Chờ...

Đừng vội phán xét

(VOH) - Rõ ràng, giữa “hạn chế xe gắn máy” trong điều kiện phương tiện này đang bùng nổ đã bị hiểu là “cấm xe gắn máy” một cách khá dễ dãi.

Câu chuyện về “ứng xử” với xe gắn máy tại TPHCM những ngày qua chợt nóng lên bởi những đánh giá phản biện của các chuyên gia, kể cả những tranh cãi nảy lửa trên nhiều diễn đàn từ báo chí, mạng xã hội đến những buổi trà dư tửu hậu.

Nhưng đáng quan tâm là có những thông tin không sát sườn, khiến nhiều người có thể bị lẫn lộn về một dự thảo kế hoạch của ngành giao thông thành phố đối với việc sử dụng phương tiện cá nhân ra sao trong tương lai.

Sau Hội nghị phản biện dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tại TPHCM mới đây, khắp nơi người ta bàn luận sôi nổi về vấn đề này. Thậm chí, sự việc bị đẩy lên đến mức “nhiễu loạn” dẫn đến suy diễn rằng, TPHCM sẽ cấm xe gắn máy. Đến nỗi, Phó chủ tịch UBND TP, ông Trần Vĩnh Tuyến phải giải thích rõ với truyền thông là “TPHCM không cấm xe gắn máy” mà chỉ đang bàn về lộ trình hạn chế xe gắn máy vì phương tiện này quá nhiều, cùng với đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng để người dân lựa chọn.  

Rõ ràng, giữa “hạn chế xe gắn máy” trong điều kiện phương tiện này đang bùng nổ đã bị hiểu là “cấm xe gắn máy” một cách khá dễ dãi.

Trước đó, trong những câu chuyện bên bàn cà phê hay thậm chí trên nhiều phương tiện truyền thông, người ta cũng bàn ra rả chuyện TPHCM có thể sẽ cấm xe gắn máy: cấm hay không, cấm như thế nào, khi nào cấm hoặc cấm xe gắn máy có vi phạm quyền sở hữu tài sản của người dân hay không.v.v. Nhưng rõ ràng giữa hạn chế và cấm là 2 chuyện khác nhau.

Lượng xe máy đang quá tải ở TPHCM

Ảnh minh họa

Ngay cả kết quả khảo sát “mini” mà Viện chiến lược & phát triển giao thông vận tải (TDS) thuộc Bộ Giao thông vận tải vừa công bố cũng có thể đang bị hiểu sai. Nguyên nhân có thể do quá trình công bố, cơ quan chức năng không nói rõ rằng: gần 63% người dân thành phố “được phát phiếu khảo sát” đồng tình với hạn chế xe cá nhân hoặc truyền thông diễn giải sai về tỷ lệ gần 63% này là “trên tổng số dân thành phố”. Thực tế, “trên tổng số người dân được khảo sát” và “trên tổng số dân thành phố” là sự khác biệt rất lớn nên cũng dễ gây hiểu nhầm và dẫn đến tranh cãi.  

Phải thừa nhận rằng, xe gắn máy là phương tiện kiếm sống rất thiết thân của hàng chục triệu gia đình Việt Nam. Riêng tại TPHCM theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 8 triệu xe gắn máy và gần 650 ngàn ô tô đang lưu thông. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà khả năng vận tải hành khách công cộng chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân thì chắc chắn chính quyền TPHCM không thể cấm phương tiện này ngay được.

Vì vậy, ngành giao thông thành phố mới đưa ra dự thảo với 36 nhóm giải pháp về lộ trình tăng cường vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện xe cơ giới cá nhân cá nhân, tiến tới có thể ngưng hoạt động xe gắn máy ở một vài khu vực trung tâm cũng là điều dễ hiểu. Bởi trong quá trình phát triển từ kinh nghiệm của nhiều nơi trên thế giới thì xe gắn máy đã gây ra những hệ lụy nặng nề cho không gian đô thị. Như vậy việc cân nhắc, hạn chế xe cá nhân, tăng cường năng lực của phương tiện công cộng nhằm thay thế dần và đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân là chuyện phải làm.

 Thử hỏi, với một đô thị hơn 10 triệu dân như TPHCM, mỗi ngày có thêm 1.000 xe gắn máy và ô tô đăng ký mới trong khi đường sá chẳng thể “nở” ra được thì đến một lúc nào đó mọi người có thể chịu nổi sự ô nhiễm về khói bụi, về ùn tắc với lượng phương tiện cá nhân tăng cơ học đến mức khổng lồ hay không?  

Trong khi đó, ở những đô thị được xem là hiện đại, văn minh trên thế giới như Singapore, Thượng Hải, Quảng Châu, Tokyo...chính quyền và người dân sở tại cũng phải chấp nhận đánh đổi với một cái giá không rẻ để hạn chế, thậm chí cấm hẳn xe gắn máy lưu thông vào khu vực trung tâm. Vì vậy, với một đô thị đang phát triển như TPHCM, luôn đối mặt với hàng loạt những thách thức, nhất là vấn đề giao thông, quy hoạch đô thị thì chuyện hạn chế xe gắn máy song song với nâng cao năng lực giao thông công cộng để tạo sự dịch chuyển trong lựa chọn phương tiện của người dân là điều tất yếu.

Đã có nhiều chuyên gia cùng phản biện và đưa ra các giải pháp rất đáng tham khảo về lộ trình, thời gian, quy hoạch, thay đổi thói quen và cải thiện văn hóa sử dụng phương tiện cá nhân. Kể cả trong số đông đảo người dân tham gia ý kiến trên các diễn đàn, cũng có không ít ý kiến hay đáng để ngành chức năng cân nhắc, tính toán. Nhưng trên hết nhằm hướng tới một giải pháp tối ưu, mở ra điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và xây dựng bộ mặt văn minh hiện đại cho đô thị TPHCM thì một chính sách, kế hoạch của chính quyền cần phải được hiểu đúng.

Như vậy dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, thậm chí “nếu có thể cấm” xe gắn máy nhưng cấm theo khu vực nào, thời gian nào là thích hợp khi phương tiện công cộng đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân... cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, có chiều sâu, đúng bản chất, chứ đừng vội phán xét khiến dư luận hiểu sai và làm cho vấn đề thêm phức tạp.

Bình luận