Chờ...

Lễ Vu Lan báo hiếu là ngày nào? Nên làm gì, kiêng kỵ gì?

VOH - Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ vào Rằm tháng 7 Âm lịch là một ngày lễ lớn, mang nhiều ý nghĩa của người Việt.

Tháng 7 Âm lịch thường được dân gian gọi là "tháng cô hồn". Song cũng trong tháng này sẽ diễn ra một lễ lớn nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước, đó chính là lễ Vu Lan báo hiếu.

Trong bài viết này, hãy cùng VOH tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa, những điều nên và không nên làm trong ngày này nhé!

Lễ Vu Lan báo hiếu là ngày mấy?

Lễ Vu Lan báo hiếu vốn trùng với ngày Xá tội vong nhân là ngày Rằm tháng Bảy (15/7) Âm lịch hàng năm.

Năm 2024, lễ Vu Lan sẽ rơi vào thứ Bảy, ngày 10/8 Dương lịch.

le-vu-lan-1

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!

Lễ Vu Lan là ngày gì?

Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu có nguồn gốc từ Phật giáo Bắc Tông (Đại thừa), là một ngày lễ chính của Bắc Tông. Ngày lễ này diễn ra vào ngày 15/7 Âm lịch hằng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân nên có nhiều hoạt động tín ngưỡng và được xem là một ngày lễ lớn trong năm.

Lễ Vu Lan là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân. Đây là ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Không chỉ diễn ra tại Việt Nam, lễ Vu Lan còn được xem là ngày lễ trọng đại ở nhiều nước lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia...

Lễ Vu Lan tiếng Hán là 盂兰节, phiên âm: Yú lán jié. Còn trong tiếng Anh, lễ Vu Lan được dịch theo lối vay mượn một phần gọi là Vu Lan Festival.

le-vu-lan-2

Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, trùng ngày Xá tội vong nhân

Ý nghĩa Lễ Vu Lan

Trải qua hàng ngàn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của người Việt. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ và ông bà, tổ tiên. Đồng thời nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, làm tròn bổn phận của người con, luôn ghi nhớ công ơn của cha mẹ và các bậc tiền nhân mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc là hướng mỗi người về cội nguồn, thể hiện rõ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc ta. Đề cao và biểu dương tinh thần hiếu đạo để truyền thống này luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau. 

Lễ Vu Lan báo hiếu cũng kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người đền ơn 4 nguồn ân đức gồm tri ân, đền ơn cha mẹ đã sinh thành; tri ân những người thầy cô đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức; tri ân các bậc tiền bối đã hy sinh xây dựng đất nước mang lại cuộc sống ấm no, chủ quyền cho dân tộc và cuối cùng là tri ân chính đồng loại.

le-vu-lan-7

Lễ Vu Lan báo hiếu - Một ngày lễ nhiều ý nghĩa

Tìm hiểu về sự tích Lễ Vu Lan

Ngày lễ Vu Lan, ngày Xá tội vong nhân gắn liền với tích về một vị đại đệ tử của Phật Thích Ca là Mục Liên.

Tích Mục Liên cứu mẹ - Truyền thuyết Lễ Vu Lan

Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca), tên thật là La Bộc, tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Nhờ lòng hiếu thảo, ông cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, từ đó ngày Lễ Vu Lan ra đời.

le-vu-lan-3

Đại Đức Mục Kiền Liên - Một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca

Tích xưa kể rằng, La Bộc là con ông Phổ Tướng và bà Thanh Đề, vì cuộc sống nghèo khó phải đi buôn bán ở tỉnh Kiên Liên. Đến khi khấm khá, trong nhà có dư dả, La Bộc không quên công ơn nuôi dưỡng của của phụ mẫu, ông gửi tiền về quê cho mẹ già.

Nhưng bà Thanh Đề - mẹ La Bộc - không phải người hiền lương, bà tiêu xài hết tiền con cho, lại còn sai người giết chó làm nhân bánh biếu sư. Bà nói với La Bộc rằng, bao nhiêu tiền ông gửi về đều đã đem cúng cả vào đền chùa miếu vũ. Sau đó chẳng lâu, bà Thanh Đề qua đời. 

La Bộc chịu tang mẹ 3 năm rồi qua nước Ki Đô nơi Phật ở xin ở lại tu luyện. Tại đây, La Bộc được Đức Phật sai thầy Kha Na cắt tóc cho ông và đặt tên là Đại Mục Kiền Liên, gọi tắt là Mục Liên (Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, Chữ Hán: 目犍連).

Mục Liên được cho vào tu ở chùa Lã Bí trong rừng Quýt Sơn. Để đến được rừng Quýt Sơn, Mục Liên phải đi qua chùa Thiên Giai, nơi có nhiều âm hồn nghe kinh. Ở đó, ông nhận ra cha là Phổ Tướng, còn mẹ là Thanh Đề thì không thấy đâu. Ông liền ôm mặt khóc, Đức Phật hiện lên và cho biết mẹ của ông, bà Thanh Đề khi sống điêu ngoa gian ác nên đã bị đày xuống ngục A Tỳ.

le-vu-lan-4

Mục Liên vô cùng đau khổ khi chứng kiến cảnh mẹ làm ngạ quỷ

Mục Liên bèn tìm đường lặn lội xuống ngục A Tỳ tìm mẹ. Tại đây, mẹ ông phải sanh làm ngạ quỷ, chịu trăm ngàn cực hình, bị đói khát hành hạ khổ sở. Thấy Mục Liên, bà liền khóc lóc nhờ con tìm cách cứu. Mục Liên cầm lòng không đặng, ông liền lấy bình bát, đem cơm dâng mẹ. Do đói ăn lâu ngày, khi ăn bà Thanh Đề lấy một tay che bát cơm lại không cho các cô hồn khác đến tranh ăn. Vì vậy, thức ăn chưa đến miệng đã hóa lửa đỏ. Mục Liên chứng kiến cảnh này vô cùng đau khổ, gào khóc bi thảm.

Mục Liên bèn quay về nhờ Đức Phật chỉ cách cứu mẹ, Phật dạy: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.”

le-vu-lan-5

Đức Phật mách bảo Mục Liên cách cứu mẹ

Phật cũng dạy rằng, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Ngày Rằm tháng 7 là ngày tự thứ của mười phương Tăng, tất thảy đều từ bi, ứng thọ. Ai được cúng dường Thánh Tăng thì tất cả đều vượt ác đạo, ứng niệm giải thoát. Cũng thế chiếc chậu Vu Lan đựng những tu lực chứng tâm hậu nhất của những đệ tử Đức Phật có thể chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành của con người.

Mục Liên làm đúng lời Phật dạy, quả nhiên mẹ ông được giải thoát.

Noi theo đức hiếu thuận của Mục Liên, ngày Rằm tháng Bảy hàng năm trở thành ngày Lễ Vu Lan báo hiếu, là ngày con cái tưởng nhớ, trả hiếu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên.  

le-vu-lan-6

Sau tích Mục Liên cứu mẹ, ngày Rằm tháng Bảy trở thành ngày Lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan nên làm gì?

Cúng kiến

Theo tín ngưỡng dân gian, Lễ Vu Lan phải được thực hiện vào ban ngày, trước khi Mặt Trời lặn. Việc cúng kiến được thực hiện ở chùa trước rồi mới đến cúng trong nhà.

Vì trùng ngày Xá tội vong nhân nên khi cúng ở nhà sẽ có hai mâm:

Mâm cúng tổ tiên:

  • Được đặt tại bàn thờ gia tiên.
  • Thời gian cúng thường diễn ra vào buổi sáng.
  • Trên mâm cúng gồm: Đồ ăn, cơm canh, chay mặn đều được và giấy tiền vàng mã.
  • Sau khi cúng, giấy tiền vàng mã được đốt đi với ý nguyện gửi về cõi âm cho tổ tiên để họ có được cuộc sống sung túc như dương thế.

le-vu-lan-8

Mâm cơm cúng tổ tiên là điều không thể thiếu trong ngày Lễ Vu Lan

Hai là mâm cúng chúng sanh (còn gọi là cúng cô hồn):

  • Được đặt ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè.
  • Thời gian cúng từ sáng đến chiều nhưng thường được cúng vào buổi chiều trước khi Mặt Trời lặn.
  • Trên mâm cúng gồm: Bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, 12 chén cháo, tiền vàng, gạo muối,… và quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...), tiền vàng mã.
  • Khi cúng xong, gia chủ sẽ rải bánh kẹo, muối, gạo và tiền vàng mã,… ra đường để cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa tranh nhau nhặt.

le-vu-lan-9

Lễ Vu Lan trùng ngày Xá tội vong nhân, cúng cô hồn

Nghi thức bông hồng cài áo

Nghi thức bông hồng cài áo được Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách viết năm 1962. Vào ngày này, tại các chùa ở Việt Nam sẽ tiến hành cài hoa cho Phật tử đến thắp hương. Những ai còn cha mẹ sẽ được cài bông màu hồng, màu đỏ, những ai không còn thì được cài bông màu trắng.

Tuy chỉ là một nghi thức đơn giản nhưng “Bông hồng cài áo” được xem là một hoạt động giàu ý nghĩa vì thể hiện lòng biết ơn, hiếu thảo đến cha mẹ và cũng là một cách tưởng niệm đến người đã mất. 

le-vu-lan-10

Nghi thức Bông hồng cài áo được Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng

Thả đèn

Hoạt động này thường được diễn ra ở các chùa. Bông sen giấy là một hình thức phổ biến để thả đèn.

Để tiến hành mọi người sẽ được nhà chùa phát cho hoa sen giấy, ở giữa cấm một cây đèn cầy đang cháy. Mọi người xếp theo hàng và lần lượt thả hoa sen giấy xuống sông. Trong lúc thả đèn thì cầu nguyện sự bình an cho bản thân, gia đình.

le-vu-lan-11

Thả đèn là một hoạt động quan trọng trong ngày này

Phóng sinh

Phóng sinh cũng là một hoạt động diễn ra vào Rằm tháng Bảy để tạo phước đức cho bản thân và gia đình. Cá và chim là 2 loài vật được phóng sinh nhiều nhất.

le-vu-lan-12

Phóng sinh cũng thường được thực hiện vào Rằm tháng Bảy

Những điều kiêng kỵ trong Lễ Vu Lan

Cũng vì trùng với ngày Xá tội vong nhân nên tháng 7 Âm lịch còn được gọi là “tháng cô hồn”, được xem là tháng không may mắn, có nhiều điều cần kiêng cữ.

Theo tín ngưỡng dân gian, những việc làm như mua sắm, đi chơi đêm, nhổ lông chân, bơi lội, khai trương, cưới hỏi, xây nhà, tiệc tùng… đều là những hoạt động không nên làm vào tháng này vì sẽ gặp nhiều vận hạn. Một số người còn ăn chay suốt tháng Bảy để không bị oan hồn đu bám, không gặp xui xẻo, tai qua nạn khỏi.

Lễ Vu Lan là một ngày lễ mang nhiều giá trị và đừng để nó trôi qua một cách lặng lẽ. Hãy thực hiện những nghi thức của ngày lễ này để tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên một cách trọn vẹn nhất. Và cũng đừng quên quay về nhà ăn bữa cơm gia đình cùng người thân bạn nhé. Chúc bạn có một mùa Vu Lan báo hiếu ấm áp và ý nghĩa!

Đừng quên cập nhật những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.

Bình luận