Chờ...

Yếu đuối là gì? 8 dấu hiệu nhận biết người yếu đuối

(VOH) - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu đuối trong tâm hồn nhưng chúng ta vẫn có thể khắc phục được. Dưới đây là 8 biểu hiện của người yếu đuối, liệu bạn có nằm trong số đó?

"Hãy mạnh mẽ nhưng đừng thô lỗ. Hãy tử tế nhưng đừng yếu đuối. Hãy mạnh bạo nhưng đừng bắt nạt. Hãy khiêm nhường nhưng đừng nhút nhát. Hãy kiêu hãnh nhưng đừng kiêu ngạo." 
–  Zig Ziglar

Yếu đuối hay mạnh mẽ chính là một trong những yếu tố quyết định bạn là ai, bạn là người như thế nào. Vậy bạn yếu đuối hay mạnh mẽ, hãy tự đánh giá qua những tiêu chí sau nhé!

Yếu đuối là gì?

Yếu đuối là một khái niệm chung chỉ trạng thái thiếu hẳn sức mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần.

  • Xét về thể trạng, người yếu đuối là những người ốm yếu, gầy gò, xanh xao, thường xuyên mệt mỏi, dễ dàng sinh bệnh.
  • Xét về tinh thần, yếu đuối là một người khó có thể chịu được khó khăn, thử thách hay gian khổ, dễ dàng suy sụp khi gặp biến cố.

Yếu đuối về thể trạng và yếu đuối về tinh thần có liên quan đến nhau, nếu một bên gặp vấn đề, bên còn lại cũng bị ảnh hưởng.

Xem thêm: 8 cách giúp bạn tôi luyện ý chí, vững tâm và luôn mạnh mẽ trước mục tiêu đã vạch ra!

Dấu hiệu nhận biết người yếu đuối

Ngày nay chế độ dinh dưỡng và ăn uống, cũng như rèn luyện thể thao được tăng cường, nhờ đó yếu đuối về thể chất đã không còn là điều đáng lo ngại. Thay vào đó, tinh thần yếu đuối lại là một vấn đề “nhức nhối” trong xã hội hiện đại. Chúng ta cùng điểm danh lại những dấu hiệu nhận biết thế nào là một người yếu đuối nhé.

1. Bi quan

Bi quan là kiểu người luôn nhìn đời theo chiều hướng tiêu cực, thay vì nghĩ “người ta làm được mình cũng làm được” người bi quan lại luôn mang tư tưởng “khó quá, bỏ qua đi”. Trước mọi rắc rối hay khi gặp vấn đề khó giải quyết, người bi quan luôn tìm cách “chạy trốn” thay vì đối diện và thử sức. Chính vì thế mà người bi quan luôn là những người thua kém và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.

Những suy nghĩ thường gặp ở người bi quan:

  • “Nghe nói kì thi này khó lắm, chắc mình không đậu nổi đâu, không cần cố gắng cho cực thân”,
  • “Cuộc thi này nhiều người tham gia quá, không thi cũng biết mình rớt chắc”,
  • “Cô gái đó có nhiều người tán tỉnh quá, thôi bỏ đi chắc mình không có cửa đâu”.
yeu-duoi-la-gi-cach-nhan-biet-nguoi-yeu-duoi-voh-8
 

2. Không kiểm soát được cảm xúc

Trong mọi tình huống dù là vui hay buồn bạn dễ dàng bộc lộ cảm xúc của mình ra bên ngoài, như cười, khóc, tức giận, cáu gắt, lúng túng, hấp tấp, thiếu kiên nhẫn…

Người ngoài nhìn vào nghĩ rằng bạn là người thô lỗ, nóng tính nhưng thật ra vì bạn không thể kiểm soát được cảm xúc của mình chứ lúc đó hoàn toàn không có ý hành xử như vậy. Sau khi sự việc xảy ra, những người không kiểm soát được cảm xúc có xu hướng hối hận và bức rức, cứ suy nghĩ về sự việc đã qua mà buồn rầu.

yeu-duoi-la-gi-cach-nhan-biet-nguoi-yeu-duoi-voh-7
 

Xem thêm: Chịu đựng là gì? Bạn có phải là người giỏi chịu đựng?

3. Không có chính kiến

Người không có chính kiến dễ dàng bị tác động bởi ý kiến và nhận xét của người khác mặc dù bản thân có thể nhận biết được đâu là đúng là sai, cái gì nên làm không nên làm. Mặc dù đã đưa ra quyết định nhưng chỉ vì một số tác động từ người khác, người không có chính kiến sẽ lập tức thay đổi quan điểm và “xuôi chèo” theo chiều ngược lại. Chính vì vậy người không có chính kiến còn thường bị gọi là “kẻ ba phải”, nhưng thật ra khả năng phản kháng và tự quyết của họ khá yếu ớt, nhất là khi bị đối phương áp đảo.

yeu-duoi-la-gi-cach-nhan-biet-nguoi-yeu-duoi-voh-6
 

Xem thêm: Làm cách nào để giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống?

4. Thụ động

Người thụ động luôn chờ đợi người khác vẽ sẵn kế hoạch, đường đi nước bước cho mình rồi làm theo mà không tự thân vận động. Chính vì vậy họ bị lệ thuộc vào người khác, mất khả năng tự lập, có xu hướng dựa dẫm. Lâu dần thành thói quen, người thụ động luôn đợi chờ người khác giúp đỡ, đưa ra lời khuyên, sự hướng dẫn, tính đấu tranh cũng theo đó mà không còn. Khi gặp khó khăn người thụ động có xu hướng mặc kệ dòng đời xô đẩy, tới đâu thì tới, không còn ý chí đấu tranh để sinh tồn hay vươn lên trong cuộc sống.

yeu-duoi-la-gi-cach-nhan-biet-nguoi-yeu-duoi-voh-5
 

Xem thêm: Làm thế nào để nuôi dưỡng niềm tin trong cuộc sống? 6 cách tưởng chừng đơn giản này lại chính là câu trả lời hay nhất

5. Phân vân

Người phân vân luôn lưỡng lự và cảm thấy khó khăn khi có nhiều sự lựa chọn, họ cảm thấy cái nào cũng được mà thật ra cái nào cũng không được. Chính vì sự phân vân của mình mà họ dễ dàng bị rối, cứ do dự mãi chẳng thể tự đưa ra quyết định cho sự vật, sự việc nào cả. Hệ lụy của phân vân chính là làm mọi việc trở nên chậm trễ nhưng kết quả có khi còn tệ hơn lựa chọn ban đầu vì nhìn nhiều, nghĩ nhiều dễ dàng bị “loạn”.

yeu-duoi-la-gi-cach-nhan-biet-nguoi-yeu-duoi-voh-4
 

6. Quá bận tâm đến lời người khác nói

Một trong những biểu hiện của người yếu đuối chính là quá bận tâm đến điều người khác nói, quá bận tâm đến suy nghĩ và nhận xét của người khác về mình. Họ dễ buồn rầu, đa sầu, đa cảm và cảm thấy bản thân kém cỏi khi bị chê bai, vì những lời nói vu vơ của người lạ mặt mà suy nghĩ nhiều, dù tính xác thực của điều đó không có. Đôi khi chỉ vì một lời nói chơi, một câu đùa giỡn cũng làm họ bận tâm và cho rằng người đó không thích họ, chê bai họ, để rồi chìm đắm trong mớ cảm xúc tiêu cực, phí phạm thời gian, tổn hao tinh thần.  

yeu-duoi-la-gi-cach-nhan-biet-nguoi-yeu-duoi-voh-3
 

Xem thêm: 8 cách ai cũng có thể làm để vực dậy tinh thần, xóa tan sự tuyệt vọng đang xâm lấn tâm hồn

7. Nhút nhát

Người nhút nhát không thích đến nơi đông người, sợ đứng trước đám đông, sợ khác biệt với mọi người xung quanh, sợ bản thân trở nên nổi bật dù cho sự nổi bậc đó là tích cực. Trước những quyết định lớn lao họ luôn sợ sệt, sợ quyết định của mình là sai, sợ kết quả không như ý muốn. Họ luôn e dè và sợ người khác chú ý, nhìn ngắm, phán xét mình.

Khi bị ức hiếp, họ cũng câm lặng chịu đựng rồi cho qua mà không dám phản kháng, bảo vệ bản thân. Thấy người khác nói sai, làm sai cũng vậy, cũng đành ngó lơ cho qua chuyện. Người nhút nhát ôm hết lo lắng, ưu tư và sợ sệt vào người, một mình chịu đựng, không dám chia sẻ với ai, tích tụ dần dễ khiến bản thân trở nên trầm cảm, xa cách với xã hội.

yeu-duoi-la-gi-cach-nhan-biet-nguoi-yeu-duoi-voh-1
 

8. Sợ thay đổi

Ngoài những biểu hiện trên đây, người yếu đuối còn lo sợ thay đổi vì cho rằng sự đổi mới luôn khó khăn hơn nhưng chưa chắc đã tốt đẹp hơn. Họ thích an toàn, không dám thử thách bản thân, không dám trải nghiệm cái mới, chưa làm nhưng đã nghĩ làm thật khó, không làm được. Chính vì vậy người sợ thay đổi bị đẩy lùi về phía sau, luôn đi sau người khác một bước, đôi lúc còn bị “tụt hậu”.

yeu-duoi-la-gi-cach-nhan-biet-nguoi-yeu-duoi-voh
 

Con người chúng ta sinh ra không ai là hoàn hảo, không ai là thật sự mạnh mẽ cả, vì vậy qua những biểu hiện yếu đuối trên đây nếu bạn có vướng phải một vài điều cũng là chuyện hết sức bình thường, đừng vì vậy mà suy nghĩ nhiều rồi buồn rầu nhé. Thay vào đó, hãy biết điểm yếu của mình ở đâu và tiến hành khắc phục, thay đổi dần để trở nên mạnh mẽ, hoàn thiện bản thân hơn trong cuộc sống.   

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận