Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Ruột để ngoài da" nói về điều gì?

(VOH) - Ruột để ngoài da là câu thành ngữ mang một bài học về giao tiếp trong cuộc sống cực kỳ quý giá. Vậy ý nghĩa của câu thành ngữ này là gì?

Từ xa xưa, ông bà ta đã có nhiều câu thành ngữ tục ngữ chứa đựng nhiều bài học quý giá trong cuộc sống. Trong đó, câu thành ngữ “ruột để ngoài da” mang trong mình một bài học sâu sắc về giao tiếp, ứng xử mà chắc chắn không phải ai cũng biết.

1. Ý nghĩa của Ruột để ngoài da là gì?

Ruột để ngoài da dùng để chỉ những người ăn nói bộp chộp, không suy nghĩ trước khi nói, nghĩ gì nói nấy mà không giữ bí mật nên hay làm mất lòng người khác.

Câu thành ngữ này tương truyền từ một câu chuyện cổ tích sau:

Ngày xưa, Thái thượng Lão quân đang trông coi vườn đào thì gặp một cô tiên xinh đẹp từ đào biến thành, ông bèn lại gần bắt chuyện và kể cho nàng tiên nghe những câu chuyện trên thiên đình. Hôm sau, nàng tiên tụ tập các nàng tiên khác rồi kể cho họ nghe về những câu chuyện hôm qua cùng những lời mật ngọt của hai người, câu chuyện ấy lan đi nhanh chóng và đến tai Ngọc Hoàng. 

Ngọc Hoàng cho rằng Thái thượng Lão quân để lộ thiên cơ nên đã giáng chức ông và ra lệnh cho đi coi chuồng ngựa. Còn nàng tiên bởi vì không giữ mồm giữ miệng nên bị đày xuống hạ giới biến thành một loại quả có hạt bám ở phía ngoài, người dân đặt tên là cây đào lộn hột. Với đặc điểm là hạt nằm bên ngoài không giống các loại quả khác nên có thể vì thế mà dân gian liên tưởng ví hạt như ruột.

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ Ruột để ngoài da 1
Ruột để ngoài da dùng để chỉ những người không suy nghĩ trước khi nói

2. Bài học giao tiếp từ “Ruột để ngoài da”

Dân gian có câu “Họa từ miệng mà ra”, ý chỉ những lời nói không phù hợp, nghĩ gì nói nấy mà không biết suy tính trước sau, thích khua môi múa mép, thích khoe khoang phân trần đúng sai gây ra ảnh hưởng đến người khác như “ruột để ngoài da” có thể khiến bản thân người nói phải trả giá, chuốc lấy xui xẻo, tai họa, rước thêm kẻ thù cho mình mà không hay biết. 

Đồng thời, việc ăn nói tùy tiện còn biến bản thân trở thành người không có giáo dưỡng trong mắt người khác. Bởi vì im lặng đúng lúc, nói đúng lúc cũng là một loại trí tuệ và phong thái, phản ánh khả năng đối nhân xử thế của con người. Người thông minh biết lúc nào nên nói lúc nào nên dừng, hiểu cách giữ thể diện cho người khác, nhờ vậy mà cuộc sống luôn được bình yên.

Lời nói của một người ẩn chứa số phận của họ. Nói lời khôn ngoan thì thêm bạn, nói lời không hay thì thêm thù. Do đó, khi muốn nói, hãy tận dụng tối đa những lời hay ý đẹp, vừa làm vui lòng người, vừa làm vui lòng ta. Việc cần khen, đừng tiếc lời; việc cần chê cũng cần phải dùng lời lẽ khéo léo.

Thế nhưng cũng cần nhớ là không nói những lời trái với lòng mình. Lời thật lòng chắc chắn sẽ được nhiều người quý mến nếu như biết khéo léo trong cách truyền tải. Không đâm bị thóc chọc bị gạo, không buông lời mỉa mai, không tò mò tọc mạch vào chuyện người khác chắc chắn sẽ có một cuộc sống thuận lợi.

Mỗi lời nói ra giống như bát nước hắt đi, không thể thu lại được nữa. Thế nên, mỗi người cần phải biết kiểm soát lời ăn tiếng nói, kiểm soát cái miệng của bản thân thì mới mong có được hạnh phúc, đừng để “ruột để ngoài da” trở thành một thói quen trong giao tiếp. Một triết gia Hy Lạp đã từng nói: “Mỹ đức lớn nhất mà nhân loại cần phải học chính là khống chế được cái miệng của chính mình”.

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ Ruột để ngoài da 2
Mỗi người cần phải biết kiểm soát lời ăn tiếng nói

Xem thêm: 
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Mồm miệng đỡ chân tay’ nói về điều gì?

Câu thành ngữ “Ăn ốc nói mò” phê phán điều gì trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Đất có thổ công sông có hà bá"

3. Một số câu ca dao tục ngữ về lời nói và lối ứng xử trong giao tiếp

Lối hành xử điềm đạm, nói năng khôn khéo luôn được ông cha ta đề cao, thể hiện qua vô vàn các câu ca dao tục ngữ răn dạy về lời ăn tiếng nói trong giao tiếp. Dưới đây là một số câu ca dao tục ngữ chứa đựng rất nhiều bài học quý báu về lời nói và lối ứng xử rất đáng để bạn suy ngẫm và học hỏi.

1. Ăn bớt bát, nói bớt lời

2. Lời nói gói vàng.

3. Ăn có nhai, nói có nghĩ.

4. Một câu nhịn bằng chín câu lành.

5. Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.​

6. Một lời nói dối, sám hối bảy ngày.​

7. Ăn lắm, thì hết miếng ngon,
Nói lắm, thì hết lời khôn hóa rồ.

8. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

9. Người thanh tiếng nói cũng thanh,
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu.

10. Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

11. Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

12. Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm​

13. Sảy chân, gượng lại còn vừa,
Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.

14. Vàng sa xuống giếng, khôn tìm,
Người sa lời nói, như chim sổ lồng.

15. Người khôn ăn nói nửa chừng,
Để cho người dại nửa mừng nửa lo.

Câu thành ngữ “ruột để ngoài da” chứa đựng một bài học hết sức sâu sắc về giao tiếp ứng xử, hiện diện rất phổ biến trong cuộc sống của chúng ta. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ về câu thành ngữ này và có cái nhìn sâu sắc hơn về tầm quan trọng của lời nói để không vấp phải những sai lầm đáng tiếc.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận