Chờ...

Thế giới quan là gì? Phân biệt thế giới quan duy vật và duy tâm

(VOH) - Thế giới quan là gì? Thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm là gì? Vai trò của thế giới quan đối với cuộc sống chúng ta. Cùng tìm hiểu những vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Thế giới quan là thuật ngữ quen thuộc, tuy nhiên thế giới quan có vai trò như thế nào trong sự phát triển của con người và toàn xã hội có lẽ ít người biết đến. 

1. Thế giới quan là gì?

Trong tác phẩm Phê phán năng lực phán đoán (Kritik der Urteilskraft, 1790) thuật ngữ thế giới quan có gốc tiếng Đức “Weltanschauung” lần đầu tiên xuất hiện, dùng để chỉ thế giới quan sát được - thế giới trong sự cảm nhận của con người. 

Sau đó, F.Schelling đã bổ sung thêm nội dung là thế giới quan luôn có sẵn trong nó một sơ đồ xác định về thế giới mà không cần tới một sự giải thích lý thuyết nào cả. Dựa vào nghĩa này mà Heghen đã nói đến “thế giới quan đạo đức”, J.Goethe đề cập đến “thế giới quan thơ ca”, còn L.Ranke lại nêu lên  “thế giới quan tôn giáo”. 

the-gioi-quan-la-gi-voh-1

Trong triết học Mác- Lênin định nghĩa: “Thế giới quan là toàn bộ những quan niệm của con người về thế giới, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới đó”. 

Nói cách khác, thế giới quan là hệ thống quan điểm, quan niệm của chúng ta về thế giới xung quanh, và vị trí của ta trong thế giới này. Giải đáp những vấn đề liên quan đến mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống.

Thế giới quan của con người cũng thể hiện góc nhìn tổng quát về thế giới trong ý thức của mỗi người như: thế giới bên ngoài, con người và mối quan hệ giữa con người với thế giới đó. Thế giới quan được ví như “kim chỉ nam” đối với tất cả thái độ và hành vi của chúng ta với thế giới bên ngoài. 

Thế giới quan có thể bao gồm: triết học tự nhiên, định đề cơ bản, hiện sinh, và quy chuẩn; hoặc các chủ đề, giá trị, cảm xúc, và đạo đức.

Xem thêm: Nhân văn - Một lối sống đẹp cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống ngày nay 

2. Thế giới quan bắt nguồn từ đâu?  

Thế giới quan bắt nguồn từ thực tiễn đời sống của con người. Có bốn yếu tố chính tạo thành thế giới quan lần lượt là tri thức, lý trí, niềm tin và tình cảm, được liên kết với nhau tạo nên một thể thống nhất. Từ đó, chi phối đến nhận thức lẫn hành động thực tiễn của con người. 

Theo đó: 

  • Tri thức: là thành phần chủ yếu và trực tiếp
  • Niềm tin: được tạo thành từ tri thức, trải qua quá trình rèn luyện, kiểm nghiệm từ thực tế. 
  • Lý tưởng: chính là trình độ phát triển cao nhất của thế giới quan.

Trong thế giới quan là sự hòa nhập giữa niềm tin và tri thức. Trong đó, tri thức là cơ sở trực tiếp để hình thành thế giới quan; tuy nhiên tri thức chỉ gia nhập vào thế giới quan khi mà nó đã trở thành niềm tin định hướng cho các hoạt động của con người.

Một thế giới quan thống nhất giữa tri thức và niềm tin là cơ sở để ta đưa ra những nhận định chính xác những khía cạnh trong cuộc sống như: xác định thái độ, cách thức hoạt động, lối sống con người. 

Xem thêm: Tiềm thức là gì? Tìm hiểu sâu về tiềm thức trong tâm trí con người 

3. Thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm là gì? 

Trong thế giới quan tồn tại hai hình thức, là thế giới quan duy vật và duy tâm. Cùng tìm hiểu về hai khái niệm này ngay dưới đây: 

the-gioi-quan-la-gi-voh-2
Thế giới quan duy tâm là gì? 

3.1 Thế giới quan duy tâm  

Thế giới quan duy tâm cho rằng bản chất của thế giới chính là tinh thần. Bên cạnh đó, thế giới quan duy tâm chủ quan coi tinh thần là ý chí, tình cảm, tư tưởng. Còn đối với, thế giới quan duy tâm khách quan xem tinh thần là một ý niệm tuyệt đối. 

Thế giới quan duy tâm hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử của chủ nghĩa duy tâm trong triết học. Chỉ thừa nhận ý thức, tư tưởng, ý niệm là cái có trước, là yếu tố sẽ quyết định và phụ thuộc vào nhận thức của con người. Đồng thời, phủ nhận tính khách quan và quy luật khách quan của thế giới vật chất và con người. 

3.2 Thế giới quan duy vật  

Trái ngược hoàn toàn với thế giới quan duy tâm, thế giới quan duy vật khẳng định bản chất của thế giới là vật chất. Vật chất là cái xuất hiện trước, quyết định ý thức cũng như thừa nhận vai trò của con người ở trong cuộc sống hiện tại. 

Cụ thể, thế giới quan duy vật hoàn toàn không do lực lượng siêu nhiên hay tinh thần của con người tạo ra. Chính vì thế, chúng không thể tự sinh ra và mất đi mà tồn tại vĩnh viễn và vô tận. 

Hơn thế nữa, thế giới quan duy vật còn nhận định sự hình thành, phát triển và vận động của toàn xã hội hầu hết phụ thuộc vào quy luật khách quan.

Xem thêm: Khát vọng là gì? Bí quyết giúp bạn 'ươm mầm' khát vọng bản thân mỗi ngày 

4. Vai trò của thế giới quan trong đời sống 

Thế giới quan có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người, giúp ta hoạt động theo tư duy phát triển đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Hình thành nền tảng cho quá trình hình thành tư tưởng nhân cách, chính trị, hành vi cũng như đạo đức.

the-gioi-quan-la-gi-voh-3
Thế giới quan giúp chúng ta tự nhìn nhận bản thân

Vai trò của thế giới quan có thể kể đến như: 

  • Thế giới quan giúp con người có định hướng, tư duy logic từ hoạt động nhận thức về thế giới khách quan đến cuộc sống thực tiễn của con người. Song song đó, còn góp phần vào sự tiến bộ của xã hội càng hiện đại, văn minh hơn.  
  • Bên cạnh đó, thế giới quan giống như một “thấu kính” để chúng ta có thể tự nhìn nhận lại bản thân cũng như xem xét thế giới xung quanh. Nhờ vậy, xác định được ý nghĩa cuộc sống và chọn lựa cách thức hoạt động nhằm đạt được mục đích và ý nghĩa đó.

Thông qua đó, thế giới quan của mỗi người là tiền để tạo nên nhân sinh quan tích cực, và trình độ phát triển của thế giới quan chính là tiêu chí cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. 

Người có thế giới quan vững chắc sẽ luôn có nghị lực, ý chí và đủ quyết tâm. Ngược lại nếu người có thế giới quan lỏng lẻo sẽ dần thụ động trong nhận thức, và đánh mất ý chí,.. 

Hy vọng thông qua bài chia sẻ có thể giúp bạn có cái nhìn đúng đắn và hiểu được vai trò của thế giới quan đối với mọi người trong đời sống hiện tại. 

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet 

Bình luận