Chờ...

Giải thích ý nghĩa tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” khuyên điều gì?

(VOH) - ‘Người khôn nói ít nghe nhiều’ là một câu nói rất hay bàn về kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống. Hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của câu nói trên qua bài viết dưới đây nhé!

1. “Người khôn nói ít nghe nhiều” là gì?

Người khôn: Ý chỉ những người thông minh, lanh lợi, khôn khéo trong cuộc sống. Đa phần kiểu người này thường được mọi người yêu mến, dễ thành công.

Nói ít nghe nhiều: Nói và nghe là hai hoạt động thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. “Nói ít” ý chỉ những người không thường xuyên giao tiếp, nói chuyện. Họ chỉ nói khi cần thiết. “Nghe nhiều” ý chỉ những người chịu khó lắng nghe, biết lắng nghe hay chủ động, tập trung nghe người khác nói chuyện.

Ý nghĩa của câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” 1
Người khôn khéo thường là người nghe nhiều hơn nói

Xem thêm: Người xưa nói ‘Chim có tổ người có tông’ là ngụ ý dạy con cháu điều gì?

Như vậy, câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” mang ý nghĩa những người thông minh, khôn khéo trong cuộc sống thường là những người nghe nhiều hơn nói. Với một dị bản khác “Người khôn nói ít làm nhiều/ Không như người dại nói nhiều nhàm tai” (ý nói người khôn ngoan lấy hành động thực tế để chứng minh thay cho lời nói còn kẻ hay ba hoa, khoác lác chỉ thích nói chứ không chịu làm) nội dung này còn được thể hiện rõ ràng hơn nữa.

Khi bàn về “người khôn” về câu chuyện “nói nhiều”, “nói ít” chúng ta cũng có thể bắt gặp các câu nói như “Nói ít nghe nhiều”, “Người khôn nói ít hiểu nhiều” hay “Người khôn nói ít làm nhiều”. Dù có đôi chút khác biệt về cách diễn đạt nhưng nhìn chung chúng đều nhấn mạnh vào việc không nên nói quá nhiều, thay vào đó cách nói, giá trị lời nói, cách chứng minh lời nói… mới là thứ quan trọng.

Quay trở lại với câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều”, trong mọi cuộc giao tiếp chúng ta nên học cách lắng nghe, khiêm tốn. Nghe để hiểu người khác muốn điều gì, nghe để nghiền ngẫm và suy nghĩ. Và hơn hết bạn lắng nghe người khác thì người khác mới lắng nghe bạn. Nói nhiều đôi khi chưa hẳn đã tốt, chẳng vậy mà cha ông ta có câu “Nói hay hơn hay nói”. Người biết suy nghĩ hay “người khôn” là người ý thức được điều này.

Xem thêm: 40+ câu ca dao tục ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp

2. Bài học từ câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều”

Từ trước đến nay ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều/Không như người dại nói nhiều nhàm tai”. Có thể nói đây chính là kinh nghiệm, là bài học quý giá mà thế hệ trước muốn gửi cho thế hệ sau.

2.1 Đánh giá con người thông qua cách trò chuyện, giao tiếp

Đây là một trong những ý nghĩa lớn của câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều”. Chúng ta có thể nhận biết được một phần tính cách cũng như sự tài trí của một người thông qua cách họ giao lưu, trò chuyện. Một người biết lắng nghe, biết giao tiếp là một người hòa nhã dễ chịu, biết tôn trọng người khác. Và trong hầu hết các trường hợp, kiểu ngày này thường rất thông minh, khôn khéo.

Ý nghĩa của câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” 2
Một người biết lắng nghe, biết giao tiếp là một người hòa nhã dễ chịu

2.2 Bài học về cách giao tiếp

Bên cạnh thể hiện sự khôn khéo của một người, câu nói “Người khôn nói ít nghe nhiều” còn giúp ta nhận ra một bài học trong giao tiếp hàng ngày. Đó là không nên nói nhiều mà hãy chịu khó lắng nghe. Giống như khi bước vào một môi trường mới (công ty, văn phòng, hội nhóm…) lắng nghe chính là chìa khóa thành công.

Nghe để học hỏi, nghe để để thu thập thông tin, nghe để nắm bắt tình hình. Việc này không chỉ giúp chúng ta nâng cao hiểu biết, tri thức mà còn rèn luyện tính kiên nhẫn, hiểu hơn về mọi người hay tránh việc nói sai, nói nhiều, nói dai thành ra nói dại. Đây được xem là biểu hiện của người có văn hóa, có kinh nghiệm, khiêm tốn, biết tôn trọng người khác, biết thể hiện bản thân đúng lúc, đúng chỗ.

Xem thêm: Học cách 'lắng nghe' vì bạn là người lịch sự, tử tế, biết tôn trọng người khác

Ý nghĩa của câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” 3
Người biết cách lắng nghe là người khiêm tốn, tôn trọng người khác

2.3 Xây dựng các mối quan hệ

Có một sự thật là chúng ta đều muốn nói chuyện với một người biết lắng nghe. Cuộc sống bộn bề, nhịp sống nhanh  khiến con người hiếm có thời gian để giãi bày nỗi lòng. Đôi khi, những người bạn tìm đến ta không phải nghe một lời khuyên hay một lời nhận xét. Thứ họ cần là ai đó nghe và đồng cảm với tâm sự của mình.

Do đó, “nói ít nghe nhiều” ở đây còn có một tác dụng cực kỳ to lớn hay có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày cụ thể là việc xây dựng các mối quan hệ. Khi bạn được mọi người yêu quý, có những mối quan hệ tốt đẹp thì cả công việc lẫn cuộc sống đều được hỗ trợ. Người khôn ngoan chắc chắn hiểu được điều này.

3. Những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao bàn về chuyện lời ăn, tiếng nói

Trong cuộc sống có rất nhiều những tục ngữ, thành ngữ, ca dao bàn về chuyện giao tiếp, về lời ăn, tiếng nói của con người trong cuộc sống. Dưới đây là một số ví dụ chứa những bài học tương đồng với câu tục ngữ  “Người khôn nói ít nghe nhiều” mà bạn có thể tham khảo.

Ý nghĩa của câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” 4
 

1.Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

2.Lời nói, gói vàng.

3.Lời chào cao hơn mâm cỗ.

4.Ăn nói ngay thật, mọi tật mọi lành.

5.Ăn có nhai nói có nghĩ.

6.Lưỡi sắc hơn gươm.

7.Học ăn học nói học gói học mở.

8.Một điều nhịn bằng chín điều lành.

9.Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Ý nghĩa của câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” 5
 

10.Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên​.

11.Đất tốt trồng cây rườm rà

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng.

12.  Nói lời phải giữ lấy lời

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

13. Người khôn ăn nói nửa chừng

Để cho người dại nửa mừng nửa lo.

14. Thổi quyên, phải biết chiều hơi

Khuyên người phải biết lựa lời khôn ngoan.

15. Nói người chẳng nghĩ đến ta

Thử sờ lên gáy xem xa hay gần.

16.Chim khôn tiếc lông

Người khôn tiếc lời.

17. Người thanh tiếng nói cũng thanh

Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu​.

18. Rượu lạt uống lắm cũng say

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm​.

19. Kim vàng ai nỡ uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

Xem thêm: Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ 'Có thực mới vực được đạo' là gì?

4. Những câu nói hay về giao tiếp trong cuộc sống

Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng cần được trau dồi hàng ngày. Dưới đây là một số những câu nói hay về vấn đề này.

Ý nghĩa của câu tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” 6
 

1.'Nói với ai đó về chính họ và họ sẽ lắng nghe bạn hàng giờ liền'-  Dale Carnegie

2.'Ngôn từ có thể cho thấy sự sắc sảo của một người, nhưng hành động mới thể hiện ý nghĩa của của anh ta' - Benjamin Franklin

3.'Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn là im lặng'. - Stephen Gosson

4.'Những người không hiểu được sự im lặng của người khác, thì cũng chẳng hiểu được những gì họ nói'. - Elbert Hubbard

5.'Giao tiếp là một kỹ năng, bạn có thể học. Nó cũng giống như đi xe đạp hay tập đánh máy. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng của mọi phần trong cuộc sống của mình.' - Brian Tracy

6.Kỹ năng giao tiếp là một công cụ quan trọng trong cuộc hành trình theo đuổi mục tiêu, dù là với gia đình, đồng nghiệp hay khách hàng của bạn. - Les Brown

7.'Để giao tiếp hiệu quả, ta phải nhận ra tất cả chúng ta đều có cách nhìn thế giới khác biệt, và sử dụng sự hiểu biết này như kim chỉ nam trong giao tiếp với người khác'. - Tony Robbins

8.'Vấn đề lớn nhất trong giao tiếp là sự ảo tưởng rằng nó đã diễn ra.'- George Bernard Shaw

9.'Điều chủ chốt của giao tiếp trong gia đình là lắng nghe, thực sự lắng nghe' - Zig Ziglar

Có thể nói, trong giao tiếp, những người nói ít và biết lắng nghe nhiều là những người khôn ngoan. Họ là người luôn chiếm được thiện cảm của người khác. Mong rằng qua bài viết trên, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa câu nói “Người khôn nói ít nghe nhiều”.

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận