Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Râu ông nọ cắm cằm bà kia" nói đến vấn đề gì?

(VOH) – “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là câu thành ngữ mang ý nghĩa khái quát về sự không phù hợp của những vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Vậy ý nghĩa câu thành ngữ này muốn nói đến là gì?

Trong cuộc sống, có lẽ không ít lần chúng ta bắt gặp những sự kết hợp sai lệch, khập khiễng tới ngưỡng không chấp nhận được giữa các sự vật, sự việc với nhau. Thành ngữ “râu ông nọ cắm cằm bà kia” là một trong những câu thành ngữ phản ánh rất rõ thực trạng này. Cùng tìm hiểu sâu hơn về nghĩa ý và bài học cuộc sống của câu thành ngữ đặc biệt này qua bài viết dưới đây.

Ý nghĩa thành ngữ Râu ông nọ cắm cằm bà kia là gì? 1
“Râu ông nọ cắm cằm bà kia” theo nghĩa tổng quát chỉ sự không liên kết sữa các sự vật, hiện tượng với nhau

1. Thành ngữ “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” nghĩa là gì?

Râu là một phần trên gương mặt của người đàn ông và hầu như không có ở phụ nữ. Vậy tại sao người xưa lại nói “râu ông nọ cắm cằm bà kia”? Đây chính là cách đối chiếu phi thực tế giữa hai đối tượng với nhau nhằm ám chỉ đến sự không phù hợp, sai lệch mà không thể chấp nhận được trong việc nhầm lẫn hoặc chắp ghép giữa các sự vật, sự việc với nhau.

“Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là một biến thể của câu “râu ông nọ chăn tằm bà kia”. Mặc dù là biến thể nhưng thành ngữ  “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” lại mang ý nghĩa khác với câu gốc hoàn toàn. Ý nghĩa của câu “râu ông nọ chăn tằm bà kia” nhằm phê phán người lợi dụng hoặc chiếm dụng những thứ thuộc về người khác để phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình.

Ý nghĩa thành ngữ Râu ông nọ cắm cằm bà kia là gì? 2
“Râu ông nọ cắm cằm bà kia” là một biến thể của câu “râu ông nọ chăn tằm bà kia”

2. Râu ông nọ cắm cằm bà kia tiếng Anh dịch là gì?

Việc dịch một câu thành ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh rất khó khăn vì rào cản văn hóa. Tuy nhiên với thành ngữ “râu ông nọ cắm cằm bà kia” chúng ta có một số cách dịch như sau:

  1. To take the wrong sow by the ear.
  2. A square peg in a round hole.
  3. One man's beard is on the other woman's chin.

Xem thêm: Bài học rút ra từ tục ngữ "Ngựa chạy có bầy" nhắc nhở ta điều gì quan trọng

3. Thành ngữ “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” mang đến bài học gì?

Mỗi câu tục ngữ, thành ngữ đều mang đến một bài học trong cuộc sống cho con người, nó có thể là những kinh nghiệm sống, là sự ngơi ca hay một lời châm biếm. Với câu thành ngữ “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” cũng không ngoại lệ, bởi nó mang đến cho chúng ta nhiều bài học có giá trị.

3.1 Trong giao tiếp

Theo góc nhìn xã hội, câu thành ngữ “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” châm biếm, phê phán thói quen nói năng thiếu cẩn trọng, không logic, hay nói cách khác là không ăn nhập gì với tổng thể cuộc hội thoại về chủ đề đang hướng tới. 

Mỗi chúng ta thi thoảng vẫn mắc phải tình trạng này khi trò chuyện với người khác và coi đó là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu việc này liên tục xảy ra với tần suất dày đặc thì lại là một vấn đề lớn, bởi nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ, sự nghiệp và cơ hội thăng tiến trong xã hội. 

Với những người thường xuyên nói những câu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” dễ khiến cho mọi người xung quanh nghĩ đây là một kẻ không biết suy nghĩ khi nói năng, không để tâm vào những gì họ nói và đó chính là sự thiếu sự tôn trọng trong giao tiếp.

Câu thành ngữ trên còn khuyên chúng ta hãy “lắng nghe”-mang tính chủ động, chứ không chỉ nghe-mang tính thụ động. Trước khi nói bất kỳ vấn đề gì cũng cần suy nghĩ kỹ càng, xác định chủ đề đối phương đang đề cập, cách dẫn dắt câu chuyện của họ, cảm xúc của họ khi nói và từng câu từ của họ đang diễn đạt. Chỉ có như vậy, ta mới có thể “bắt nhịp” và “đồng điệu” với đối phương, khiến cuộc hoại thoại trở nên gắn kết và thân mật hơn.

Ý nghĩa thành ngữ Râu ông nọ cắm cằm bà kia là gì? 3
Câu thành ngữ trên khuyên chúng ta hãy “lắng nghe”- mang tính chủ động, chứ không chỉ nghe-mang tính thụ động

3.2 Trong công việc và cuộc sống

Câu thành ngữ không chỉ gói gọn trong việc giao tiếp mà còn nhiều mặt khác của cuộc sống. “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” còn ngầm nhắn gửi với chúng ta thông điệp rằng mọi thứ, mọi hành đồng cần gắn kết, thống nhất và có liên quan đến nhau. Ví dụ, khi muốn trang trí ngôi nhà cho kỳ giáng sinh sắp tới, ta cần xác định rõ chủ đề giáng sinh cần những gì để ghép nối mọi thứ lại một cách hài hòa, chứ không thể đặt một cây hoa mai, hoa đào giữa nhà thay cho cây thông được.

Ngoài ra trong một số trường hợp, câu thành ngữ này còn lên án hiện tượng lừa đảo, không ăn khớp trong buôn bán, dịch vụ. Điển hình là các sự vụ liên quan đến việc mạo danh hàng “made in Vietnam” để trục lợi bất chính trên trường quốc tế, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Xem thêm: Thành ngữ "Cũ người mới ta" nói về tính tiết kiệm, sẻ chia hay bủn xỉn, bần tiện

4. Ví dụ về cách sử dụng thành ngữ “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta có thể sử dụng câu thành ngữ “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” để nhắc khéo hoặc “cà khịa” bạn bè khi thấy họ đang nói năng không khớp với chủ đề đang được bàn luận. Ví dụ về một số mẫu hội thoại thể hiện “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”:

  1. A: Hôm nay tụi mình học toán bài nào ấy nhỉ?

B: Tính chất hóa học của oxit.

Phân tích: “Tính chất hóa học của oxit” là một bài thuộc môn hóa học trong khi chủ đề đang được hỏi là toán, B có thể nhầm lẫn hoặc quên nên đã đưa ra câu trả lời không phù hợp.

      2.  A: Chị ngồi đằng kia ăn mặc có “gu” nhỉ!

B: Ừ, chị ấy dáng đẹp thật.

Phân tích: Chủ đề đang được bàn luận liên quan đến gu ăn mặc, thời trang, nhưng B lại nói về vóc dáng.

      3.  A: Ngày mai phải thi ngữ văn rồi, tao nên chuẩn bị những gì nhỉ để làm bài tốt nhỉ?

B: Mày đã chuẩn bị bút chì để tô trắc nghiệm chưa?

Phân tích: B đã nhầm lẫn nội dung câu hỏi, trong khi A hỏi về nội dung ôn thi thì B lại nói về dụng cụ cần chuẩn bị. Ngoài ra, ai cũng biết môn ngữ văn có hình thức thi tự luận nên việc chuẩn bị bút chì để tô trắc nghiệm là điều không cần thiết.

Ý nghĩa thành ngữ Râu ông nọ cắm cằm bà kia là gì? 4
Cần chú ý để tâm đến lời nói của người khác để tránh tình trạng “râu ông này cắm cằm bà kia” như các ví dụ trên.

5. Các thành ngữ, tục ngữ, ca dao có ý nghĩa tương đồng với câu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Trong kho tàng văn học Việt Nam, ngoài câu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” còn có một số câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao có ý nghĩa châm biếm và nhắc nhở chúng ta phải luôn để ý đến cách làm việc, giao tiếp ứng xử với người khác như:

  1. Ông nói gà, bà nói vịt.
  2. Treo đầu dê, bán thịt chó.
  3. Ăn gian, nói dối.
  4. Ăn đằng sóng, nói đằng gió.
  5. Ăn bớt bát, nói bớt lời.
  6. Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.
  7. Ăn mặn nói ngay, hơn ăn chay nói dối.
  8. Lưỡi không xương, trăm đường lắt léo.

Câu thành ngữ “râu ông nọ cắm cằm bà kia” dù đã có từ lâu nhưng vẫn mang giá trị răn dạy cho đến ngày nay. Không chỉ có ý nghĩa châm biếm thói ăn nói, hành động thiếu liên kết mà qua câu thành ngữ này còn nhắc nhở mọi người phải cẩn trọng, chú ý hơn khi làm bất cứ việc gì mới có thể tạo nên sự hài hòa trong cuộc sống. 

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận