Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Ôn cố tri tân’ nói đến triết lý nào?

(VOH) - ‘Ôn cố tri tân’ câu thành ngữ Hán Việt đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay. Dù vậy, vẫn chứa đựng triết lý về giáo dục và cuộc sống khiến bạn phải suy ngẫm!

Bạn có phải là tuýp người hay nhìn lại và suy ngẫm về quá khứ? Bạn không chối bỏ những sự việc tiêu cực mà thay vào đó là chấp nhận khó khăn và ôm lấy vết thương. Từ đó, nhìn nhận chỗ đúng sai của vấn đề để rút ra bài học, không dẫm lên sai lầm. Hay bạn là người luôn học và rèn luyện những kiến thức cũ, để làm nền tảng tiếp thu thêm tri thức mới và phát triển nội dung ấy tốt hơn. 

Nếu có những biểu hiện trên, bạn đã áp dụng câu thành ngữ “Ôn cố tri tân” vào trong cuộc sống rồi đấy. Nhưng, hôm nay chúng ta cùng nhau ôn lại để hiểu và biết rõ hơn về câu thành ngữ quý báu này bạn nhé! 

1. “Ôn cố tri tân” là gì? 

“Ôn cố tri tân” là thành ngữ được phiên âm Hán Việt từ câu “Ôn cố nhi tri tân , khả dĩ vi sư hĩ” trong cuốn sách Luận ngữ, chương Vi Chính của Khổng Tử. Vậy câu thành ngữ này có ý nghĩa gì mà hàng nghìn năm vẫn còn giá trị! 

Trước tiên, chúng ta cần làm rõ cụm từ “ôn cố” là ôn lại, nhắc lại điều cũ hay những sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Đến với “tri tân” nghĩa là suy ngẫm về sự việc hiện tại, hiểu biết hơn về điều mới hay biết được chuyện sẽ đến trong tương lai

on-co-tri-tan-voh-1

Ý nghĩa của thành ngữ “Ôn cố tri tân” chính là ôn lại chuyện cũ hiểu rõ tận tường nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề và mối liên quan giữa những sự việc với nhau. Sau đó, chiêm nghiệm để có nhận thức tốt hơn và tiên đoán được chuyện mới sẽ xảy ra. 

Lấy ví dụ về việc làm luận án tốt nghiệp, chắc rằng bạn sẽ phải tìm hiểu và nghiên cứu thông tin liên quan đến đề tài. Thông qua việc đọc tài liệu cũ giúp bạn không bị lạc đề, thông tin xác thực hơn cũng như nâng cao việc nắm bắt thông tin của bản thân. Sau đó, bạn mới có thể đặt bút cho những dòng chữ đầu tiên trong bài luận của mình. 

2. Khổng Tử cùng câu chuyện về “Ôn cố tri tân” 

Khổng Tử là nhà hiền triết Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và triết lý sống của người Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. Ông dạy "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín", đạo làm người, cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau và sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân.

Câu chuyện về “Ôn cố tri tân’ tương tự như việc Khổng Tử bái Tương Tử làm sư phụ để theo “luyện ngón” đàn cầm. Sau khi nghe Tương Tử đánh mẫu một khúc nhạc. Ông đã ở trong phòng chăm chỉ luyện tập liên tục suốt ba ngày chỉ với duy nhất một khúc nhạc mà Tương Tử đã hướng dẫn trước đó. 

Dù cho sư phụ bảo rằng Khổng Tử đã thuộc lời và có thể học thêm khúc nhạc mới. Nhưng ông lại từ chối và mong muốn được luyện tập thêm. Ba ngày tiếp theo, Tương Tử nghe thấy tiếng đàn của học trò đã điêu luyện, âm điệu cũng trở nên thi vị hơn rất nhiều và đề nghị Khổng Tử học thêm khúc nhạc mới. 

Một lần nữa, người học trò này lại từ chối việc tiếp thu bài mới vì muốn bản thân lĩnh hội trọn vẹn hồn của bài hát và xin được luyện đàn thêm ba ngày nữa.

on-co-tri-tan-voh-2
Khổng Tử chơi đàn bên Tương Tử 

Đến ngày thứ 10 ngón đàn của Khổng Tử đã thực sự thả hồn vào bài hát. Hơn thế nữa, ông còn cảm nhận ra tác giả sáng tác ra khúc nhạc ấy chính là Văn Vương và khiến cho Tương Tử phải ngạc nhiên, nể phục. 

“Ôn cố tri tân” của Khổng Tử mang đến bài học và triết lý về cuộc sống vô cùng quý báu. Đặc biệt là đối với nền giáo dục, đòi hỏi mỗi cá nhân không ngừng ôn tập, củng cố lại những kiến thức đã học được, qua đó có thể nắm bắt và bổ sung thêm kiến thức mới. 

Như ta thấy, bất cứ việc gì cũng đòi hỏi chúng ta phải dựa trên “nền móng” kiến thức sẵn có rồi mới xây dựng và phát triển thêm kiến thức mới, nâng cao trình độ bản thân. Bởi vậy, “Ôn cố tri tân” được xem là phương pháp học tập hữu ích trong giáo dục cũng như mọi khía cạnh khác trong cuộc sống.  

Xem thêm: 
Những câu nói hay của Khổng Tử, lời dạy của Đức Thánh Khổng
Nhân nghĩa là gì? Tư tưởng nhân nghĩa trong Nho giáo
Những câu nói hay về quân tử và tiểu nhân “khắc cốt ghi tâm”

3. Những câu nói để đời của Khổng Tử về giáo dục

Khổng Tử mệnh danh là” Vạn thế sư biểu” nên lời dạy của ông chưa bao giờ là lỗi thời. Giống như thành ngữ “Ôn cố tri tân” cũng vậy, dù theo thời gian cuộc sống và con người đã nhiều đổi thay. Thế nhưng, những câu nói của ông vẫn mang đến bài học về con người, về cuộc sống và làm thay đổi nhận thức của bao thế hệ con người. 

Cùng điểm lại những câu nói hay của Khổng Tử về giáo dục ngay dưới đây nhé! 

on-co-tri-tan-voh-3
  1. Làm việc bất chính, đọc sách vô ích.
  2. Học không biết chán, dạy người không biết mỏi.
  3. Học đi với hành, không chỉ nói cho qua chuyện!
  4. Buổi sáng nghe được đạo lí, buổi chiều dẫu chết cũng được rồi.
  5. Học mà không chịu suy nghĩ thì không minh mẫn được, suy nghĩ mà không chịu học thì luôn luôn nghi ngờ.
  6. Ai cũng có quyền được học hành được giáo dục, không phân biệt loại người.
  7. Người không có nhận thức sâu xa sẽ có ngày sẽ gặp phiền muộn, âu lo.
  8. Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi.
  9. Làm việc đừng mong dễ thành công. Vì nếu dễ thành công thì bản thân thường kiêu ngạo.
  10. Học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho rõ, làm cho hết sức.
  11. Học bao nhiêu vẫn thiếu. Hiểu bao nhiêu chẳng thừa. Nhân đức chớ bán mua. Được thua không nản chí.
  12. Không nhìn điều sai trái, không nghe điều xằng bậy, không nói điều sai, không làm điều càn quấy. 
  13. Người khôn ngoan hỏi nguyên do lầm lỗi ở bản thân, kẻ dại khờ hỏi nguyên do ở người khác.
  14. Thông minh và hiếu học thì không thẹn hỏi kẻ dưới mình, Vậy mới thật gọi là có trình độ.

Hy vọng qua bài viết bạn đã có thể hiểu hơn về thành ngữ “Ôn cố tri tân” cũng như biết thêm những câu nói hay của Khổng Tử về giáo dục. Từ đó, giúp bản thân phát triển tích cực và hoàn hảo hơn. 

Sưu tầm 
Nguồn ảnh: Internet 

Bình luận