Chờ...

Tiểu sử và những bài thơ kiệt tác của "Thi Tiên" Lý Bạch - đỉnh cao thơ ca Thịnh Đường

(VOH) - Lý Bạch là một nhà thơ lỗi lạc của Trung Quốc, được các hậu bối tôn là Thi Tiên hay Thi Hiệp. Ông sáng tác hơn ngàn bài thơ, thổi một làn gió mới và mở ra thời kỳ hưng thịnh cho thơ Đường.

Nhắc đến thơ ca thời Đường, chúng ta không thể bỏ qua cái tên Lý Bạch - một nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn kiệt xuất nhất Trung Hoa lúc bấy giờ. Thơ của ông ý cảnh kỳ lạ, chữ nghĩa phong phú, ào ạt như Trường Giang đại hải và giá trị nghệ thuật cũng đạt đến mức độ trước nay chưa từng có, giúp tên tuổi của ông lưu danh thiên cổ.

1. "Thi Tiên" Lý Bạch là ai?

ly-bach-voh-0
 

Lý Bạch (李白), tự là Thái Bạch (太白), hiệu Thanh Liên cư sĩ (青蓮居士). Ông sinh ngày 19/05/701 sau Công nguyên tại Tây Vực (Trung Quốc) và mất ngày 30/11/762 sau Công nguyên. Ông là một trong những nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn bậc nhất thời Thịnh Đường, mở ra một giai đoạn hưng thịnh cho văn học Trung Hoa ngay thời điểm đó.

Nhà thơ Lý Bạch có dòng dõi quan sang bởi ông là cháu chín đời của Tây Lương Vũ Chiêu vương Lý Cảo nước Tây Lương (thời Ngũ Hồ thập lục quốc), là hậu duệ của tướng quân Lý Quảng (nhà Hán). Tuy nhiên, có sách lại ghi ông là hậu duệ của Ẩn Thái tử Lý Kiến Thành? 

Lý Bạch được sinh ra vào năm Trường An nguyên niên (nhà Đường gặp biến cố do sự thống trị của Võ Tắc Thiên) dưới sự gặp gỡ tình cờ và kết duyên giữa một người đàn ông họ Lý trốn đến Tây Vực cùng người phụ nữ Tây Vực (Man bà). Khi 5 tuổi, ông theo gia đình đến định cư tại huyện Xương Long, Miên Châu (Tứ Xuyên). Trước đó, ông sinh sống ở Lũng Tây, Cam Túc.

Có thể nói, cả cuộc đời của Lý Bạch luôn khao khát cống hiến, giúp đỡ nhân dân song mong muốn nhỏ bé đó của ông không bao giờ được toại nguyện. Ông là người có chí hướng, thích khám phá thế giới. Từ khi còn trẻ, ông đã rời xa gia đình để đi du ngoạn, tìm đường gầy dựng công danh sự nghiệp. Ông được người đời tán dương là một thiên tài thơ ca xuất chúng của Trung Hoa.

Lý Bạch và bạn của ông - Đỗ Phủ trở thành hai tượng đài vững chắc của thơ ca thời Đường nói chung và văn học Trung Hoa nói riêng. Với văn phong phóng khoáng, hào hùng và lãng mạn, ông được mọi người ca tụng là Thi Tiên (詩仙), Thi Hiệp (詩俠). Đặc biệt, ông có tài vừa uống rượu vừa làm thơ nên giới thi nhân gọi là Tửu Tiên (酒仙), Trích Tiên Nhân (謫仙人) hay Thiên Thượng Trích Tiên (天上謫仙).

Xem thêm: Bộ sưu tập 46 thơ Đường - Thể thơ chất chứa nỗi lòng của bao thi sĩ

2. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn chương của nhà thơ Lý Bạch

“Thi Tiên” Lý Bạch là một trong những nhà thơ tạo nên bước ngoặt to lớn giúp thơ ca thời nhà Đường thêm hưng thịnh, phát triển. Vì thế, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn chương của ông được người đời quan tâm khá nhiều.

2.1 Cuộc đời của “Thanh Liên cư sĩ” - Lý Bạch thời nhà Đường

Cuộc đời của Lý Bạch đã đi vào truyền thuyết về một nhân tài thơ ca hiếm có và tinh thần trượng nghĩa. Ngoài những cái tên do hậu bối suy tôn, ông còn có một số bút hiệu khác như Thanh Liên cư sĩ, Thái Bạch, Tràng Canh. Mỗi một bút hiệu đều gắn liền với tài năng xuất chúng, sự cống hiến vĩ đại của ông cho nền thơ ca nước nhà.

Lý Bạch sống trong một gia đình khá giả, nên từ nhỏ ông không cần phải lo nghĩ việc cơm áo gạo tiền và được đi chu du khắp nơi với cha. Ông được mẹ dạy chữ Tây Vực, cha dạy Kinh Thi, Kinh Thư. Chính nhờ có sự dạy dỗ của đấng song thân, Lý Bạch đã bộc lộ rõ khả năng thiên phú trong việc sáng tác thơ văn của mình. 

ly-bach-voh-1
Cuộc đời của Lý Bạch đã đi vào truyền thuyết về một nhân tài thơ ca hiếm có và tinh thần trượng nghĩa

Lên 10 tuổi, cả nhà Lý Bạch chuyển về sinh sống tại huyện Chương Minh, Tứ Xuyên. Ở đây, ông có cơ duyên được học kiếm thuật. Sau một thời gian dài, tài múa kiếm và làm thơ của ông đã trở nên điêu luyện, sành sỏi. 

Năm 15 tuổi, ông đã viết một bài phú ngạo nổi tiếng gửi cho Hàn Kinh Châu tên Tư Mã Tương Như, được người đương thời đánh giá rất cao. Một năm sau đó, tên tuổi của ông đã vang danh khắp vùng Tứ Xuyên. Tuy nhiên, cuộc sống quá nhàm chán nên ông quyết định học đạo, sống cuộc đời ẩn sĩ trên núi Đái Thiên Sơn.

Lý Bạch hạ sơn khi làm ẩn sĩ được 2 năm, ông bắt đầu làm hiệp sĩ, ngao du khắp các danh lam thắng cảnh ở Tràng An, Hà Bắc, Giang Tây,... Năm 20 tuổi, ông đi khắp nước Thục rồi quay về với gia đình ở Tứ Xuyên.

Năm 723, ông tiếp tục lên đường viễn du, hầu hết các cảnh đẹp ở Trung Hoa như sông Tương, hồ Động Đình, Kim Lăng, Giang Hạ, Dương Châu,... đều được Lý Bạch ghé qua. Năm 726, ông kết duyên cùng cháu gái của Hứa tương công. Thời gian này, tài năng thơ của ông bắt đầu nở rộ và không lâu sau, tiếng tăm đã vang đến triều đình.

Năm 735, nhà thơ có dịp gặp Quách Tử Nghi (một danh tướng thời Đường) tại Thái Nguyên. Trên đường quay về Nhiệm Thành thì ông gặp được 5 ẩn sĩ đường thời, họ rủ ông lên núi Tồ Lai thưởng ngoạn, say sưa ở Trúc Khê. Về sau người ta gọi là “Trúc Khê lục dật”.

Năm 741, danh tiếng của “Thi Tiên” - Lý Bạch vang danh khắp thiên hạ. Năm 742, ông có cuộc gặp gỡ với đạo sĩ Ngô Quân tại Thiểm Trung.Về Trường An có lại quen biết Hạ Tri Chương(thái tử tân khách) - bạn rượu thơ thân thiết của ông. Sau này, ông được mời vào điện Kim Loan thảo thư từ cho vua Đường Minh Hoàng, phong chức vị Hàn Lâm.

Năm 745, Lý Bạch rời cung, đi du lãm. Nhà thơ gặp và kết thân tình với Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Sầm Tham, Cao Thích,... Những năm sau đó, ông gặp phải oan khuất khi làm việc dưới trướng Vĩnh Vương Lân và bị đi lưu đày. Đến gần cuối đời, ông được vua Đường Đại Tông mời về cung nhưng trên đường đi ông đã qua đời.

Đặc biệt, Lý Bạch là người thích đi đó đây, kết bạn khắp nơi. Do đó, ông gắn liền với một giai thoại khá nổi tiếng, đó là trong một lần đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch (An Huy), trong cơn say, thấy ánh trăng lung linh dưới đáy nước, ông nhảy xuống ôm trăng mà chết.

Xem thêm:
Tiểu sử Bạch Cư Dị và màu sắc hiện thực cuộc sống trong thơ ca Bạch Cư Dị
Tổng hợp 46 bài thơ Đường hay nhất mọi thời đại
30+ bài thơ ngũ ngôn đặc sắc nhất hiện nay

2.2 Sự nghiệp sáng tác thơ ca của Lý Bạch - Một hồn thơ thong dong, tự tại

Nhà thơ Lý Bạch được xem là một trong những cây bút tài hoa trong nền văn học Trung Quốc. Khác với thơ ca của Đỗ Phủ luôn hướng về hiện thực, hồn thơ Lý Bạch thiên về chủ nghĩa lãng mạn, mang một nét gì đó rất riêng, có chút phóng túng, mơ mộng và hoài cổ, không thích động chạm đến thế thái nhân tình.

ly-bach-voh-2
Lý Bạch được xem là một trong những cây bút tài hoa của nền văn học Trung Quốc

Trên con đường sự nghiệp sáng tác văn chương của mình, Lý Bạch đã sáng tác hơn 20.000 bài thơ. Tuy nhiên, ông viết bài nào vứt bài đó nên thơ ông không còn nhiều, chỉ trên dưới 1.000 bài. Các bài thơ này được tổng hợp trong tập Hà Nhạc Anh Linh tập do Ân Phan chủ biên và Đường Thi Tam Bách Thủ do Tôn Thù biên soạn.

Ông là một hồn thơ theo chủ nghĩa lãng mạn kiệt xuất thời nhà Đường. Đề tài rất phong phú, đa dạng. Nội dung thơ xoay quanh tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nói về tình cảm trai gái, bạn hữu đến sự cảm thông, thấu hiểu cho số phận của người chinh phụ và thú vui uống rượu đặc biệt của ông.

Một số bài thơ tiêu biểu của Lý Bạch về lối thơ Cổ Phong, tứ cú và bát cú như Một mình uống rượu dưới trăng, Nguyệt Hạ Độc Chước, Vọng Lư sơn bộc bố, Sắp mời rượu, Đối tửu,... Những bài thơ của ông được đánh giá cao và nổi tiếng trong dân gian như Hiệp khách hành, Hành lộ nan, Tương Tiến Tửu, Thanh Bình Điệu,...

3. Những kiệt tác đi cùng năm tháng, làm nên tên tuổi của Lý Bạch

Có thể nói, hồn thơ Lý Bạch khác với các ngòi bút đương thời. Xuyên suốt các tác phẩm của ông thường miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên, cảnh say men rượu. Ông đã để lại cho đời một kho tàng thơ ca đồ sộ và quý báu. Nếu bạn yêu thích phong cách sáng tác phóng túng ấy, hãy thưởng thức những kiệt tác đi cùng năm tháng, làm nên tên tuổi của Lý Bạch dưới đây nhé!

3.1 Tĩnh Dạ Tứ

ly-bach-voh-3
 

Phiên âm

Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa

Đầu giường ánh trăng chiếu rọi

Ngỡ là sương trên mặt đất

Ngẩng đầu ngắm trăng sáng

Cúi đầu nhớ quê cũ.

Dịch thơ

Đầu giường ánh trăng rọi,

Mặt đất như phủ sương.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

(Tác giả: Nam Trân dịch)

3.2 Thanh bình điệu kỳ 1

Phiên âm

Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,

Xuân phong phất hạm, lộ hoa nùng.

Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến,

Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng.

Dịch nghĩa

Nhìn mây nhớ đến xiêm áo, thấy hoa nhớ đến dung nhan,

Gió xuân thổi nhẹ qua hiên, sương hoa nồng nàn.

Nếu không phải người ở mé núi Quần Ngọc,

Thì cũng là thấy ở dưới trăng chốn Dao Đài.

Dịch thơ

Thoáng bóng mây hoa nhớ bóng hồng,

Gió xuân dìu dặt giọt sương trong.

Ví chăng non ngọc không nhìn thấy,

Dưới nguyệt Dao Đài thử ngóng trông.

(Tác giả: Ngô Tất Tố dịch)

Xem thêm:
Thổn thức với 30 bài thơ về hoa dạt dào xúc cảm trước cái đẹp
Tổng hợp 35+ bài thơ về thiên nhiên bến đỗ bình yên cho tâm hồn
Những bài thơ hay về biển đong đầy nhiều cảm xúc

3.3 Quân hành 

Phiên âm

Lưu mã tân khoa bạch ngọc an,

Chiến bãi sa trường nguyệt sắc hàn.

Thành đầu thiết cổ thanh do chấn,

Hạp lý kim đao huyết vị can.

Dịch nghĩa

Ngựa hoa lưu mới cưỡi, yên cẩn ngọc trắng,

Sa trường sau cuộc chiến mặt trăng sắc lạnh lẽo.

Ở đầu thành tiếng trống sắt như còn vang động,

Đao mạ vàng trong bao còn chưa khô máu quân thù.

Dịch thơ

Ngựa mới cưỡi, yên viền ngọc trắng

Giao tranh xong trăng lạnh lùng soi

Đầu thành trống động chưa nguôi

Đao vàng trong vỏ còn tươi máu thù.

(Tác giả: Nguyễn Minh dịch)

3.4 Đối tửu

Phiên âm

Bồ đào tửu,

Kim phả la,

Ngô cơ thập ngũ tế mã đà.

Thanh đại hoạ mi hồng cẩm ngoa,

Đạo tự bất chính kiều xướng ca.

Đại mội diên trung hoài lý tuý,

Phù dung trướng để nại quân hà."

Dịch nghĩa

Rượu nho uống với chén vàng

Gái Ngô ngựa nhỏ tuổi chừng mười lăm

Mày xanh giày ủng gấm hồng

Giọng tuy chưa chuẩn thanh âm nhẹ nhàng

Tiệc đang dở bỗng say ngang

Trướng hoa bất tỉnh cô nàng cười chăng?

Dịch thơ

Bồ đào rượu với chén vàng,

Cô Ngô cỡi ngựa tuổi nàng mười lăm.

Gấm hồng giày ủng mày xanh,

Nói tuy chưa chuẩn âm thanh nhẹ nhàng.

Tiệc dang dở bỗng say tràn,

Phù dung bên trướng với chàng làm sao?

(Tác giả: Lương Trọng Nhàn)

3.5 Anh Vũ Châu

Phiên âm

Anh vũ lai quá Ngô giang thuỷ,

Giang thượng châu truyền Anh Vũ danh.

Anh vũ tây phi Lũng sơn khứ,

Phương châu chi thụ hà thanh thanh.

Yên khai lan diệp hương phong khởi,

Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh.

Thiên khách thử thời đồ cực mục,

Trường châu cô nguyệt hướng thuỳ minh?

Dịch nghĩa

Chim anh vũ xưa bay đến sông Ngô

Bãi trên sông mới truyền lại tên Anh Vũ

Chim anh vũ đã bay về Tây qua núi Lũng

Bãi thơm cây xanh biếc làm sao!

Khói toả ra từ lá cây lan làm gió thơm nổi dậy

Bờ liền với hoa đào, sóng gấm sinh

Lúc ấy người đi đày trông hoài cõi xa

Trên bãi dài mảnh trăng cô đơn còn soi sáng cho ai.

Dịch thơ

Sóng Ngô anh vũ xưa qua đó

Anh Vũ thành tên gọi đến giờ

Anh vũ về tây qua núi Lũng

Bãi thơm cây cối những xanh mờ

Mùi hương lan diệp lừng trong khói

Sóng gấm đào hoa gợn sát bờ

Thiên khách trông vời thôi cũng uổng

Dọi ai trăng bãi luống bơ vơ!

(Tác giả: Lê Nguyễn Lưu dịch)

3.6 Nguyệt hạ độc chước kỳ 1

Phiên âm

Uống rượu một mình

Hoa gian nhất hồ tửu,

Độc chước vô tương thân.

Cử bôi yêu minh nguyệt,

Đối ảnh thành tam nhân.

Nguyệt ký bất giải ẩm,

Ảnh đồ tùy ngã thân.

Tạm bạn nguyệt tương ảnh,

Hành lạc tu cập xuân.

Ngã ca nguyệt bồi hồi,

Ngã vũ ảnh linh loạn.

Tỉnh thì đồng giao hoan,

Tuý hậu các phân tán.

Vĩnh kết vô tình du,

Tương kỳ mạc Vân Hán.

Dịch nghĩa

Trong đám hoa với một bình rượu

Uống một mình không có ai làm bạn

Nâng ly mời với trăng sáng

Cùng với bóng nữa là thành ba người

Trăng đã không biết uống rượu

Bóng chỉ biết đi theo mình

Tạm làm bạn với trăng và bóng

Hưởng niềm vui cho kịp với ngày xuân

Ta hát trăng có vẻ bồi hồi không muốn đi

Ta múa bóng có vẻ quay cuồng mê loạn

Lúc tỉnh cùng nhau vui đùa

Sau khi say thì phân tán mỗi một nơi

Vĩnh viễn kết chặt mối giao du vô tình này

Cùng nhau ước hẹn lên trên Thiên hà gặp lại.

Dịch thơ

Có rượu không có bạn,

Một mình chuốc dưới hoa.

Cất chén mời trăng sáng,

Mình với bóng là ba.

Trăng đã không biết uống,

Bóng chỉ quấn theo ta.

Tạm cùng trăng với bóng,

Chơi xuân cho kịp mà!

Ta hát, trăng bồi hồi,

Ta múa, bóng rối loạn.

Lúc tỉnh cùng nhau vui,

Say rồi đều phân tán.

Gắn bó cuộc vong tình,

Hẹn nhau tít Vân Hán.

(Tác giả: Nam Trân dịch)

Xem thêm:
21 bài thơ tâm trạng chất chứa nỗi buồn và sự cô độc
Đồng cảm và sẻ chia với những bài thơ buồn
Những câu nói hay về cô đơn làm xao xuyến bao người

3.7 Thục đạo nan

Phiên âm

Nguy hồ cao tai

Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên

Tàm Tùng cập Ngư Phù

Khai quốc hà mang nhiên

Nhĩ lai tứ vạn bát thiên tuế

Bất dữ Tần tái thông nhân yên

Tây đương Thái Bạch hữu điểu đạo

Khả dĩ hoành tuyệt Nga My điên

Địa băng sơn tồi tráng sĩ tử

Nhiên hậu thiên thê thạch sạn phương câu liên

Thượng hữu lục long hồi nhật chi cao tiêu

Hạ hữu xung ba nghịch chiết chi hồi xuyên

Hoàng hạc chi phi thượng bất đắc quá

Viên nhứu dục độ sầu phan viên

Thanh Nê hà bàn bàn

Bách bộ cửu chiết oanh nham loan

Môn Sâm lịch Tỉnh ngưỡng hiếp tức

Dĩ thủ phủ ưng toạ trường thán

Vấn quân tây du hà thời hoàn

Uý đồ sàm nham bất khả phan

Đãn kiến bi điểu hào cổ mộc

Hùng phi tòng thư nhiễu lâm gian

Hữu văn tử quy đề dạ nguyệt, sầu không san.

Thục đạo chi nan nan ư thướng thanh thiên

Sử nhân thính thử điêu chu nhan

Liên phong khứ thiên bất doanh xích

Khô tùng đảo quái ỷ tuyệt bích

Phi suyền bộc lưu tranh huyên hôi

Phanh nhai chuyển thạch vạn hác lôi

Kỳ hiểm dã nhược thử

Ta nhĩ viễn đạo chi nhân

Hồ vi hồ lai tai

Kiếm Các tranh vanh nhi thôi ngôi

Nhất phu đang quan

Vạn phu mạc khai

Sở thủ hoặc phi thân

Hoá vi lang dữ sài

Triều tị mãnh hổ

Tịch tỵ trường xà

Ma nha doãn huyết

Sát nhân như ma

Cẩm thành tuy vân lạc

Bất như tảo hoàn gia

Thục đạo chi nan nan ư hướng thanh thiên

Trắc thân tây vọng trường tư ta

Dịch nghĩa

Ôi,

Nguy hiểm thay, cao thay!

Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh.

Các vua Tàm Tùng và Ngư Phù

Ở chốn xa xôi biết bao!

Từ đó đến nay, đã bốn vạn tám nghìn năm,

Mới thông suốt với chỗ có khói người ở ải Tần.

Phía tây là núi Thái Bạch có đường chim bay,

Có thể vắt ngang đến tận đỉnh núi Nga Mi.

Đất lở, núi sập, tráng sĩ chết,

Rồi mới có thang trời, đường đá móc nối liền nhau.

Phía trên có ngọn cao sáu rồng lượn quanh mặt trời.

Phía dưới có dòng sông uốn khúc sóng xô rẽ ngược.

Hạc vàng còn không bay qua được;

Vượn khỉ muốn vượt qua, cũng buồn khi vin tới, leo trèo.

Rặng núi Thanh Nê khuất khúc biết bao!

Cứ trăm bước lại có chín khúc quặt vòng quanh núi non hiểm trở.

Đứng trên cao, tưởng chứng như mó được sao Sâm, lướt qua sao Tỉnh ngẩng trông nín thở,

Đưa tay vỗ bụng, ngồi than thở hoài.

Hỏi bạn đi chơi phía Tây, bao giờ trở lại?

Đường đi cheo leo, nguy hiểm, không với tới được.

Chỉ nghe thấy tiếng chim kêu đau thương trong hàng cây cổ thụ,

Con trống bay theo con mái, lượn quanh trong rừng.

Lại nghe thấy tiếng chim tứ quý kêu dưới bóng trăng đêm, buồn trong núi vắng.

Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh.

Khiến người ta nghe nói đến cảnh đó, phải héo hắt vẻ mặt trẻ trung.

Các ngọn núi liền nhau, cách trời không đầy một thước.

Cây thông khô vắt vẻo tựa vào vách đá cao ngất.

Nước bay, thác chảy đua tiếng ào ào.

Đập vào sườn núi, rung động đá, muôn khe suối vang ầm như sấm.

Đường Thục hiểm trở là như thế!

Thương thay cho các bạn, những người đi đường xa,

Tại sao đến nơi đây?

Miền Kiếm Các cheo leo, chót vót!

Chỉ một người canh giữ ải,

Đến muôn người cũng không mở nổi.

Những kẻ giữ ải có thể không phải là người thân,

Lại biến đổi thành ra loài sài lang.

Còn những người đi đường thì ban sáng phải lánh cọp dữ,

Buổi tối phải tránh rắn dài;

Bọn chúng mài nanh, hút máu,

Giết hại người nhiều như cây gai.

Thành Cẩm Quan tuy rằng có vui,

Nhưng sao bằng sớm trở về nhà.

Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh.

Nghiêng mình trông sang phía tây, than thở hoài.

Dịch thơ

Ôi, chao ôi!

Nguy hề, cao thay!

Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh.

Tàm Tùng và Ngư Phù,

Mở nước bao xa xôi!

Đến nay bốn vạn tám ngàn năm,

Mới cùng ải Tần liền khói người.

Phía tây núi Thái Bạch có đường chim,

Vắt ngang đến tận đỉnh Nga Mi,

Đất long, núi lở, tráng sĩ chết,

Rồi sau thang trời, lối đá mới nối liền.

Trên đỉnh có sáu rồng, lượn quanh vầng nhật;

Dưới có dòng sâu rẽ ngược, sóng cả đua chen.

Hạc vàng bay qua còn chẳng được;

Vượn khỉ toan vượt, buồn với vin.

Rặng Thanh Nê quanh co!

Trăm bước, chín vòng núi nhấp nhô.

Ngẩng trông Sâm Tỉnh, không dám thở,

Lấy tay vỗ bụng ngồi thở dài.

Hỏi bạn sang tây, bao giờ trở lại ?

Đường hiểm núi cao, khó lắm thay;

Chỉ thấy chim buồn gào cổ thụ,

Trống bay theo mái lượn rừng cây.

Lại nghe tiếng cuốc kêu trăng tối,

Buồn tênh, núi vắng người!

Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh;

Khiến người nghe nói héo mặt son.

Núi liền cách trời chẳng đầy thước;

Thông khô vắt vẻo vách cao ngất.

Thác đổ dồn mau tiếng rộn ràng,

Vỗ bờ, tung đá, muôn khe vang.

Hiểm nghèo là như vậy,

Đường xa, thương cho ai,

Vì sao lại đến đây ?

Kiếm Các cheo leo cao ngất mây.

Một người giữ cửa quan,

Muôn người khôn mở ải.

Chẳng phải là người thân,

Biến thành ra sài lang.

Sớm lánh hổ dữ,

Tối tránh rắn dài;

Mài nanh, hút máu,

Giết người như gai.

Cẩm thành tuy vui thú,

Đâu bằng sớm về nhà.

Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh;

Nghiêng trông sang tây, mãi thở than.

(Tác giả: Trần Trọng San dịch)

3.8 Nguyệt dạ giang hành ký Thôi viên ngoại Tông Chi

Phiên âm

Phiêu phiêu giang phong khởi

Tiêu táp hải thụ thu

Đăng lô mỹ thanh dạ

Quải tịch di khinh chu

Nguyệt tùy bích sơn chuyển

Thủy hợp thanh thiên lưu

Diểu như tinh hà thượng

Đán giác vân lâm u

Quy lộ phương hạo hạo

Tồ xuyên khứ du du

Đồ bi huệ thảo yết

Phúc thính lăng ca sầu

Ngạn khúc mê hậu phố

Sa minh hám tiền châu

Hoài quân bất khả kiến

Lưu viễn tăng ly ưu.

Dịch thơ

Gió sông nhè nhẹ thổi

Cây lá xác xơ vàng

Sào nhổ, đêm vằng vặc

Buồm căng, sóng nhẹ nhàng

Núi trăng lùi chậm chậm

Trời nước trôi mênh mang

Sông Hán lờ mờ chảy

Sương rừng ảm đạm loang

Sau lưng đường dằng dặc

Trước mặt nước thênh thang

Cỏ thơm sầu áo não

Ai hát buồn miên man:

“Sông uốn quê lùi khuất

Cồn dâng cát ánh vàng”

Nhớ anh mà cách biệt

Từng dặm sầu tràng giang.

(Tác giả: Đất Văn Lang dịch)

3.9 Đáp Hồ Châu Ca Diệp tư mã vấn Bạch thị Hà nhân

ly-bach-voh-4
 

Phiên âm

Thanh Liên cư sĩ Trích Tiên nhân,

Tửu tứ tàng danh tam thập xuân.

Hồ Châu tư mã hà tu vấn?

Kim Túc Như Lai thị hậu thân.

Dịch nghĩa

Cư sĩ làng Thanh Liên người vốn là tiên bị đày

Uống rượu thoải mái mai danh đã ba mươi năm

Tư mã Hồ Châu hỏi tới làm gì ?

Kiếp sau sẽ là Kim Túc Như Lai đấy.

Dịch thơ

Thanh Liên cư sĩ vốn người tiên,

Hay rượu oai danh mấy chục niên.

Tư mã Hồ Châu đà hỏi tới:

Kim Túc Như Lai kiếp tới liền!

(Tác giả: Điệp Luyến Hoa dịch)

3.10 Bả tửu vấn nguyệt

Phiên âm

Thanh thiên hữu nguyệt lai kỷ thì,

Ngã kim đình bôi nhất vấn chi!

Nhân phan minh nguyệt bất khả đắc,

Nguyệt hành khước dữ nhân tương tuỳ.

Kiểu như phi kính lâm đan khuyết,

Lục yên diệt tận thanh huy phát

Đãn kiến tiêu tòng hải thượng lai,

Ninh tri hiểu hướng vân gian một.

Bạch thố đảo dược thu phục xuân,

Thường nga cô thê dữ thuỳ lân.

Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt,

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.

Cổ nhân kim nhân nhược lưu thuỷ,

Cộng khan minh nguyệt giai như thử.

Duy nguyện đương ca đối tửu thì,

Nguyệt quang thường chiếu kim tôn lý.

Dịch nghĩa

Trời xanh có vầng trăng đã bao lâu rồi?

Nay ta ngừng chén hỏi trăng đây!

Người thường không thể vin với được vầng trăng sáng,

Trăng đi đâu thì vẫn cứ theo người.

Ánh sáng trắng như gương vút tận cửa son,

Khói biếc tan đi hết, để lộ vẻ trong trẻo lan tỏa ra.

Chỉ thấy ban đêm trăng từ biển tới,

Nào hay sớm lại tan biến giữa trời mây.

Thỏ trắng giã thuốc mãi thu rồi lại xuân,

Thường Nga lẻ loi cùng ai bầu bạn?

Người ngày nay không thấy bóng trăng xưa.

Trăng nay thì đã từng soi người xưa.

Người xưa nay tựa như dòng nước chảy,

Cùng ngắm vầng trăng sáng như vậy đó.

Chỉ mong trong lúc ca say trước cuộc rượu,

Ánh trăng cứ mãi sáng soi vào chén vàng.

Dịch thơ

Trời xanh có trăng từ thuở nào?

Ngừng chén đêm này hỏi một câu.

Người với lên trăng, vin chẳng được,

Khi đi, trăng lại mãi theo nhau.

Trăng như gương lượn bên đan khuyết,

Xoá sạch mây xanh, soi vằng vặc.

Chỉ thấy đêm từ mặt biển lên,

Hay đâu đến sáng vào mây khuất.

Thỏ ngọc giã thuốc thu lại xuân,

Thường Nga quạnh hưu ai người gần?

Người nay chẳng thấy trăng thời trước,

Người trước, trăng nay soi đã từng.

Người trước, người nay như nước chảy,

Cùng xem trăng sáng đều thế đấy.

Chỉ ước vui ca thưởng chén quỳnh,

Be vàng, trăng sáng vào rọi mãi.

(Tác giả: Nam Trân dịch)

3.11 Cửu nguyệt thập nhật tức sự

Phiên âm

Tạc nhật đăng cao bãi,

Kim triêu cánh cử thương.

Cúc hoa hà thái khổ,

Tao thử lưỡng trùng dương.

Dịch nghĩa

Hôm qua lên cao uống rượu cúc xong rồi,

Sáng nay còn nâng chén uống nữa.

Sao hoa cúc phải chịu quá khổ thế này,

Như vậy là bị tới hai lần lễ trùng dương.

Dịch thơ

Hôm qua đã lên cao uống chán

Sáng nay còn nâng chén uống thêm

Cúc hoa sao quá ưu phiền

Trùng dương phải chịu liên miên hai lần.

(Tác giả: Nguyễn Minh dịch)

Xem thêm:
Chùm 47 bài thơ về nỗi nhớ người thương da diết chan chứa
Cảm nhận tình cảm gia đình thiêng liêng qua 13 bài thơ sâu sắc
Những bài thơ tình yêu đơn phương đau đớn, nghẹn ngào

3.12 Bắc phong hành

Phiên âm

Chúc long thê hàn môn,

Quang diệu do đán khai.

Nhật nguyệt chiếu chi hà bất cập thử,

Duy hữu bắc phong hào nộ thiên thượng lai.

Yên sơn tuyết hoa đại như tịch,

Phiến phiến xuy lạc Hiên Viên đài.

U Châu tư phụ thập nhị nguyệt,

Đình ca bãi tiếu song nga tồi.

Ỷ môn vọng hành nhân,

Niệm quân Trường Thành khổ hàn lương khả ai.

Biệt thời đề kiếm cứu biên khứ,

Di thử hổ văn kim bính cách xoa.

Trung hữu nhất song bạch vũ tiễn,

Tri thù kết võng sinh trần ai.

Tiễn không tại,

Nhân kim chiến tử bất phục hồi.

Bất nhẫn kiến thử vật,

Phần chi dĩ thành khôi.

Hoàng Hà phủng thổ thượng khả tái,

Bắc phong vũ tuyết hận nan tài.

Dịch nghĩa

Đuốc rồng mà đến nhà nghèo

Ánh nắng buổi mai cũng chiếu sáng

Trời trăng soi rọi sao đến chốn này được

Chỉ có gió bấc từ trời cao giận dữ gầm thét

Núi Yên Chi hoa tuyết lớn như những chiếc chiếu (cuốn hết mọi thứ)

Từng mãng từng mãng thổi sập đài Hiên Viên

Tháng 12 người thiếu phụ đất U Châu tư lự

Không còn ca hát cười đùa, đôi mày ngài tiều tuỵ

Tựa cửa trông người đi

Nhớ chàng ở Trường Thành khổ lạnh thật đáng thương

Hồi đó chia tay chàng mang gươm đi cứu nguy biên ải

Để lại túi đựng tên (chĩa ba) vằn da hổ

Trong đó thường có một cặp tên đuôi buộc lông chim trắng

Bây giờ nhện giăng đầy bụi bặm

Cặp tên không còn nữa

Và chinh phu đã chết vì chiến đấu, không trở về

Nàng không cam lòng nhìn những vật ấy

Nên muốn đốt cháy thành tro

Sông Hoàng Hà đất đào đem đi chỗ khác có thể lấp được

Còn gió bấc tuyết mưa đầy hờn oán kia làm sao dập đứt nổi

Dịch thơ

Rồng đuốc luôn lượn trên Bắc cực

Ban mai rồi vẫn rực sáng soi

Trời, trăng cũng khó mà noi

Chỉ còn gió bấc thổi thôi, thét gào

Núi xứ Yên tuyết to tựa chiếu

Đài Hiên Viên triệu triệu cánh rơi

U châu vợ nhớ chồng hoài

Nên thôi ca hát, nhạt phai má hồng

Nàng tựa cửa hết trông lại ngóng

Nơi Trường Thành hình bóng thân thương

Lúc đi mang kiếm lên đường

Bao tên để lại màu vàng còn đây

Trong bao có tên đuôi chim trắng

Nay nhện giăng bụi đóng đã mờ

Bao tên cứ mãi nằm trơ

Nhưng người chết chẳng bao giờ về thăm

Nhìn vật đó khôn ngăn cảm xúc

Nàng đem ra thiêu đốt thành tro

Sông Hoàng có thể lấp bờ

Nhưng sầu gió bấc khó mà nguôi ngoai.

(Tác giả: Nguyễn Minh dịch)

3.13 Bá Lăng hành tống biệt

Phiên âm

Bá Lăng hành tống biệt

Tống quân Bá Lăng đình,

Bá thuỷ lưu hạo hạo.

Thượng hữu vô hoa chi cổ thụ,

Hạ hữu thương tâm chi xuân thảo.

Ngã hướng Tần nhân vấn lộ kỳ,

Vân thị Vương Xán nam đăng chi cổ đạo.

Cổ đạo liên miên tẩu Tây kinh,

Tử khuyết lạc nhật phù vân sinh.

Chính đương kim tịch đoạn trường xứ,

"Ly ca" sầu tuyệt bất nhẫn thính.

Dịch nghĩa

Tiễn ông nơi đình Bá Lăng,

Sông Bá chảy mênh mông.

Trên cây cổ thụ không thấy hoa,

Dưới đất cỏ xuân như lộ vẻ thương tâm.

Tôi hỏi đường người đất Tần tại ngã rẽ chia tay,

Đáp rằng chính là con đường xưa Vương Xán đi về nam.

Đường cũ xa vời vợi dẫn tới Tây kinh,

Mây chiều đang nổi trên hoàng cung.

Đúng vào lúc chiều tà chia tay buồn đứt ruột,

Ai hát bài “Ly Ca” không còn lòng dạ đâu mà nghe.

Dịch thơ

Đình Bá Lăng cùng ông tiễn biệt

Sông Bá trôi nước xiết mênh mông

Trên cây cổ thụ không bông

Cỏ xuân dưới đất như lồng xót thương

Người đất Tần, rẽ đường nào vậy?

Đáp đường xưa Vương Xán vào nam

Xa xôi diệu vợi vô vàn!

Mây chiều đang nổi trên hoàng cung đây

Chia tay đứt ruột lúc này

"Ly ca" ai hát càng day dứt buồn.

(Tác giả: Nguyễn Minh dịch)

3.14 Cổ ý

Phiên âm

Quân vi nữ la thảo,

Thiếp tác thố ti hoa.

Khinh điều bất tự hành,

Vị trục xuân phong tà.

Bách trượng thác viễn tùng,

Triền miên thành nhất gia.

Thuỳ ngôn hội diện dị,

Các tại thanh sơn nha (nhai).

Nữ la phát hinh hương,

Thố ty đoạn nhân trường.

Chi chi tương củ kết,

Diệp diệp cánh phiêu dương.

Sinh tử bất tri căn,

Nhân thuỳ cộng phân phương.

Trung sào song phỉ thuý,

Thượng túc tử uyên ương.

Nhược thức nhị thảo tâm,

Hải triều diệc khả lường.

Dịch nghĩa

Chàng là loài cỏ nữ la

Thiếp là loài hoa thố ti

Cành nhỏ nhắn không thể tự đi

Nghiêng ngả theo gió xuân

Gửi thân nơi cây tùng trăm trượng xa xôi

Lâu ngày thành chung một nhà

Ai bảo gặp nhau đã dễ

Mỗi bên ở một bên sườn núi xanh

Cỏ nữ la toả mùi thơm ngát

Hoa thố ti làm người ta đứt ruột

Cành cành kết lại với nhau chằng chịt

Lá lá phất phơ theo gió

Sinh con chẳng biết đến rễ

Nhờ ai mà cùng thơm

Bên trong là tổ phỉ thuý

Bên trên đôi uyên ương đậu

Ví như biết được tấm lòng của hai loài cỏ ấy

Thì có thể đo được nước triều ở biển.

Dịch thơ

Chàng là cỏ nữ la

Còn thiếp, thố ti hoa

Cành mềm không tự chuyển

Nghiêng ngả gió xuân qua

Gửi nhánh thông trăm thước

Vấn vương hoá một nhà

Ai rằng thường gặp gỡ

Mỗi kẻ một sườn xa!

Nữ la cứ toả hương

Thố ti gợi đoạn trường

Cành cành chằng chịt kết

Lá lá phất phơ giương

Sinh con không biết rễ

Ai để ngát mùi hương

Trong nương đôi phỉ thuý

Trên đậu cặp uyên ương

Ví biết lòng hai cỏ

Triều kia cũng dễ lường.

(Tác giả: Lê Nguyễn Lưu dịch)

Lý Bạch - Một thi nhân nổi tiếng bậc nhất thời nhà Đường với những đóng góp to lớn cho nền văn học Trung Hoa nói riêng và toàn bộ khu vực Đông Á đồng văn nói chung. Suốt cuộc đời của mình, ông luôn mong muốn cứu đời giúp dân, song chưa được toại nguyện. Dẫu thế, ông đã để lại cho nhân loại cả ngàn bài thơ bất hủ, giúp chúng ta đồng cảm với cái đẹp, thấu hiểu nỗi đau khổ, cô đơn của người dân xưa trước vũ trụ bao la, rộng lớn.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

 

Bình luận