Chờ...

Trộm vía là gì? Tại sao khi khen trẻ con phải nói trộm vía

(VOH) - ‘Trộm vía nhóc con kháu khỉnh quá’, ‘trộm vía bé nhà mình ngoan quá’,... Đó là những câu nói khi người lớn khen trẻ nhỏ. Thế nhưng, sao khen ngợi phải thêm từ ‘trộm vía’ và trộm vía là gì?

“Trộm vía” là một tính từ được dùng với mục đích khen ngợi của người lớn dành cho trẻ em. Ví dụ “trộm vía bé con ngoan quá”, “trộm vía bé bụ bẫm quá”. Những câu nói ấy đã trở thành thói quen của người Việt và nó được sử dụng rộng rãi, phổ biến. Tuy nhiên, ít ai biết đến ý nghĩa thực sự của từ “trộm vía”. Hãy cùng bài viết tìm hiểu kỹ về khái niệm cũng như nguồn gốc của nó nhé!

1. Trộm vía là gì?

trom-via-la-gi-voh-0
Trộm vía là gì?

"Trộm vía" không có một khái niệm cụ thể nào. Cụm từ này được sử dụng chủ yếu ở miền Bắc và về sau trở nên phổ biến khắp mọi nơi. Theo dân gian, con người thường có bảy vía. Vì vậy, người ta quan niệm rằng trẻ em dễ bị ốm đau nếu chẳng may đụng chạm bảy vía đó. Từ “trộm vía” mang đậm văn hóa tâm linh, thể hiện một phần bản sắc con người Việt Nam nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung. 

Từ “trộm vía” dùng để diễn tả sự khỏe mạnh, đáng yêu của trẻ nhỏ. Đặc biệt, người xưa cho rằng trẻ em mới sinh ra, vía còn yếu nên cần được gìn giữ. Việc thêm từ “trộm vía” vào những câu khen ngợi nhằm bảo vệ vía của con nhỏ trước các vía dữ, tránh điềm gở. Nó được xem như một lời xin phép với các đấng bề trên vì em bé có ngoan ngoãn, bụ bẫm, đáng yêu là nhờ tổ tiên, thần linh phù hộ. 

Xem thêm: Chân lý có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống thực tiễn con người?

2. Tại sao phải nói trộm vía khi khen trẻ nhỏ?

Quan niệm dân gian “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì thế ngoài việc cha mẹ thường đặt những cái tên biệt danh cho con để dễ nuôi và tránh điều xấu thì khi người lớn muốn khen trẻ nhỏ thì phải khen ngược lại hoặc phải thêm từ “trộm vía” phía trước. Cách nói ấy giúp tránh những cái kiêng kị, xua đuổi ma quỷ, bảo vệ trẻ nhỏ.

trom-via-la-gi-voh-1
Nam có ba hồn bảy vía, nữ có ba hồn chín vía

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, người xưa tin rằng nam có ba hồn bảy vía, còn nữ có ba hồn chín vía. Vía là biểu tượng cho nguồn năng lượng tinh thần giúp con người sống khỏe mạnh, yêu đời. 

Ông đưa ra nhận định: “Khi con người bị đau yếu thì người ta tin có một vía nào đó bị phạm, nó có thể phạm theo nhiều cách nhưng người Việt tin rằng những tác động bên ngoài vào mắt, mũi miệng lưỡi thì khiến cho vía bị lay động và có thể dẫn tới bệnh tật.”

Ông còn chỉ ra rằng, tại sao người ta sử dụng từ “trộm vía” chứ không phải “trộm hồn”. Vì trong cổ Hán ngữ, hồn vía là cách đọc cổ xưa bắt nguồn từ hai chữ hồn phách. Hồn chỉ phần tinh thần linh thiêng, còn phách là phần tinh khí trong con người. Từ khách khi chuyển sang tiếng Việt cổ có nghĩa là vía. Thế nên, từ vía tượng trưng cho khí chất, thể chất của con người. Do đó, ông bà ta dùng từ trộm vía thay từ trộm hồn (chỉ nói trước người đã mất).

Nhà nghiên cứu còn khẳng định, sử dụng từ “trộm vía” kết hợp với các hậu tố chỉ thể hiện quan niệm dân gian mang màu sắc tâm linh, chứ không dựa vào một căn cứ khoa học nào. Ví dụ như “Trộm vía bé kháu khỉnh quá”, “Trộm vía cháu bụ bẫm quá”, “Trộm vía bé thông minh quá”.... 

Xem thêm: Suy ngẫm những triết lý sống ngắn nhưng đầy ý nghĩa

3. Sự khác nhau của từng vùng miền khi áp dụng từ trộm vía

Từ “trộm vía” có nguồn gốc từ miền Bắc, về sau mới sử dụng rộng rãi ở các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, ngoài áp dụng từ “trộm vía”, người Trung bộ và khu vực miền Nam sẽ có cách thức khen ngợi các bé khác nhau.

trom-via-la-gi-voh-2
Trộm vía bé đáng yêu quá!

Thông thường, người miền Bắc hay sử dụng từ “trộm vía” trong các câu sau như “Trộm vía bé háu ăn quá!”, “Trộm vía bé ngoan quá!”, “Trộm vía bé đáng yêu quá!”, “Trộm vía bé kháu khỉnh quá!”, “Trộm vía bé bụ bẫm quá!”,...người Trung bộ và khu vực miền Nam sẽ ít khi thêm từ “trộm vía” vào trong câu mà có cách khen ngược lại. Chẳng hạn, “Bé trông ghét quá!”, “Bé có tướng ngủ xấu quá!”, “Bé đen quá!”,... Những câu nói này có ý nghĩa là khen đứa bé đó đáng yêu, ngoan hiền, bụ bẫm, trắng trẻo.

Ngày nay, từ “trộm vía” được dùng một cách rộng rãi và trở thành thói quen trong giao tiếp hằng ngày của mọi người. Không ai chứng minh sẽ có chuyện gì xảy ra khi khen một đứa bé nào đó nếu thiếu từ “trộm vía”, nhưng có “có kiêng có lành”. Đây được xem là một văn hóa tín ngưỡng mà người Việt Nam tôn thờ.

Xem thêm: Cách giúp bạn rèn luyện ý chí nghị lực sống

4. Trong cuộc sống hằng ngày từ trộm vía có ý nghĩa gì?

Dưới đây là một số ý nghĩa của từ “trộm vía” trong cuộc sống hằng ngày như trộm vía 2 vạch bỏ bụng, trộm vía bỏ bụng, trộm vía da đẹp. Hãy cùng tìm hiểu xem chúng có ý nghĩa gì nhé!

4.1 Trộm vía 2 vạch bỏ bụng 

Con cái là lộc trời cho, là kết tinh tình yêu của những cặp vợ chồng. Tuy nhiên, có nhiều kết hôn đã lâu nhưng chưa có con nên cảm thấy sốt ruột. Do đó, nhiều phụ nữ đã “xin vía” từ những người chị em “mắn đẻ”. Trộm vía 2 vạch bỏ bụng là cầu mong bản thân nhanh chóng có thai để có thể hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.

trom-via-la-gi-voh-3
Trộm vía 2 vạch bỏ bụng là cầu mong bản thân nhanh chóng có thai

4.2 Trộm vía bỏ bụng

Khi bạn đang mang thai lại trông thấy một đứa bé nào đó quá ngoan ngoãn, bụ bẫm, khỏe khoắn. Bạn sẽ có một khát khao mong rằng con của mình chào đời cũng được như vậy nên đã xin “trộm vía bỏ bụng”. Đây là quả một ước ao nho nhỏ đáng yêu của các bà mẹ phải không nào?

4.3 Trộm vía da đẹp

Khi ai đó sở hữu một làn da căng mịn, trắng hồng, đẹp không tì vết một phần do tùy cơ địa mỗi người và họ biết cách chăm sóc da kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn rất ngưỡng mộ làn ấy và xin trộm vía da đẹp để lấy động lực cho bản thân. 

Có thể nói, từ “trộm vía” đã trở thành câu nói cửa miệng của người Việt Nam khi muốn khen ngợi một đứa bé nào đó. Nó thể hiện được sắc thái văn hóa của dân tộc ta. Hy vọng bài viết sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích và giải đáp được thắc mắc cho mọi người về ý nghĩa của từ “trộm vía” trong cuộc hằng ngày.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận