Chờ...

Giác ngộ là gì? Muốn cuộc đời hạnh phúc thì không nên bỏ qua

(VOH) - Bạn cần giác ngộ được rằng mọi muộn phiền, khổ cực trong cuộc sống hiện tại chỉ là sự trải nghiệm. Hãy mỉm cười chấp nhận bài học và để thân tâm luôn được tĩnh lặng!

Trong cuộc hiện đại nhiều lo toan, bận rộn, vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” trở thành gánh nặng trong cuộc sống của mỗi người. Theo quan điểm đạo Phật, giác ngộ chính là cách giúp bạn chữa lành những tổn thương tâm lý, cởi bỏ gánh nặng đang đè sâu bên trong, để có cuộc sống bình yên hơn.  

1. Giác ngộ là gì? 

Giác ngộ là danh từ Hán - Việt mang nhiều nghĩa khác nhau phụ thuộc theo từng quan niệm riêng của cá nhân hay tôn giáo. Sự giác ngộ của một người theo Phật giáo, Hồi giáo hay Thiên chúa giáo cũng không giống nhau. 

Vì vậy, chúng ta có thể hiểu nghĩa cơ bản của “giác ngộ” chính là thức tỉnh và hiểu rõ một chân lý nào đó. Dựa vào trí thức, cảm nhận của mỗi người từ những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống. 

giac-ngo-voh-1

Giác ngộ tiếng anh là awakening hay enlightenment. Còn trong tiếng pháp là éveil hoặc illumination. Ngoài ra, giác ngộ có nghĩa là hiểu biết khi được phiên dịch từ chữ bodhi của tiếng Phạn. 

Trong Phật giáo “giác ngộ” là sự hiểu-rõ, thấy-biết và nghiệm được chân lý của Đức Phật truyền dạy. Nói cách khác, giác ngộ là sự tỉnh thức, nhìn thấu được bản chất của sự sống. 

Mỗi người khi đến với cuộc đời này đều mang cho mình một vai diễn, và từ thuở bé đến khi trưởng thành chúng ta lại vào những vai diễn khác nhau. Như câu nói của W. Shakespeare “Cuộc đời là một sân khấu, và chúng ta đều là những kịch sỹ”. 

Tin rằng, việc lựa chọn đóng vai người tốt, người xấu, an vui hay là chọn lối sống khổ đau đều phụ thuộc vào chính bạn. Cuộc đời không dài, chỉ cần bạn giác ngộ để gạt bỏ mọi bất an, buồn đau,... thì hạnh phúc sẽ tự tìm đến. 

Bên cạnh đó, giác ngộ là khi bạn biết quay về bên trong chính con người mình, trở thành một người có trí tuệ, đạo đức và sống trách nhiệm. Bạn không còn lay hoay đi tìm một “điểm tựa” tình thương để rồi khi không có được lại rơi vào trạng thái thất vọng, chán chường. Một người sở hữu trí tuệ, sẽ biết cách yêu thương chính mình, vạn vật và những người xung quanh vô điều kiện. 

Xem thêm: Hạnh phúc ở đâu, bình yên ở đâu? - Những câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ giúp ta giải mã điều đó!

2. Theo đạo Phật: Giác ngộ nghĩa là hiểu mình!

Bạn có thấy vui vẻ khi ghét một người? Bạn thường xuyên bực bội vì người khác làm không đúng ý mình? Vậy chúng ta hãy cùng nhau dành cho mình khoảng lặng để suy xét, nhìn nhận lại cảm xúc của bản thân nhé! 

Bởi lẽ, mỗi người đều tiềm ẩn những khuynh hướng tiêu cực, chúng ta cần có thời gian để quay vào bên trong để hiểu sâu hơn con người của mình. Giống như phương châm sống của Triết gia cổ đại Hy Lạp, Socrate là “Hãy tự hiểu mình”.  

giac-ngo-voh-2
Giác ngộ là hiểu mình!

Hiểu mình là khi bạn biết rằng con người không ai hoàn hảo mọi mặt. Có người xuất sắc về điểm này nhưng lại chưa giỏi về điểm kia. Bạn biết không, con người có 8 loại trí thông minh khác nhau như: trí thông minh về âm nhạc, logic, ngôn ngữ hay giao tiếp, … 

Ví dụ: Bạn có thể đàn hay nhưng nói chuyện chưa khéo léo, bạn tính toán rất nhanh nhưng không có chút năng khiếu gì về âm nhạc,... Đây là những mảng màu của cuộc sống, có người như thế này, có người như thế kia. Không ai giống ai! 

Bất kỳ ai cũng đã từng phạm phải một sai lầm nào đó trong đời. Và bạn cũng như thế! Đừng chỉ khư khư nhìn vào lỗi lầm của người khác mà không nhận thấy lỗi của chính mình. Trong những trường hợp như thế, lòng bao dung và tình thương là thứ bạn cần để tâm được thảnh thơi và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. 

Khi một người có lời nói, hay hành động khiến cho bạn buồn, đau khổ. Hãy một lần, đặt mình vào hoàn cảnh của người ấy để hiểu cho cách ứng xử và những lời nói không hay đó. Khi hiểu mình rồi thì bạn sẽ hiểu người, nhanh chóng giác ngộ nhằm loại bỏ những cảm xúc tiêu cực kia, không còn thù ghét hay oán hận lẫn nhau. 

Xem thêm: Học cách buông bỏ để có được một cuộc đời hạnh phúc, bình yên

Mọi trạng thái tâm lý từ vui buồn, yêu ghét, lo lắng, tham lam, ganh tỵ… đều do chính bản thân chúng ta tự tạo ra và tô vẽ thêm màu sắc cho nó. Thật ra, chúng không hề có thật mà chỉ là những cảm xúc khởi nguồn từ nhận thức sai lạc bản thân. 

Không ai cho phép bạn buồn khổ trừ chính bạn! Do đó, chỉ cần bạn giác ngộ những muộn phiền não kia không hề có thật hay chẳng qua là bài kiểm tra của cuộc đời. Sau khi hiểu rõ, bạn có thể thở phào nhẹ nhõm, nở nụ cười rạng rỡ trên môi rồi mọi thứ sẽ theo mây trôi.  

Có lẽ, giác ngộ cũng đơn thuần là hiểu con người thật của mình là ai, hiểu mình thì mới có thể hiểu người, hiểu thế gian và hiểu cuộc đời này. Như Jorge Luis Borges từng nói: “Bất cứ cuộc đời nào, dù dài lâu hay phức tạp ra sao, thực chất chỉ bao gồm một khoảnh khắc duy nhất - khoảnh khắc khi con người cuối cùng hiểu được mình thực sự là ai”. 

giac-ngo-voh-3

 Để tâm luôn được thanh tịnh buông bỏ mọi bộn bề cuộc sống sau cửa Phật. 

3. Liệu giác ngộ có phải là giải thoát?

Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn khi đã giác ngộ thì tự nhiên cũng được giải thoát, tuy nhiên định nghĩa giải thoát đã có từ trong văn hóa cuối Veda và Upanishad tại Ấn Độ. Theo đó, giải thoát nghĩa là thoát ra khỏi vòng tái sinh luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. 

Nhưng với Phật giáo giải thoát là thoát khỏi vòng vây của sự khổ đau, phiền não trong cuộc đời. Đức Phật đã tự mở trói chính mình ra khỏi vòng vây danh lợi, vợ đẹp, con xin và giác ngộ ra chân lý về cuộc đời khi ngồi dưới gốc cây bồ đề.  

Giáo lý Ngài bao gồm: Tứ thánh đế là khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ; Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và khổ; Duyên khởi là sự tương quan, tương duyên, tương hữu giữa mọi sự vật. Muốn giác ngộ chúng ta cần phải thấm nhuần, hiểu rõ và thực hành thì mới có thể được giải thoát. 

Xem thêm: Chiêm nghiệm 37 bài thơ Phật giáo ý nghĩa, thấm thía lẽ nhân sinh muôn đời

4. Những câu nói hay về sự giác ngộ

Không ai có thể giúp bạn giác ngộ ngoại trừ chính bạn, do đó hãy tìm hiểu và thực hành theo những phương pháp để đạt kết quả. Cùng đọc và suy ngẫm về những câu nói hay về sự giác ngộ ngay dưới đây để có thêm động lực trong cuộc hành trình tìm đến chính mình nhé: 

giac-ngo-voh-4
  1. Một người bình thường tìm tự do qua giác ngộ. Một người giác ngộ thể hiện tự do qua sự bình thường. - Adyashanti
  2. Giác ngộ luôn luôn hiện hữu. Sự giác ngộ nhỏ bé sẽ mang tới giác ngộ lớn lao. Nếu bạn hít thở và nhận ra rằng mình vẫn đang sống, đó là lúc bạn chạm tay vào điều kỳ diệu của việc được sống. Đó cũng là một loại giác ngộ. - Thích Nhất Hạnh
  3. Con người đau khổ là vì các thành kiến. Khi nhìn mọi thứ cởi mở hơn, chúng ta sẽ tự do và chẳng còn khổ đau nữa. - Thích Nhất Hạnh 
  4. Thế giới vốn không thuộc về bạn, vì thế bạn không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta nhưng không thuộc về trước. - Đức Phật  
  5. Giác ngộ chẳng có gì khó hiểu. Chỉ lột vỏ chuối ra bỏ vào miệng là bạn sẽ biết ngay hương vị của nó. Bạn phải thực hành để tự mình chứng ngộ, và bạn cần phải kiên trì. Nếu thành đạo dễ dàng thì mọi người đã làm rồi. Tôi bắt đầu vào chùa từ lúc tám tuổi và trở thành nhà sư đã hơn bốn mươi năm; còn bạn thì chỉ muốn hành thiền một hai đêm thôi để đi thẳng đến niết bàn. Đâu phải chỉ cần ngồi xuống là tức khắc giác ngộ. Không phải chỉ cần một người nào đó gõ vào đầu bạn một cái là bạn thành đạo ngay. - Ajahn Chah
  6. Đời người không nằm ở việc sống lâu hay ngắn mà nằm ở việc giác ngộ sớm hay muộn; Sinh mệnh không dùng để đính chính người khác đúng hay sai mà dùng để thực hiện một cuộc sống nhiều màu sắc của chính bản thân chúng ta. - Sưu tầm 
  7. Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi tâm trí chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta nghĩ. - Sưu tầm 
  8. Dù rất chua chát nhưng sự thật là, nhà ở có sửa to, rộng hơn thế nào đi nữa cũng chỉ là nơi ở tạm thời. Cái quách sành mới là nhà ở vĩnh hằng của tất cả chúng ta. Thế nên, nhà rộng chẳng bằng tâm rộng, tấm lòng rộng mở, bề ngoài an yên không bằng cõi lòng an yên. - Sưu tầm 
  9. Thế gian đau buồn bởi cái chết và sự tan rã. Nhưng người khôn ngoan không đau buồn vì họ nhận ra bản chất của thế giới. - Sưu tầm 
  10. Đừng mãi sống trong đau buồn, vất vả mà hãy tìm đến con đường giác ngộ để hiểu mình hơn và nuôi dưỡng trái tim thiện lành. Để tâm luôn được thanh tịnh buông bỏ mọi bộn bề cuộc sống sau cửa Phật. - Sưu tầm 

Đừng mãi sống trong đau buồn, vất vả mà hãy tìm đến con đường giác ngộ để hiểu mình hơn và nuôi dưỡng trái tim thiện lành. Để tâm luôn được thanh tịnh, an nhiên buông bỏ mọi bộn bề cuộc sống sau cửa Phật. 

Sưu tầm 
Nguồn ảnh: Internet 

Bình luận