Song thất lục bát là gì? 16 bài thơ song thất lục bát hay và ý nghĩa

(VOH) - Thơ song thất lục bát từ lâu được xem là thể thơ đặc trưng của nước ta, được nhiều tác giả và công chúng ưa chuộng trong giai đoạn văn học trung đại vào thế kỉ 18 cho đến tận đầu thế kỉ 20.

Cách gieo vần thơ song thất lục bát thoạt nhìn qua, tưởng chừng như không theo bất cứ quy luật thơ ca nào. Tuy nhiên khi nhìn lại bạn sẽ thấy được cách bỏ chữ đầy thú vị, không tạo cảm giác gò bó. Tác giả dễ dàng thổi hồn mình vào từng câu thơ, chạm đến trái tim người mến mộ, tạo nên nét đặc trưng riêng.

Vậy thể thơ song thất lục bát là gì? Cùng chúng tôi điểm lại những bài thơ để lại ấn tượng trong lòng những người yêu thích thơ ca nhé!  

1. Thơ song thất lục bát 

1.1 Thơ song thất lục bát là gì? 

tho-song-that-luc-bat-voh-1

Theo cách đếm số Hán Việt ta có cách gọi như sau: lục là số 6, thất là số 7, bát là số 8. Đồng thời chữ “song” dùng chỉ hai sự vật/ hiện tượng giống nhau. Thơ song thất lục bát là thể thơ có hai câu bảy chữ, xen kẽ là một câu sáu chữ và một câu tiếp theo là tám chữ.   

Trải dọc theo thời gian, mặc dù thể thơ này không còn được ưa chuộng như trước, nhưng nó vẫn mang giá trị tinh thần to lớn, gắn liền với hình ảnh bình dị của người dân Việt Nam. 

Những bài thơ song thất lục bát tiêu biểu trở thành niềm tự hào của dân tộc như:  Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm), Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến), Hải Ngoại huyết thư (Phan Bội Châu), Tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du),.. 

1.2 Cách làm thơ song thất lục bát

Để kết nối và duy trì thể thơ này, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại cách làm thơ song thất lục bát. Trong một bài thơ chứa nhiều khổ thơ nhỏ. Theo đó, mỗi khổ bao gồm bốn câu khác nhau: hai câu bảy chữ, một câu sáu chữ và còn lại là câu tám chữ. 

Đến với câu thơ 7 chữ đầu tiên, chữ thứ năm vần bằng (B) và chữ cuối được gieo vần trắc (T), đồng thời hiệp vần với chữ thứ năm của câu thất thứ hai.  Với chữ cuối câu sáu chữ vần B, lại gieo vần với chữ cuối của câu bảy trước đó và chữ thứ sáu của câu bát. 

Ngoài ra, nếu chữ cuối câu tám kết thúc bằng vần T hoặc B, bạn sẽ phải gieo vần với chữ thứ năm hoặc thứ ba tương tự với câu thơ bảy đầu tiên của khổ tiếp theo, sao cho phù hợp. 

Trích từ bài thơ “Giã Biệt Thu” của tác giả Hoàng Mai, ta thấy: 

“Nơi góc bể tưởng ai nhớ mãi!
Tấm chân tình ân ái bấy lâu!
Sao người nỡ vội gieo sầu! 
Ra đi chẳng gửi đôi câu giã từ!”.

2. Những bài thơ song thất lục bát hay

Khi nhắc đến bài thơ song thất lục bát, ta sẽ không thể không kể đến những tác phẩm “để đời”, dù trải qua hàng trăm nhưng vẫn còn nguyên giá trị tới hiện tại. Dưới đây là đoạn trích từ những tác phẩm nổi tiếng ấy, mà có lẽ chúng ta đã được học từ thuở còn trên ghế nhà trường. 

2.1 Bài thơ Tình Cảnh Lẻ Loi Của Người Chinh Phụ - trích Chinh Phụ Ngâm  

tho-song-that-luc-bat-voh-2

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước, 
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng ?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.
Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẳng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan. 
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn, 
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.
Lòng này gửi gió đông có tiện? 
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên Non 
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời. 
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu, 
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha lòng, 
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun. 

(Tác giả: Đoàn Thị Điểm)

2.2 Bài thơ Cung Oán Ngâm Khúc  

Đòi những kẻ thiên ma bách chiết
Hình thì còn bụng chết đòi nau
Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần.

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc
Lớp cùng thông như đúc buồng gan
Bệnh trần đòi đoạ tâm toan
Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da.

Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh.

Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Đền vũ tạ nhện giăng cửa mốc
Thú ca lâu dế khóc canh dài
Đất bằng bỗng rấp chông gai
Ai đem nhân ảnh nhuốm màu tà dương.

Mồi phú quý dữ làng xa mã
Bả vinh hoa lừa gã công khanh
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Sân đào lý mây lồng man mác
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng
Cánh buồm bể hoạn mênh mang
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.

Quyền họa phúc trời tranh mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
Cái quay búng sẵn lên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.

Hình mộc thạch vàng kim ố cổ
Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong
Tiêu điều nhân sự đã xong
Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.

Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.

(Tác giả: Nguyễn Gia Thiều) 

2.3 Bài thơ Xuân Sầu (II)

Trăm hoa đua nở đẹp hơn cười
Một cái oanh vàng uốn lưỡi chơi
Phong cảnh chiều xuân vui vẻ thế
Xuân sầu chi để bận riêng ai!
Mười lăm năm trước xuân xanh
Tri Tri cất tiếng, Hữu Thanh gọi đàn
Tình nguyện vọng chứa chan non nước
Bạn tri âm man mác giời mây
Nở gan một cuộc cười say
Đường xa coi nhẹ gánh đầy như không
Phận nam nhi tang bồng là chí
Chữ trượng phu ý khí nhường ai
Non sông thề với hai vai
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son
Dư đồ rách, nước non tô lại
Đồng bào xa, trai gái kêu lên
Doanh hoàn là cuộc đua chen
Rồng Tiên phải giống ngu hèn, mà cam!
Tiếng gọi bạn nửa năm vừa dứt
Sức thua giời, trăm sức mà chi
Tình duyên đến lúc phân ly
Giang sơn bảng lảng, tu mi thẹn thùng
Xếp ngọn bút, đau lòng son sắt
Giã đàn văn, lánh mặt phong sương
Cho hay trần luỵ đa mang
Trăm năm duyên nợ văn chương còn nhiều
Thuyền một lá buông liều sông nước
Lái tám năm xuôi ngược dòng sông
Nực cười trận gió đông phong
Làm cho chú lái không công mất thuyền
Ngồi nghĩ lại mối duyên sao lạ
Dẫu kêu rằng món nợ cũng hay
Trần hoàn trả trả vay vay
Kể chi công nợ, cho rầy thanh tao
Mừng xuân mới, rượu đào khuyên cạn
Vắng tri âm mà bạn non xanh
Gan vàng, tóc bạc, non xanh
Thiên nhiên ai hoạ bức tranh xuân sầu?

(Tác giả: Tản Đà)

2.4 Bài thơ Khóc Dương Khuê 

tho-song-that-luc-bat-voh-3

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đẩu thăng chẳng dám tham trời;
Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Giường kia treo cũng hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan!

(Tác giả: Nguyễn Khuyến) 

2.5 Bài thơ Ai Tư Vãn 

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo ron ron.
Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.

Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao ?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao...
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời !

Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.

Trăm ngàn dặm quản chi non nước;
Chữ "nghi gia" mừng được phải duyên.
Sang yêu muôn đội ơn trên,
Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm.

Lượng che chở, vụng lầm nào kể.
Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời.
Dẫu rằng non nước biến dời,
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.

Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.

Nhờ hồng phúc, đôi cành hòe quế
Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi
Non Nam lần chúc tuổi trời,
Dâng câu Thiên Bảo, bày lời Hoa Phong.

Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.

Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
Xiết bao kinh sợ, lo phiền,
Miếu thần đả đảo, thuốc tiên lại cầu.

Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
Phương pháp nào đổi được cùng chăng ?
Ngán thay, máy Tạo bất bằng,
Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan.

Cuộc tụ, tán, bi, hoan kíp bấy,
Kể sum vầy đã mấy năm nay ?
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu ?

Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối,
Biết cậy ai dập nỗi bi thương ?
Trông mong luống những mơ màng,
Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say.

Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,
Ngỡ hương trời bãng bãng còn đâu:
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.

Khi bóng trăng, lá in lấp lánh,
Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.
Vội vàng dạo bước tới nơi,
Thương ơi, vắng vẻ giữa trời tuyết sa !

Tưởng phong thể xót xa đòi đoạn,
Mặt rồng sao cách gián lâu nay,
Có ai chốn ấy về đây,
Nguồn cơn xin ngỏ cho hay được đành ?

Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,
Nghĩ đòi phen, nồng nã đòi phen.
Kiếp này chưa trọn chữ duyên,
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương.

Nghe trước có đấng vương Thang, Võ,
Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao;
Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình !

Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn,
Công đức dày, ngự vận càng lâu;
Mà nay lượng cả, ơn sâu,
Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.

Công dường ấy, mà nhân dường ấy,
Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công ?
Rộng cho chuộc được tuổi rồng,
Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.

Buồn thay nhẽ, sương rơi gió lọt,
Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa.
Tưởng lời di chúc thiết tha,
Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê.

Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong,
Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e.

Con trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ tình thâm chưa thoát được đi,
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo;

Theo buổi trước ngự đèo Bồng Đảo,
Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân,
Theo xa thôi lại theo gần,
Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.

Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh,
Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao !
Mơ màng thêm nỗi khát khao,
Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi ?

Tưởng thôi lại bồi hồi trong dạ,
Nguyệt đồng sinh sao đã kíp phai ?
Xưa sao sớm hỏi khuya bày,
Nặng lòng vàng đá, cạn lời tóc tơ.

Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ,
Tình cô đơn, ai kẻ xét đâu ?
Xưa sao gang tấc gần chầu,
Trước sân phong nguyệt, trên lầu sính ca.

Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,
Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh.
Nửa cung gãy phím cầm lành,
Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ !

Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đòi lúc,
Tiếng tử quy thêm giục lòng thương.
Não người thay, cảnh tiên hương,
Dạ thường quanh quất, mắt thường ngóng trông.

Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,
Thấy mênh mông những nước cùng mây,
Đông rồi thì lại trông tây:
Thấy non cao ngất, thấy cây rườm rà.

Trông Nam thấy nhạn sa lác đác,
Trông bắc thời ngàn bạc màu sương.
Nọ trông trời đất bốn phương,
Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi.

Cậy ai có phép gì tới đó,
Dâng vật thường xin ngỏ lòng trung,
Này gương là của Hán cung
Ơn trên xưa đã soi chung đòi ngày.

Duyên hảo hợp xót rày nên lẽ,
Bụng ai hoài vội ghẽ vì đâu ?
Xin đưa gương ấy về chầu,
Ngõ soi cho tỏ gót đầu trông ơn.

Tưởng linh sảng nhơn nhơn còn dấu,
Nỗi sinh cơ có thấu cho không ?
Cung xanh đang tuổi ấu xung
Di mưu sao nỡ quên lòng đoái thương ?

Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm
Đầu mũ mao, mình tấm áo gai,
U ơ ra trước hương đài,
Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này.

Trong sáu viện ố đào, ủ liễu
Xác ve gầy, lỏng lẻo xiêm nghê
Long đong xa cách hương quê,
Mong theo: lầm lối, mong về: tủi duyên.

Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ
Cất chân tay thương khó xiết chi.
Hang sâu nghe tiếng thương bi,
Kẻ sơ còn thế, huống gì người thân.

Cảnh ly biệt nhiều phần bát ngát,
Mạch sầu tuôn ai tát cho vơi ?
Càng trông càng một xa vời,
Tấc lòng thảm thiết, chín trời biết chăng ?

Buồn trông trăng, trăng mờ thêm tủi,
Gương Hằng Nga đã bụi màu trong.
Nhìn gương càng thẹn tấm lòng,
Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên hà.

Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,
Cánh hải đường đã quyện giọt sương.
Trông chim càng dễ đoạn trường
Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.

Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy
Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu ?
Phút giây bãi bể nương dâu,
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao ?

Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho.

(Tác giả: Lê Ngọc Hân) 

2.6 Bài thơ Mãi Mãi

tho-song-that-luc-bat-voh-4

– Vâng, anh sẽ yêu em mãi mãi;
Mãi mãi là trong những phút giây.
Sắc hồng mãi mãi hôm nay,
Hoa sim nở rộ cuồng say một đồi;
Em nói nhỏ: “hỡi người yêu dấu,
Hãy yêu em mãi mãi nghe anh?”
Say xưa anh cũng dặn tình:
“Yêu anh mãi mãi nghe! Mình yêu anh.”
Hoa nửa buổi muốn thành vạn thuở,
Lòng một đời tính độ ngàn năm;
Sông trôi núi lở âm thầm,
Đường đi vũ trụ có cầm được đâu!
Nhưng ta sẽ yêu nhau mãi mãi,
Mãi mãi là trong những phút giây;
Lâu dài là bóng, là mây,
Là môi kỳ ngộ, là tay hảo cầu.
Mãi mãi ở trong câu hò hẹn,
Mãi mãi trong ý nguyện bình sinh;
Thời gian không phải của mình,
Tình chỉ mãi mãi bằng tình tháng năm?
Vâng, anh sẽ yêu em mãi mãi,
Trong phút giây ân ái muôn đời.
Mai kia dù có rẽ rời,
Đôi ta đã mãi mãi ngồi bên nhau.

(Tác giả: Xuân Diệu)

Xem thêm:
 Thơ Xuân Diệu - Một trong những trang thơ đong đầy cảm xúc
Những bài thơ lục bát ngắn hay nhất về quê hương, tình yêu, gia đình
26 bài thơ lục bát về quê hương giúp bạn tìm về ký ức miền quê

3. Thơ song thất lục bát ý nghĩa 

Những bài thơ song thất lục bát khiến không chỉ đong đầy cảm xúc, mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Mỗi dòng thơ như tiếng lòng từ chính tác giả, chạm đến trái tim hàng triệu độc giả mến mộ thơ ca Việt trong suốt mấy mươi năm.   

3.1 Bài thơ Đêm Khuya Tự Tình Với Sông Hương

Bây giờ chỉ có đôi ta
Bao nhiêu tâm sự Hằng Nga biết rồi
Thuở nước non đến hồi non nước
Sông Hương đành xuôi ngược đông tây
Soi lòng chỉ có đám mây
Đám mây phú quý những ngày lao đao
Sao mặt sông xanh xao ra dáng
Sao tình sông lai láng khôn ngăn?
Vì ai lắm nỗi chứa chan
Hay còn đợi khách quá giang một lần
Này thử hỏi, thuyền nan thả lá
Thuyền ai đây nấn ná bấy lâu?
Mặc ai khanh tướng công hầu
Không thèm chung đỉnh, lưng bầu gió trăng
Sao trời đất đãi đằng ra thế?
Sao mưa nguồn chớp bể luôn đêm?
Trong thành yến ấm vui thêm
Tiếng ca lanh lảnh lọt rèm rèm thưa
Sông Hương hỡi, xuân vừa tơ liễu
Cả trăm hoa hàm tiếu nhởn nhơ
Vì đâu nước chảy lững lờ
Hay cho thế sự cuộc cờ chiêm bao
Ghét xa mã nao nao uốn khúc
Giận thời gian những lứa xuân xanh
Nhà ai khiêu vũ năm canh
Hơi men sực nức dưới thành đô xưa
Sao tức tối trôi bừa đi mãi
Chẳng buồn nghe cô lái thở than
“Thuyền em đậu bến Hương Giang
Chờ người quân tử lỡ làng tình duyên”
Thuyền lặng lẽ nằm yên với bóng
Nước sống xuôi dợn sóng bến thuyền
Trong thành ngủ chết con đen
Khoá xuân bỏ lỏng đến then chẳng gài
Hãy trông thử đền đài dinh thự
Dấu xưa, xưa tình tứ làm sao
Ô hay! Sóng chảy dạt dào
Chiếc thuyền vô định tạc vào bến mê
Sao trai gái đi về trong mộng
Mà sông Hương chẳng động niềm riêng
Trong thành để lạnh hương nguyền
Tiếng gà gáy nguyệt láng giềng còn say.

(Tác giả: Hàn Mặc Tử) 

3.2 Bài thơ Thuyền neo bến đậu

Em nhớ mãi chiều thu lá đổ
Mình bên nhau cạn tỏ nguồn cơn
Chạnh lòng anh vọng lời thương
Xa xa vẳng tiếng nghe dường nỉ non
Anh khắc khoải lòng son giữ mãi
Đời biển dâu xa xót tình đau
Lời anh nghe thấm từng câu
Người như ôm cả nỗi sầu thế nhân
Hai ta cứ tần ngần nuối tiếc
Một đời em tha thiết từng mơ
Nào ai học được chữ ngờ
Gối chăn hờ hững sương mờ phủ giăng
Anh chốn ấy! Mộng nay đã hết
Em ngồi đây lặng chết từng giây
Một mình trăn trở đêm nay
Biết ai hiểu thấu đắng cay chuyện lòng
Xuân trở giấc hoa không muốn trổ
Ngại ngần lo sầu khổ bao mùa
Thôi đành duyên kiếp đẩy đưa
Thuyền neo bến hẹn gió mùa lắt lay
Tình chợt đến, chợt đi, ai biết
Đường vào tim khôn xiết bẽ bàng
Chòng chành với chiếc đò ngang
Mai sau biết có vẹn toàn được chăng.

(Tác giả: Hoàng Mai)

3.2 Bài thơ Bà Má Hậu Giang 

tho-song-that-luc-bat-voh-5

Trời Hậu Giang, tù và dậy rúc
Phèn la kêu, trống giục vang đồng
Đường quê đỏ rực cờ hồng
Giáo gươm sáng đất, tầm vông nhọn trời
Quyết một trận, quét đời nô lệ
Quăng máu xương, phá bẻ xiềng gông!

Hỡi ôi! Việc chửa thành công
Hôm nay máu chảy đỏ đồng Hậu Giang
Giặc lùng, giặc đốt xóm làng
Xác xơ cây cỏ, tan hoang cửa nhà
Một vùng trắng bãi tha ma
Lặng im, không một tiếng gà gáy trưa.

Có ai biết, ai ngờ trong đó
Còn chơ vơ một ổ lều con
Đạn bom qua, hãy sống còn
Núp sau lưng rộng một hòn đá to.
Có ai biết trong tro còn lửa
Một má già lần lữa không đi
Ở đây sóng gió bất kỳ
Má ơi, má ở làm chi một mình?
Rừng một dải U Minh tối sớm
Má lom khom đi lượm củi khô
Ngày đêm củi chất bên lò
Ai hay má cất củi khô làm gì?
Hay má lẫn quên vì tuổi tác
Hay má liều một thác cho yên?

Bỗng đâu một buổi mai lên
Trên đường quê ấy, qua miền nghĩa quân
Một toán quỷ rầm rầm rộ rộ
Mắt mèo hoang, mũi chó, râu dê
Súng trường nhọn hoắt lưỡi lê
Khét nồng khí chết, tanh dề máu oan!
Chúng rảo bước. Lính quan nện gót
Mắt nhìn quanh lục mót dạng người
Đồng không, lạnh vắng, im hơi
Chỉ đôi bóng quạ ngang trời loáng qua
Ách-là! Thằng quan ba dừng bước
Rút ống dòm, và ngước mắt nheo
Xa xa, sau lớp nhà xiêu
Một tia khói nhỏ ngoằn ngoèo bay lên...
Hắn khoái trá cười điên sằng sặc
Nhe hàm răng sáng quắc như gươm
Vẫy tay lũ tớ gườm gườm
Như bầy chó đói chực chồm miếng ăn.
Rồi lặng lặng bước chân hùm sói
Tiến dần lên tia khói, vây quanh...

Má già trong túp lều tranh
Ngồi bên bếp lửa, đun cành củi khô
Một mình má, một nồi to
Cơm vừa chín tới, vùi tro, má cười...
Chết! Có tiếng gì rơi sột soạt?
Má già run, trán toát mồ hôi
Chạy đâu? Thôi chết, chết rồi!
Gót giày đâu đã đạp rơi liếp mành.
Một thằng cướp, mắt xanh mũi lõ
Đốc gươm dài tuốt vỏ cầm tay
Rung rinh bậc cửa tre gầy
Nghênh ngang một ống chân đầy lối đi!

Hắn rướn cổ, giương mi, trơn mắt
Như hổ mang chợt bắt được mồi
Trừng trừng trông ngược trông xuôi
Trông vào bếp lửa: Một nồi cơm to.
Hắn rống hét: “Con bò cái chết!
Một mình mày ăn hết này sao?
Đừng hòng che được mắt tao
Khai mau, du kích ra vào nơi đâu?
Khai mau, tao chém mất đầu!”
Má già lẩy bẩy như tàu chuối khô
Má ngã xuống bên lò bếp đỏ
Thằng giặc kia đứng ngõ trừng trừng
Má già nhắm mắt, rưng rưng
“Các con ơi, ở trong rừng U Minh
Má có chết, một mình má chết
Cho các con trừ hết quân Tây!”
Thằng kia bỗng giậm gót giày
Đạp lên đầu má: “Mẹ mày, nói không?”
Lưỡi gươm lạnh toát kề hông
“Các con ơi! Má quyết không khai nào!”
Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây
Má hét lớn: “Tụi bay đồ chó!
Cướp nước tao, cắt cổ dân tao!
Tao già không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng!
Con tao, gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng chàm thơm!
Thân tao chết, dạ chẳng sờn!”
Thương ôi! Lời má lưỡi gươm cắt rồi!
Một dòng máu đỏ lên trời
Má ơi, con đã nghe lời má kêu!
Nước non muôn quỷ ngàn yêu
Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang.

(Tác giả: Tố Hữu)

3.3 Bài thơ Hai Chữ Nước Nhà

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dặm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:

Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!

Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau...
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con

Con nên nhớ tổ tông khi trước
Đã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây

Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi

Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy

Coi lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?

Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng

Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non

Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quý mà nguôi tấc lòng

Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục;
Thân tự do chiên chúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời

Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đọa tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?

Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!

Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!

Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi! con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên

Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!

Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với vương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu

Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân xẻ với san hà
Tượng đồng bia đá hoạ là cam công

Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch màu tanh
Làm cho đất rộng trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!

Nghĩa vụ đó con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất lạ gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già

Con ơi! Hai chữ nước nhà!

(Tác giả: Trần Tuấn Khải)

3.4 Chuyện Tình Không Đoạn Kết

Người tìm đến một chiều đông giá
Khi đời em lòng dạ ngổn ngang
Duyên đầu vội sớm ly tan
Anh đem nắng ấm… chứa chan xuân về
Qua rồi tuổi đam mê tình ái
Em và người gặp lại là duyên
Nửa vòng trái đất mỗi đêm
Xa xôi cách trở nỗi niềm tỏ phân
Dòng thư tỏ thu dần khoảng cách
Người và em dằng dặc đêm trường
Cánh chim bạt gió tha hương
Trái tim vết khắc một đường hằn sâu
Dòng tâm sự đớn đau thân xác
Nỗi đoạn trường than trách ai đây
Tỏ tường bao nỗi đắng cay
Trời cao có thấu lòng này hay chăng
Người gọi ta hồng nhan tri kỷ
Ta gọi người thủ thỉ tình quân
Mỗi năm vào dịp nghinh tân
Cùng nhau dạo Hội hoa xuân quê nhà
Thấm thoát sáu năm dài ròng rã
Luôn ưu tư tấc dạ u hoài
Cớ chi duyên ngắn tình dài
Trách sao Tạo Hóa đọa đày hồng nhan

(Tác giả: Hoàng Mai)

3.5 Bài thơ Nhớ Ơn Cha Mẹ

tho-song-that-luc-bat-voh-6

Ngày tháng bảy mưa rơi lướt thướt
Chạnh lòng con sướt mướt canh thâu
Mẹ cha giờ khuất nơi đâu
Dương gian hay cõi thâm sâu ngút ngàn
Đêm trở gió bàng hoàng tỉnh giấc
Nhớ công ơn chất ngất lòng đau
Mẹ cha khuất bóng đã lâu
Con chưa đền đáp ơn sâu cửu trùng
Nhớ cái thuở bần cùng cạn kiệt
Cha đảm đương mải miết vườn rau
Cơm canh khoai sắn bên nhau
Chắt chiu ngày tháng mong cầu vươn lên
Thời gian vững lòng bền cha bước
Lên tỉnh thành sau trước lo toan
Đàn con sâm sấp hiền ngoan
Mẹ thay cha dạy bảo ban con khờ
Rồi đến lúc con thơ đã lớn
Bỏ mẹ cha về chốn phồn hoa
Đứa an phận đứa bôn ba
Xót xa con trẻ lệ nhòa đêm thâu
Khi con đã bắt đầu ổn định
Thì mẹ cha thân tịnh bất an
Mẹ đi về chốn mây ngàn
Cha thương nhớ mẹ võ vàng theo sau
Con chưa kịp ơn sâu đền đáp
Chỉ mong sao Phật Pháp nhiệm màu
Mẹ cha thoát cảnh khổ đau…
Luân hồi sanh tử nguyện cầu vãng sanh

(Tác giả: Hoàng Mai)

Xem thêm: 
Thơ ngũ ngôn là gì? Top 32 bài thơ ngũ ngôn hay nhất
Tổng hợp 22 bài thơ lục bát về tình bạn dạt dào cảm xúc
 Tuyển tập 28 bài thơ lục bát về Mẹ - người phụ nữ tuyệt vời nhất thế gian

4. Thơ song thất lục bát ngắn hay nhất 

Sau đây là những bài thơ Thơ song thất lục bát ngắn hay nhất, hy vọng bạn sẽ bắt gặp hình ảnh của chính mình trong từng vần thơ. Cùng đọc và suy ngẫm ngay dưới đây nhé! 

4.1 Bài thơ Đôi Mắt

Có hoa nào qua mùa không héo?
Có tiếng nào giàu đẹp hơn không?
Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em.
Đàn “nguyệt dạ” hương đêm bay lạc
Gì buồn hơn tiếng vạc lưng chừng?
Phép gì khỏi nhớ đừng trông
Mắt em bỏ túi, vắng lòng đem soi.

(Tác giả: Lưu Trọng Lư)

4.2 Bài thơ Tiếng Đàn Mưa

tho-song-that-luc-bat-voh-7

Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng
Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan
Mưa rơi ngoài nẻo dặm ngàn
Nước non rả rích giọng đàn mưa xuân.
Lầu mưa xuống, thêm lan mưa xuống
Cùng nước non hoa rụng mưa xuân
Mưa rơi ngoài nội trên ngàn
Nghe trong ý khách giọt đàn mưa rơi.
Đầm mưa xuống nẻo đồi mưa xuống
Bóng dương tà rụng bóng tà dương
Hoa xuân rơi với bóng dương
Mưa trong ý khách mưa cùng nước non.
Rơi hoa kết mưa còn rả rích
Càng mưa rơi cánh tịch bóng dương
Bóng dương với khách tha hương
Mưa trong ý khách muôn hàng lệ rơi.

(Tác giả: Bích Khê)

4.4 Bài thơ Dấu Tình Sâu 

Chiều vương vạt nắng hững hờ
Gió mang nỗi nhớ đợi chờ hanh hao
Trời giăng mây tím trên cao
Chợt nghe lá khóc dạt dào trên mi.
Lệ sầu để gió mang đi
Lá rơi ngập dấu tình si hao gầy
Bên đường mơ bóng hàng cây
Người ơi còn nhớ mãi, hay quên lời.
Người tìm đến mơ hồ giọng hát
Lời ru buồn man mác con tim
Chiều thu để gió đi tìm
Đường lên che vết thương yêu nồng nàn.
Tuổi buồn dấu cho đàn dâng tiếng
Vết tình sầu đưa tiễn người xưa
Cho hồn băng giá chiều mưa
Lời ru đan ngón tay vừa hôm nao.
Giận hờn ngập lối vào hoang vắng
Môi ươm sầu giọt nắng hắt hiu
Em qua vết bước bao chiều
Tuổi gầy màu mắt yêu kiều vương mang.
Từ khi gió địa đàng mang dấu
Gợi nỗi hờn người giấu tim đau
Chiều lên đỉnh núi ngang đầu
Nhặt thương cho gót dâng sầu hoen mi.

(Tác giả: Tâm Minh) 

4.5 Bài thơ Người Mang Tâm Sự

Trời hôm nay chợt mưa chợt nắng
Tiễn người đi bến vắng đò chiều
Nghe hồn thổn thức cô liêu
Ta còn có biết bao điều trong nhau
Chim lẻ bạn âu sầu muôn lối
Lòng bao năm tăm tối não nề
Qua rồi một thoáng đam mê
Tóc xanh giờ đã mây che phủ đầu
Chân đếm bước dòng sầu nhạt nắng
Lòng bâng khuâng ngõ vắng thưa người
Đường trần chỉ một mình tôi
Trời cao sao nỡ tách đôi duyên mình…
Anh trở gót hành trình đếm bước
Trời vào Thu sướt mướt tình ngâu
Sóng giăng bủa bến giang đầu
Chiều nay hồn có trái sầu vừa rơi

(Tác giả: Hoàng Mai)

Mong rằng, thông qua những bài thơ song thất lục bát về chủ đề về quê hương đất nước, về tình cha mẹ, hay tình yêu đôi lứa, để bạn thêm yêu những nét đẹp trong nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam.  

Sưu tầm 
Nguồn ảnh: Internet 

Bình luận