Chờ...

Đính hôn là gì? Thủ tục cần chuẩn bị cho lễ đính hôn hoàn hảo?

VOH) - Lễ đính hôn là ngày quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Hiểu lễ đính hôn là gì và cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho sự kiện này.

Lễ đính hôn là gì là từ khóa được tìm kiếm nhiều mỗi mùa cưới. Vậy lễ đính hôn cần chuẩn bị những gì và có những lưu ý nào cho sự kiện này? Cùng VOH  tìm hiểu ngay ở bài viết dưới đây nhé.

1. Đính hôn là gì?

Lễ đính hôn hay còn được biết đến với những cái tên khác như lễ ăn hỏi, đám hỏi là một thủ tục không thể thiếu trước lễ cưới của người Việt Nam. Lễ đính hôn thường diễn ra sau lễ dạm ngõ. 

Nếu lễ dạm ngõ là lễ mà hai bên gia đình chính thức gặp mặt, mang tính chất thông báo cho cặp đôi chính thức quen nhau, tìm hiểu lẫn nhau thì lễ đính hôn là thời điểm quan trọng nhằm ngầm ấn định rằng đôi lứa sẽ tiến tới hôn nhân. Lễ đính hôn là định ước giữa hai bên gia đình, trong đó nhà trai sẽ mang lễ vật đến nhà gái để hỏi cưới, xin phép nhà gái đưa cô gái về làm dâu.

Đính hôn là gì và cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn hoàn hảo? 1
Lễ đính hôn. Ảnh minh hoạ

2. Ý nghĩa của lễ đính hôn

Vậy ý nghĩa của lễ đính hôn là gì? Việc thực hiện lễ đính hôn có ý nghĩa xin phép và thông báo với họ hàng hai bên gia đình, đồng thời là bước đệm chuẩn bị cho hôn nhân chính thức. Bên cạnh đó, đây cũng là sự kiện thể hiện sự gắn kết tình cảm của hai bên gia đình. Tóm lại, lễ đính hôn chính là lời xin phép, thông báo chính thức của gia đình nhà trai nhà gái về hôn sự của cặp đôi. 

Theo quan niệm của người Việt, nếu quá trình tổ chức lễ đính hôn diễn ra thuận lợi, không gặp trắc trở thì cuộc sống hôn nhân và quan hệ của hai nhà cũng sẽ hạnh phúc bền chặt.

Xem thêm: Lời chúc mừng đám cưới hay và ý nghĩa

Đính hôn là gì và cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn hoàn hảo? 2
Ý nghĩa của lễ đính hôn trong văn hóa Việt Nam. Ảnh minh hoạ

3. Một số câu hỏi thường gặp về đính hôn và lễ đính hôn

3.1 Đính hôn bao lâu thì cưới?

Nhiều người thắc mắc rằng thời gian giữa lễ đính hôn và đám cưới chính thức thì cách nhau bao lâu. Thật ra không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như ngày, giờ hoàng đạo, khoảng cách địa lý giữa nhà trai và nhà gái. 

Thường thấy nhất là lễ đám hơn cách lễ cưới khoảng 1 tháng. Cũng có những khi lễ đính hôn và lễ cưới diễn ra vào hai ngày liên tiếp nhau.

Trường hợp lễ đính hôn cách lễ cưới thật 1 năm hoặc hơn mặc dù hiếm gặp hơn nhưng cũng không phải là không xảy ra. Như vậy, không có một quy định nào về việc đính hôn bao lâu thì cưới, 2 bên gia đình sẽ trao đổi và xác định thời gian phù hợp nhất.

3.2 Đính hôn là đám hỏi hay đám cưới?

Lễ đính hôn là cách gọi trang trọng của nghi thức đám hỏi, một trong những nghi thức cần có trước khi chuẩn bị lễ cưới. Theo phong tục của người Việt Nam, có 5 nghi thức cần tổ chức để các cặp đôi chính thức trở thành vợ chồng, bao gồm lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ xin dâu, lễ rước dâu và lễ lại mặt. Tuy nhiên, các gia đình hiện nay thường rút gọn thành 3 nghi thức chính là lễ ăn hỏi, lễ xin dâu và lễ rước dâu.

Xem thêm: Top những bài thơ chúc đám cưới hay nhất để ngày vui càng thêm vui

3.3 Đính hôn đeo nhẫn ngón nào?

Nhẫn đính hôn được coi là vật đính ước giữa cô dâu và chú rể tương lai. Người ta trao nhau cặp nhẫn vào lễ đính hôn như một lời tuyên thệ rằng “chàng trai/ cô gái này là chồng/ vợ sắp cưới của tôi”. Việc đeo nhẫn đính hôn ở ngón tay nào phụ thuộc vào phong tục tập quán của từng vùng miền. 

Ở phương Tây, nhẫn đính hôn thường được đeo ở ngón áp út trên bàn tay trái. Sở dĩ mọi người thường đeo nhẫn đính hôn hay nhẫn cưới ở vị trí này vì một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng đây là ngón tay duy nhất có dây thần kinh nối thẳng đến trái tim. Ở phương Đông, nhẫn đính hôn thường được đeo ở ngón giữa của bàn tay trái. Tóm lại, việc đeo nhẫn đính hôn chính là biểu tượng cho việc hai người đã có định ước với nhau và sẽ nhanh chóng đi tới đám cưới.

Đính hôn là gì và cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn hoàn hảo? 3
Nên đeo nhẫn đính hôn ở ngón giữa của bàn tay trái

3.4 Nhẫn đính hôn khác gì nhẫn cưới? Ý nghĩa nhẫn đính hôn

Nhìn chung, nhẫn đính hôn hay nhẫn cưới thì đều mang ý nghĩa khẳng định một bước tiến trong mối quan hệ của cặp đôi. Nhẫn đính hôn mang tính chất định ước. Nhẫn cưới là minh chứng cho việc hai người đã trở thành vợ chồng chính thức, thể hiện sự gắn bó, gắn kết trọn đời.

Xem thêm: Vì sao chiếc nhẫn được lấy làm đại diện cho tình yêu và hôn nhân? Ý nghĩa phía sau vô cùng thiêng liêng!

3.5 Đính hôn và kết hôn khác nhau như thế nào?

Sự khác biệt lớn và rõ ràng nhất giữa đính hôn và kết hôn là việc có phát sinh quan hệ hôn nhân hay không. Theo đó, khi các cặp đôi kết hôn và đăng ký theo đúng quy định của pháp luật, quan hệ hôn nhân đó được pháp luật bảo vệ, thừa nhận.

Đối với đính hôn, đây chỉ là một nghi thức theo phong tục truyền thống để tạo niềm tin và gắn kết 2 bên gia đình, không có giá trị pháp lý.

3.6 Đính hôn có cần hoa cầm tay không?

Theo quan niệm của người Việt xưa, việc sử dụng hoa cầm tay cho cô dâu hai lần là điều không may mắn. Thông thường, bó hoa cưới chỉ nên cầm vào ngày cưới chính thức, đối với đám hỏi thì không cần thiết.

Tuy nhiên, quan niệm này dần biến mất và cũng xuất hiện nhiều cặp đôi sử dụng hoa cầm tay trong lễ đính hôn. Điều này giúp cô dâu tạo điểm nhấn cho bộ áo dài nhưng cần lưu ý hai điều sau:

  • Sử dụng hoa cầm tay trong lễ đính hôn thật đơn giản, có thể dùng vòng hoa tay thay thế.
  • Chú rể không nên là người cầm bó hoa này trao cho cô dâu để tránh được những điều không hay.

3.7 Đính hôn mặc áo dài màu gì?

Lễ đính hôn là sự kiện trọng đại, là ngày vui của bạn và hai bên gia đình, vì vậy những màu sắc tươi tắn như màu đỏ, màu vàng hay gam màu nhẹ nhàng,...

Tuy nhiên, việc lựa chọn màu áo dài cho ngày đính hôn cũng còn phụ thuộc vào vóc dáng, màu da, sở thích của cô dâu và tông màu trang trí của buổi lễ.

Đính hôn là gì và cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn hoàn hảo? 4
Lựa chọn áo dài màu gì cho lễ đính hôn. Ảnh minh hoạ

4. Lễ đính hôn cần gì?

4.1 Lễ đính hôn nhà trai cần chuẩn bị gì?

Ở Việt Nam, mỗi vùng miền lại có những phong tục khác nhau về lễ vật cho lễ đính hôn. Thông thường, nhà trai sẽ mang lễ vật qua nhà gái. Lễ vật đính hôn thì không thể thiếu được trầu cau, bánh phu thê (bánh xu xê), chè, rượu,... Số mâm lễ vật thường là số lẻ như 7, 9, 11 mâm, ở miền Tây thì thường là 6 mâm.

Vùng núi Tây Bắc, nơi mà có đa dạng dân tộc thiểu số sinh sống thì lễ vật đính hôn lại mang đậm bản sắc vùng cao. Ví dụ như dân tộc Thái thì nhà trai cần mang thêm gà, lợn làm lễ vật và số lượng phụ thuộc vào việc thách cưới của nhà gái.

Đính hôn là gì và cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn hoàn hảo? 5
Nhà trai cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn?

4.2 Lễ đính hôn nhà gái cần chuẩn bị gì?

Để buổi lễ đính hôn diễn ra thành công tốt đẹp thì nhà gái cũng cần chuẩn bị chu đáo. Đầu tiên, nhà gái cần tiêu sái lại bàn thờ gia tiên, bố trí, sắp xếp chỗ ngồi để tiếp đón nhà trai và khách mời. Ở miền Bắc, nhà gái thường chuẩn bị trà, thuốc lá, trầu cau để tiếp đãi khách.

Bên cạnh đó, tuỳ vào điều kiện gia đình, phong tục tập quán, văn hóa của từng địa phương mà nhà gái có thể chuẩn bị tiệc cỗ mặn chiêu đãi bạn bè, người thân.

Chắc hẳn bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin cơ bản về lễ đính hôn là gì và những thứ cần chuẩn bị cho sự kiện này. Việc tìm hiểu về lễ đính hôn một cách đầy đủ sẽ giúp bạn sẵn sàng cả về mặt tâm lý và kinh tế khi bước đến ngày quan trọng của cuộc đời.

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận