Chờ...

Giải thích ý nghĩa ‘Tiên học lễ hậu học văn’ ẩn chứa bài học giáo dục gì?

(VOH) - ‘Tiên học lễ hậu học văn’ từ lâu là khẩu hiệu giáo dục quen thuộc với bao thế hệ học sinh, và cũng trở thành thước đo đạo đức và nhân phẩm của một con người trong xã hội.

Có lẽ, chúng ta đã thuộc nằm lòng “Tiên học lễ, hậu học văn”, một câu khẩu hiệu giáo dục được học từ những buổi đầu cắp sách đến trường. Nhưng với tốc độ phát triển chóng mặt của xã hội, liệu “tiên học lễ hậu học văn” có bị lỗi thời? 

1. “Tiên học lễ hậu học văn” là gì? 

"Tiên học lễ, hậu học văn" được cho là quan điểm lễ nghĩa của Nho giáo. Theo thời gian dần được bổ sung để phù hợp với sự tiến bộ của thời đại và được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở giáo dục. 

tien-hoc-le-hau-hoc-van-voh-1

Câu tục ngữ bao gồm hai vế cụ thể như “Tiên học lễ” và “Hậu học văn”. Ta cần hiểu “tiên học lễ” là việc đầu tiên con người phải học tập lễ nghĩa, cách ứng xử giữa người với người trong cuộc sống. Rèn luyện đạo nhân và tu dưỡng nhân cách của bản thân.

Bởi vì lẽ đó, mà đây chính điều mà chúng ta được học ngay từ những ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường, trở thành kim chỉ nam trong giáo dục. Giúp thầy cô định hướng học tập, và nuôi dưỡng đạo đức cho những thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. 

Sau đó, mới đến “hậu học văn” đó chính là kiến thức văn hóa như những môn học được giảng dạy nhằm cung cấp kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết về mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Từ đó, mở mang trí tuệ và trở thành con người có trình độ hiểu biết. 

“Tiên học lễ, học học văn” là câu tục ngữ quý giá trong kho tàng văn học Việt Nam. Mặc dù sở hữu 2 vế câu độc lập nhưng lại tương trợ và bổ nghĩa cho nhau. Mang đến bài học sâu sắc về giáo dục trong suốt những năm qua, đó là con người trước hết cần phải biết đạo đức, lễ nghi để làm một người tốt. Sau đó mới học văn hóa, trí thức của nhân loại để trở thành người có ích cho xã hội.

Xem thêm: Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ 'Không thầy đố mày làm nên"

2. Tiên học lễ hậu học văn - Liệu có lỗi thời? 

Từ xưa đến nay, cha ông ta vẫn luôn coi trọng lễ nghĩa. Thế nhưng, trong một xã hội đang không ngừng đổi mới và giá trị con người luôn đề cao. Cùng với đó là những mong muốn mang đến nhiều điều tốt nhất, kích thích sự phát triển và khai mở tư duy cho thế trẻ, thì liệu “tiên học lễ hậu học văn” có bị lỗi thời? 

Thử hỏi, nếu chỉ cung cấp kiến thức nhưng không dạy lễ nghĩa cho trẻ em sẽ như thế nào?. Nếu không được dạy dỗ cách đối nhân xử thế, ứng xử chuẩn mực đạo đức, và “tôn sư trọng đạo” thì chúng ta sẽ ra sao? 

Có lẽ những trường hợp về bạo lực học đường, học trò đánh thầy, … sẽ xảy ra. Bởi khi ấy con người trở nên ngang ngược, bất chấp đạo lý và chỉ hành động theo cảm xúc cá nhân. 

tien-hoc-le-hau-hoc-van-voh-2

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng chẳng nên”. Thực vậy, trong quá trình học tập chúng ta không thể thiếu “cái gốc” văn hóa chính là việc rèn luyện đạo đức. Một người có tài mà nhân cách tồi tàn thực sự là mối họa lớn cho cộng đồng! 

“Tiên học lễ, hậu hậu văn” không chỉ được xem là cách ứng xử lễ nghĩa tại trường học mà còn nền tảng hình thành tính cách của chúng ta sau này. Biết sống yêu thương ông bà, cha mẹ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh mà không mưu cầu lợi ích cho cá nhân. 

Nhìn nhận lại, mục tiêu cuối cùng của giáo dục là nuôi dưỡng những con người vừa có tài, vừa có đức. Thế hệ làm chủ đất nước phải sở hữu đầy đủ cả trí tuệ lẫn đạo đức mới có thể giúp xã hội phát triển bền vững. 

Xem thêm: Học để hiểu câu thành ngữ ‘Ôn cố tri tân’, triết lý về giáo dục của Khổng Tử 

3. Những thành ngữ, tục ngữ nổi bật về giáo dục 

"Tiên học lễ, hậu học văn" chứa đựng bài học nhân sinh sâu sắc, nền tảng giáo dục để con người hướng đến sự hoàn thiện về nhân cách và trí tuệ. Cùng tham khảo những câu thành ngữ, tục ngữ ý nghĩa dưới đây: 

  1. Yêu con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi.
  2. Con học, thóc vay.
  3. Học ăn, học nói, học gói, học mở.
  4. Chẳng học lấy đâu biết chữ.
  5. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
  6. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
  7. Học tài thi phận.
  8. Măng không uốn, uốn tre sao được.
  9. Non chẳng uốn, già nổ đốt.
  10. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.
  11. Làm người chữ "Lễ" đứng đầu
    Kế đến chữ "Nghĩa" ngàn sau để đời.
  12. Học là học để làm người
    Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi.
  13. Chẳng cây lấy đâu có thóc
    Chẳng học lấy đâu biết chữ.
  14. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
    Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.

Xem thêm: Những câu nói về Tâm và Đức - nền tảng đạo đức con người

4. Tổng hợp câu nói hay nhất về giáo dục 

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách cũng như góp phần vào sự thành công của mỗi người. Chúng ta cùng suy ngẫm những câu nói nổi tiếng về giáo dục ngay sau đây: 

tien-hoc-le-hau-hoc-van-voh-3
  1. Giáo dục là nghệ thuật biến con người thành có đạo đức. – Hegel 
  2. Kết quả cao nhất của giáo dục là sự khoan dung. – Helen Keller
  3. Có hai kiểu giáo dục. Một kiểu dạy chúng ta làm thế nào để sống, và kiểu còn lại dạy chúng ta phải sống như thế nào. – John Adams 
  4. Giáo dục như ánh thái dương phản chiếu cả đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo. – Pestalogi
  5. Giáo dục là một quá trình tự nhiên được thực hiện bởi trẻ nhỏ và không đạt được nhờ lắng nghe mà nhờ trải nghiệm trong môi trường. – Maria Montessori 
  6. Trẻ em phải được giáo dục, nhưng chúng cũng cần được để mặc cho tự giáo dục bản thân. – Abbé Dimnet 
  7. Trường học nên giữ một vai trò chủ động trong việc định hướng các thay đổi xã hội, và tham gia vào việc xây dựng trật tự xã hội mới. – John Dewey 
  8. Quan trọng không phải là bề ngoài, mà là tinh túy. Quan trọng không phải là tiền bạc, mà là học thức. Quan trọng không phải là quần áo, mà là phong cách. – Coco Chanel
  9. Dạy học bao gồm nhiều việc hơn là chỉ trao đi tri thức, nó đòi hỏi truyền cảm hứng cho thay đổi. Học hỏi bao gồm nhiều việc hơn là chỉ tiếp thu kiến thức, nó đòi hỏi sự thấu hiểu. – William Arthur Ward
  10. Tất cả những tương tác của ta với trẻ nhỏ rồi sẽ kết trái, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong con người trưởng thành của đứa trẻ về sau. – Maria Montessori 

Hy vọng, qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn là gì?”. Từ đó thấy được giá trị con người không chỉ đánh giá, so sánh qua vẻ bên ngoài mà còn cả lối sống lễ nghĩa và đạo đức. 

Sưu tầm 
Nguồn ảnh: Internet 

Bình luận