Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”

VOH - “Thương cho roi cho vọt” là một câu tục ngữ quen thuộc, có từ thời xa xưa mà đến nay vẫn được người đời áp dụng. Vậy ý nghĩa câu “thương cho roi cho vọt” là gì?

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống về giáo dục, điều đó được thể hiện qua rất nhiều những câu ca dao tục ngữ, thành ngữ, một trong số đó là câu “thương cho roi cho vọt”. Vậy “thương cho roi cho vọt” có nghĩa là gì, hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

“Thương cho roi cho vọt” nghĩa là gì?

“Thương cho roi cho vọt” là câu tục ngữ không quá xa lạ với tất cả mọi người. Câu tục ngữ được ông cha ta truyền lại cho con cháu đời sau để răn dạy và giáo dục con cái.

“Thương cho voi cho rọt” nghĩa là những người thương chúng ta thì hay dùng đòn roi răn dạy. Vì thấy hư hỏng nên mới dùng đòn roi để chúng ta được tốt hơn.

Ngược lại với câu trên còn có câu “ghét cho ngọt cho bùi” mang ý nghĩa những người ghét chúng ta thường hay nói lời ngọt ngào, bùi tai để nâng đỡ, tâng bốc khiến chúng ta không nhìn thấy được khuyết điểm của mình.

Giải thích ý nghĩa câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” 1
"Thương cho roi cho vợt" là tục ngữ thường được áp dụng trong việc giáo dục con trẻ - Ảnh: Internet

Như vậy, “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là câu tục ngữ ông bà ta muốn nhắn nhủ về cách giáo dục con cái. Chữ “voi rọt” không phải lúc nào cũng đánh, mà có nghĩa là sự nghiêm khắc trong cách dạy con.

Trong Minh Đạo Gia Huấn có nói: “Dưỡng nhi bất giáo, nãi phụ chi quá/ Giáo nhi bất nghiêm, nãi sư chi nọa”, nghĩa là nếu nuôi mà không dạy thì người cha có lỗi lầm, dạy mà không nghiêm thì người thầy sẽ bị sa đọa. Trong hai câu này đều có chữ “giáo” và chữ “nghiêm”, tức là giáo dục đều phải có sự nghiêm khắc.

Vì sao lại nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”?

 “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” xuất phát từ truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Ở đó, con cái luôn được yêu thương bảo bọc nhưng đồng thời vẫn cần tới “roi vọt” cho con nên người.

Câu tục ngữ sử dụng hai từ ngữ đối lập nhau đó là “thương” và "ghét". Hiểu đơn giản, ai thương bạn sẽ dùng những lời răn đe, thậm chí dùng đòn roi để dạy bạn, còn người ghét bạn thì lại dùng những lời đường mật, ngọt ngào dành cho bạn. Vậy nên hãy nhớ, những lời mật ngọt chưa hẳn là tốt, và những người luôn tỏ ra hằn học với chúng ta cũng chưa hẳn là người xấu.

Và khi đặt câu nói ấy trong ngữ cảnh giáo dục, chúng ta lại càng thấy rõ sự thâm thúy, sâu sắc của ông bà ta trong việc dạy dỗ con cái.

Giải thích ý nghĩa câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” 2
Con cái cần được yêu thương, bảo bọc nhưng đồng thời vẫn cần tới “roi vọt” cho con nên người - Ảnh: Internet

Đầu tiên, trong cuốn sách Giảng luận duy biểu học của thiền sư Nhất Hạnh có nhắc đến cụm từ “hạt giống vô minh” và bản tính bên trong mỗi con người đều chứa rất nhiều hạt giống vô minh. Vô minh lại kèm theo rất nhiều hạt giống bất thiện khác như tham, sân, si, ganh ghét, đố kỵ, ác hại… Những điều bất thiện này cần phải được sửa đổi, mà muốn sửa được thì phải dạy dỗ, gọt dũa, đó chính là  “thương cho roi cho vọt”.

Thứ hai, việc mỗi gia đình hiện nay chỉ sinh từ 1 - 2 con, khiến cho mỗi đứa trẻ được sinh ra nghiễm nhiên trở thành “ông hoàng, bà chúa” trong gia đình, không sợ bất kỳ ai, kể cả cha mẹ, ông bà và cả thầy cô giáo.

“Thương cho roi cho vọt” chính là hình phạt cao nhất cho một đứa trẻ ương bướng, dạy cho con tập tuân theo kỷ luật, biết đớn đau mà không làm việc sai trái. Hơn thế, trong lúc dạy con, cha mẹ cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng. Cha phải nghiêm, mẹ phải từ, hoặc ngược lại. Nếu cả hai người cùng nghiêm hoặc cùng từ thì rất khó lòng dạy dỗ được con.

Nên nhớ rằng, phạt roi không có nghĩa là bạo lực. Rất nhiều người thuộc thế hệ xưa bị cha mẹ đánh, thầy cô phạt búng tai, vụt thước vào tay… nhưng họ vẫn chẳng hề thù ghét hay sinh lòng sân hận với ai.

Để nói một ví dụ về “roi vọt”, hẳn nhiều người còn nhớ, nhà thơ Giang Nam cũng từng bị mẹ đánh đòn vì tội trốn học. Nhưng may nhờ có những chiếc đòn roi ấy mà đã làm ông nên người, thậm chí còn dệt thành thơ, thành nhạc: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm. Có những ngày trốn học bị đòn roi…”

Có thể thấy, câu tục ngữ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” được xem như một nhận thức thường thức từ xưa đến nay, chẳng thấy ai phản đối. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là nếu yêu trẻ, muốn trẻ nên người thì phải biết dạy, kể cả dùng đòn roi; còn nuông chiều, ngọt ngào sẽ là liều “thuốc độc” lâu dài ngấm ngầm làm hại đến tương lai của trẻ.

Xem thêm:
GIải thích ý nghĩa tục ngữ 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây' nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Nhất tự vi sư, bán tự vi sư’ nói lên điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Ăn cháo đá bát" lên án điều gì?

Quan niệm “thương cho roi cho vọt” hiểu thế nào cho đúng?

Đã làm người trưởng thành, ai không từng - cả đến hơn một lần - bị cha mẹ, thầy cô mắng, đánh vì một lỗi lầm nào đó. Thế nhưng “thương cho roi cho vọt” không thể hiểu theo nghĩa hẹp: là động tác cụ thể, vật dụng cụ thể. Là “roi vọt”, “cây, que”,… để đánh đập. Hoặc dùng lời mắng nhiếc, phỉ báng, đàn áp các con, khi thấy chúng mắc lỗi lầm và coi đó như một cách giáo dục.

“Thương cho roi cho vọt” không phải “mượn danh” vì yêu quý, chăm lo mà hở một tí là cầm roi, rồi đánh mắng, đe nẹt. Nhiều người vì muốn cho con trẻ sợ mà tỏ ra xa cách, mặt lạnh như tiền, hỏi han, trò chuyện như hỏi cung… Điều này vô tình tạo thành một khoảng cách lớn giữa người chăm lo, dạy dỗ với người được dạy dỗ.

“Thương cho roi cho vọt” là không phải bạ đâu phang đấy, gặp gì đánh nấy, đánh như kẻ thù, đánh cho “lên bờ xuống ruộng”, hay “thừa sống thiếu c.hết”… Bởi đó không phải là “thương” mà đó là sự ngụy biện, là nhân danh dạy dỗ để thực hiện dã tâm. Đó nguyên hình là tội ác, là ung nhọt cần phải cắt bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.

 “Thương cho roi cho vọt” cũng không phải là sự nuông chiều quá đáng, muốn gì được nấy, mà là sự quan tâm sâu sắc, sự tôn trọng và tin cậy, bên cạnh sự giám sát và nghiêm túc thực hiện. Nếu vì sợ “roi vọt” mà nuông chiều theo những yêu cầu của trẻ, vô hình trung người lớn trở thành kẻ tiếp tay cho những thói hư tật xấu mà đáng ra trẻ đã chẳng mắc phải nếu được giáo dục đúng cách.

“Thương cho roi cho vọt” là không đánh giá cao, không tâng bốc hay ban phát lời khen bừa bãi. Chỉ khi “thương” đúng chỗ thì tình thương ấy mới phát huy được hết công năng tác dụng cho những đứa trẻ sau này.

Nói một cách công bằng cha mẹ có thể dùng “roi vọt” với con nhưng phải để con hiểu vì sao mình lại bị như vậy. Để con có đau thì vẫn “thấm” được sự yêu thương, tôn trọng và kỳ vọng của cha mẹ… Và cũng để con hiểu rằng: “Cha/mẹ đánh không vì ghét, mà để cho mình ngoan lên…” Chỉ có như thế, thì dù là “đòn roi” cũng chẳng kém sự “ngọt ngào”.

Giải thích ý nghĩa câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” 3
Dạy con để con hiểu rằng: “Cha/mẹ đánh không vì ghét, mà để cho mình ngoan lên…” - Ảnh: Internet

Thương cho “roi, vọt” thế nào để không trở thành hành vi bạo lực trẻ em?

Với phương châm giáo dục đặt “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” lên hàng đầu thì chẳng ai muốn áp dụng những hình phạt nghiêm khắc với con cái, học trò... Thế nhưng, trong thực tế, không ít trẻ chưa ngoan, lười biếng, nghịch phá đủ trò, có lúc còn vượt ra cả khuôn phép đạo đức xã hội.

Do đó, trong một số trường hợp bắt buộc phải dùng “roi vọt”. Nhưng để “roi, vọt” không trở thành hành vi bạo lực trẻ em, người lớn cần hiểu rõ từ “đánh” ở đây phải xuất phát từ một lý do chính đáng, và tuyệt đối không được đánh đòn thù (tức đánh cho sướng, đánh với thái độ hung bạo, đánh tới c.hết…)

Với những người, bực lên là phạt, không đúng ý là đánh vài roi… thì đó được coi là sự lạm dụng hình phạt để giải tỏa bản thân. Và “roi vọt” lúc này chỉ vì “cái tôi” là chính, nó cho thấy sự thiếu bình tĩnh, thiếu làm chủ cảm xúc, hoặc sự bất lực của người lớn, chứ chẳng liên quan gì đến tính giáo dục.

Cho nên, nếu muốn áp dụng câu nói “thương cho roi cho vọt” trong việc dạy dỗ con cái, người lớn cần phải tiến hóa câu nói lên một tầm cao mới, chứ đừng hiểu theo nghĩa thông thường.

Tầm nhìn và tính cách của mỗi người mỗi khác, vì thế cách giáo dục con cái cũng sẽ khác nhau, không thể áp đặt giống nhau. Đánh hay không đánh con thì mục đích cuối cùng hướng tới cũng đều là để con phát triển. Nhiều khi  "roi, vọt” không phải chỉ là sự ứng xử, mà còn là cách để làm cho con trẻ biết sợ, biết lo. Và trong nghĩa tích cực, chẳng ai muốn hình phạt, bởi sự ngọt ngào bao giờ cũng quý hơn đòn roi.

Trên đây là những chia sẻ về câu nói “thương cho roi cho vọt”, hy vọng nội dung bài viết sẽ mang đến bạn nhiều kiến thức bổ ích, thú vị. Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để có thể cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!

Bình luận