già hai đứa nuôi chung,
    Đứa lo cơm cháo, đứa giùm thuốc thang
  9. Muốn cho mau lớn mà chơi,
    Mới lớn vừa rồi, già lại theo sau.
  10. Mỗi năm, mỗi tuổi, mỗi già,
    Chẳng lo liệu trước ắt là lụy sau. 
  11. Mẹ già đầu bạc như tơ,
    Lưng đau con đỡ, mắt lờ con nuôi.
  12. Canh suông khéo nấu thì ngon,
    Mẹ già khéo nói thì con đắt chồng.
  13. Mướp già thì mướp có xơ,
    Gái già thì gái nằm trơ một mình.
  14. Cau già dao bén thì ngon,
    Người già trang điểm phấn son cũng già.
  15. Càng già càng dẻo càng dai,
    Càng gãy chân chõng, càng sai chân giường.
  16. Bảy mươi chống gậy ra ngồi
    Xuân ơi xuân có tái hồi được chăng?
  17. Tre già nhiều người chuộng,
    Người già ai chuộng làm chi.
  18. Tre già còn dẻo hơn măng,
    Ớt cà ra có hột, chớ hơn thằng ớt tơ. 
  19. Già thì già tóc già râu,
    Đêm ba bảy vợ, già đâu có già!
  20. Càng già càng nhẹ phao câu
    Càng lên xuống tiện, càng mau nhịp nhàng

Thông qua bài viết này, mong rằng bạn đã hiểu thêm về ý nghĩa câu thành ngữ “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, từ đó giúp bổ sung vào kinh nghiệm sống của chính mình và vận dụng bài học bổ ích này trong trường hợp cần thiết nhé.    

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet  

Bình luận