Campuchia, bài ca không quên
(VOH) – Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, nước Việt Nam vẫn tưởng có thể bắt tay vào xây dựng đất nước, thì kẻ thù mới lại xuất hiện.
Chúng ta không thể nào quên những tháng ngày lửa cháy ngùn ngụt ở các làng xã người Việt dọc biên giới Tịnh Biên An Giang, Samat Tây Ninh, làng 9 làng 10 Lộc Ninh... những vùng dọc biên giới Việt Nam - Campuchia suốt từ những năm 1975 đến 1978. Hàng ngày tin tức chiến sự được lan đi trên báo chí và làn sóng phát thanh, truyền hình. Những năm tháng không quên đó, hàng ngàn ngôi nhà bị đốt cháy, hàng chục ngàn đồng bào người Việt bị thảm sát bởi tham vọng ngông cuồng của tập đoàn Polpot Iêng Sary.
Dưới sự giật dây của các thế lực phản động, đội quân của Polpot đã tàn sát hơn nửa dân số Campuchia trước khi xua quân sang xâm lấn nước ta, chúng bắn phá, giết hại dân lành vô tội người Việt dọc biên giới. Mục đích của chúng là tìm cách hạn chế sự lớn mạnh của nước Việt Nam thống nhất, tiêu hao tiền của sinh lực của Việt Nam, chúng đã gây những tổn thất nặng nề về sinh mạng cũng như vật chất cho dân tộc ta, buộc lực lượng vũ trang ta phải chiến đấu để tự bảo vệ. Tuy nhiên, những đòn trừng phạt đầu tiên của chúng ta chưa đủ mạnh để làm cho nhà cầm quyền Polpot nhụt chí, trái lại chúng càng ngày càng đẩy mạnh cuộc chiến trên toàn tuyến biên giới.
Việt Nam, không còn một sự chọn lựa nào khác, một lần nữa các thế hệ thanh niên lại cầm súng lên đường bảo vệ tổ quốc. Chúng ta đã sát cánh cùng mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia - tổ chức tiền phong của Đảng nhân dân Campuchia (CPP) và lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia do ông Hunxen làm chỉ huy trưởng để giúp bạn tiến hành chống lại chế độ bạo tàn của tập đoàn Polpot Iêng Sary.
Tháng 8-1978, Phó tư lệnh quân khu Đông Bắc - ông Hêng Xom rin - đứng ra lập vùng giải phóng và tập hợp các lực lượng chống lại chế độ diệt chủng Polpot. Tại vùng giải phóng tỉnh Kratiê, ngày 2-12-1978, ông Hêng Xom rin cùng các đại biểu các tầng lớp nhân dân Campuchia yêu nước chống bọn Polpot Iêng Sary đã họp đại hội thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia. Mặt trận kêu gọi nhân dân hãy sát cánh cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu chống Khmer đỏ. Từ ngày 26 đến 30-12-1978, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã giải phóng nhiều vùng rộng lớn trên đất nước Chùa Tháp. Ngày 6-1-1979, các đơn vị chiến đấu cách mạng Campuchia và bộ đội Việt Nam đánh chiếm Nieklương rồi tiến quân vào Phnôm Pênh. Đúng 10 giờ sáng, địch bỏ cầu Monivông rút chạy và 12 giờ ngày 7-1-1979, thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng trong tình trạng nguyên vẹn. Ngay hôm sau, ngày 8-1, Hội đồng nhà nước Campuchia được thành lập gồm 6 thành viên do ông Hêng Xom rin làm chủ tịch. Ngày 18-2, hai nước Việt Nam và Campuchia ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị. Chính phủ Campuchia ra thông báo yêu cầu quân đội Việt Nam tiếp tục chiến đấu giúp nhân dân Campuchia chống bọn tàn quân Polpot, bảo vệ thành quả cách mạng đã đạt được. Xuất phát từ hiệp ước đã ký kết và tuyên bố của chính phủ cách mạng Campuchia, Việt Nam tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn diệt tàn quân Polpot, xây dựng chính quyền cách mạng, bảo vệ thủ đô Phnôm Pênh và hoàng cung, thiết lập an ninh trật tự và xây dựng lại đất nước.
Nhưng những người lính tình nguyện vẫn còn nhớ như in cảnh những làng mạc hoang tàn, những ngôi nhà nghi ngút cháy, những nấm mộ vô chủ chôn lấp vội vàng nghi ngút khói hương và mùi tử khí. Những cánh đồng xương người còn tươi rói, những bãi xác người bị tàn sát tập thể chưa kịp phân hủy cùng với những cuốc chim, búa rìu nằm lăn lốc cạnh những tượng thần cụt đầu mà bọn diệt chủng dùng làm đá mài để mài sắc dao rựa cho những cuộc tàn sát chính đồng bào mình. Hơn 3,3 triệu người, một nửa dân số của Canlpuchia đã bị tàn sát trong một cuộc diệt chủng tàn bạo và dã man nhất mà con người có thể tưởng tượng ra.
Trong một bài diễn văn kỷ niệm ngày nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, chủ tịch Đảng nhân dân cách mạng Chea Sim đã đề cập các nhân tố tạo nên chiến thắng ngày 7-1-1979 lịch sử, trong đó nhấn mạnh sự giúp đỡ trong sáng và kịp thời của quân tình nguyện VN cũng như tất cả bạn bè gần xa. Chủ tịch Chea Sim cho rằng chiến thắng 7-1 là chiến thắng của toàn thể nhân dân Campuchia, đem lại sự hồi sinh cho toàn thể dân tộc và đó là một thực tế lịch sử không ai có thể phủ nhận được.
Hoàng Thân Nôrôđôm Xihanúc đã nói: Không có bộ đội VN giúp đỡ giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, thì vương quốc Campuchia cũng không còn.... Sự thật lịch sử đó cũng đã được Thủ tướng Campuchia Hunxen khẳng định nhiều lần. Trong chuyến thăm VN vào tháng 11-2008, khi ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Campuchia với nhân dân, Quân đội Nhân dân VN và tuyên bố sẽ tổ chức trọng thể 30 năm ngày đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, Ngài Hêng Xom rin, Chủ tịch quốc hội Campuchia nhớ lại: “Khi ấy, nhân dân Campuchia chịu vô vàn đau khổ, gần như đã tuyệt vọng, chỉ nghĩ đến cái chết. Trong bước đường cùng, họ cầu nguyện Phật hiển linh cứu thoát. Đúng lúc ấy, QĐND Việt Nam đã có mặt kịp thời, chiến đấu với quân Polpot, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng...”
Đã 30 năm trôi qua, đất nước Campuchia ngày nay đã hồi sinh từ đống tro tàn, thế giới biết đến Campuchia như xứ sở của những cánh đồng lúa ngút ngàn, những tàng lá thốt nốt xanh mướt thấp thoáng những ngôi chùa, đền đài uy nghi, những tượng thần Apsara xinh đẹp, những nụ cười Bayon minh triết. Hiện nay, Campuchia là thành viên Liên Hiệp Quốc và đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Giờ đây, trong đội hình các nước ASEAN, cùng với Việt Nam và Lào, Campuchia đang ra sức xây dựng một Hiệp hội các nước Đông Nam Á cùng hai nước Lào - Việt anh em hợp tác phát triển bền vững.
vankha