Chờ...

Muốn sạch phải nghiêm

(VOH) - Hôm nay (21/10), TPHCM tổ chức lễ phát động Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Ngoài việc chọn một số địa điểm bị ô nhiễm bởi rác thải để chính quyền địa phương và nhân dân cùng ra quân quét dọn, giải quyết dứt điểm không để tái diễn nạn xả rác, lần này thành phố yêu cầu quận - huyện chỉ đạo phường - xã phải xây dựng đội xung kích thu gom rác, đồng thời đề xuất kiên quyết xử lý các trường hợp bỏ rác sai giờ quy định.

Nghe bài viết

Muốn sạch phải nghiêm

Ngày 21/10, TPHCM phát động Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”. Ảnh minh họa: VTV

Trong một lần đến Singapore, vào một buổi chiều khi đứng bên vịnh Marina, vô tình chúng tôi nhìn thấymột người đàn ông mặc áo bib màu vàng, cầm chổi quét dọn lá cây ở công viên gần đó. Bên cạnh là một cameramen và một tay máy ảnh liên tục hướng ống kính theo người đàn ông này cùng một nữ nhân viên mặc thường phục nhưng ra dáng của một nhân viên công vụ, vừa quan sát, vừa hướng dẫn để người đàn ông làm theo.

Vì hiếu kỳ, chúng tôi tiến lại gần hơn và nhìn thấy dòng chữ trên lưng chiếc áo bib với nội dung “Corrective work order”, tạm dịch “làm theo lệnh trừng phạt” hoặc hiểu theo nghĩa nhẹ nhàng hơn là “bị phạt lao động công ích”. Thì ra, người đàn ông này đã xả rác bừa bãi. Ngoài việc phải đóng phạt 1.000 đô la Singapore (gần17 triệu đồng Việt Nam)  do vi phạm lần đầu, anh ta còn phải dọn rác ở khu vực công cộng trong nhiều giờ và bị truyền thông ghi lại hình ảnh. Đó là quy định rất rõ ràng mà tất cả những ai sinh sống và làm việc tại Singapore, kể cả du khách đến đây phải tuyệt đối chấp hành. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà lâu nay, Singapore được xem là đất nước có bộ mặt ngăn nắp, gọn gàng, xanh, sạch, đẹp.

Tương tự Singapore, ở Hồng Kông (Trung Quốc) xả rác bị phạt đến 600 đô la Hồng Kông (khoảng 1 triệu 800 ngàn đồng) mà không có chuyện phân biệt giàu nghèo. Ở Nhật Bản thậm chí nếu vi phạm mức độ nặng, người xả rác còn bị phạt tù.

Theo trang “moitruong.com.vn”, thành viên của Hội thiên nhiên và bảo vệ môi trường Việt Nam, ở một nước Đông Nam Á khác là Indonesia, tại South Sulawesi, Makassar, người nào xả rác nơi công cộng, ngoài bị phạt tiền lên đến 5 triệu Rubee (gần 8 triệu đồng Việt Nam) còn có thể bị ngồi tù từ 7 ngày đến 6 tháng.  

Nói chung, vì bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị và không gian sinh hoạt chung, chính quyền nhiều nước sở tại buộc phải đưa ra hình thức xử phạt rất nặng với người vi phạm.

Tại Việt Nam, có lẽ TPHCM là địa phương tích cực nhất trong việc phát động các phong trào quần chúng, nhân dân bảo vệ môi trường và giữ gìn thành phố sạch đẹp, văn minh. Bởi, đây là địa phương có mật độ dân cư dày đặc, là thành phố đông dân nhất nước... nên áp lực về rác thải từ sinh hoạt cực lớn (hiện khoảng 8.500 tấn/ ngày, chưa kể rác thải công nghiệp, rác thải y tế...).  Vì vậy, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X cũng đã xác định “Giảm ô nhiễm môi trường” giai đoạn 2016-2020 là 1 trong 7 chương trình đột phá, nhằm đảm bảo cho một thành phố sạch đẹp, văn minh, có chất lượng sống tốt.

Trước đây, giai đoạn 2006-2010, TPHCM từng đề ra chương trình xây dựng thành phố văn minh, hiện đại với các mục tiêu như không vàng mã, tờ rơi, không để bao rác tồn tại trong khu dân cư, không tiêu tiểu bậy… Năm 2008, cũng là năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị theo Quyết định 147 (2007) của UBND TP. Trong khi đó, vận động người dân không xả rác vì thành phố văn minh- sạch đẹp - an toàn được phát động đều đặn hàng năm. Kết quả thu được từ đó tương đối khả quan. Nhiều nơi trước đầy rác thì qua vận động của chính quyền, đoàn thể, người dân dọn dẹp khang trang hơn, sạch đẹp hơn, xuất hiện nhiều khu phố không rác.

Tuy nhiên, xét về hiệu ứng xã hội hay sự chuyển biến toàn diện trong nhận thức và hành động của mọi người nhằm giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, an toàn, sạch đẹp thì thành phố chưa đạt được mục tiêu. Bởi hiện nay, không khó để chúng ta phát hiện các dòng kênh còn bị ô nhiễm vì rác thải, chất thải. Nhiều tuyến cống bị tắc nghẽn sau mưa cũng do hành vi xả rác thiếu ý thức của không ít người. Các điểm đen về vệ sinh môi trường trong các khu dân cư, khu vực công cộng vẫn còn đó.

Trong khi ngành chức năng liên tiếp tăng cường nhiều biện pháp xử lý, thu dọn rác trên sông, trong lòng cống, những khu vực công cộng... thì không ít người vẫn xem chuyện dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác như là trách nhiệm riêng của công nhân vệ sinh, còn mình thì cứ vô tư xả thải.

Mới đây, trong chương trình "Lắng nghe và trao đổi" của HĐND TP phối hợp với HTV thực hiện, một công nhân vệ sinh - môi trường rơi nước mắt kể lại những rủi ro mà anh chị em đồng nghiệp phải đối mặt. Họ phải chui xuống đường cống thiếu oxy, ánh sáng để dọn hàng tấn rác từ người vô ý thức xả, thải ra. Có khi họ bị bỏng da vì tiếp xúc với chất độc dưới những hố ga hay bị đổ cả phân lên đầu khi làm việc... Thử hỏi, bao nhiêu người có thể chịu đựng được công việc vất vả như những anh chị em công nhân vệ sinh - môi trường đang phải đối mặt trong điều kiện như vậy?

Là đầu tàu kinh tế cả nước và là địa điểm thu hút khoảng 50% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nên chính quyền TPHCM xác định phải tăng cường nhiều giải pháp để cải thiện vẻ mỹ quan đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường.Tuy nhiên, khi mà các giải pháp tuyên truyền, vận động, kêu gọi chưa thể tạo được chuyển biến thực chất về ý thức và hành động của mọi người thì chế tài, xử phạt nghiêm là một lựa chọn tất yếu.

TPHCM đang hướng đến cải thiện chất lượng sống tốt và muốn trở thành một nơi đáng sống thì trước hết phải là “một ngôi nhà sạch”. Ở đó, tất cả các thành viên trong nhà, từ chính quyền đến người dân, kể cả du khách đều phải cộng đồng trách nhiệm vì sự văn minh, sạch đẹp, chung tay bảo vệ môi trường. Nói thẳng ra, trách nhiệm này không của riêng ai. Nhưng kêu gọi thôi chưa đủ, vì vậy lần này việc TPHCM yêu cầu các quận - huyện, phường - xã phải phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm những trường hợp bỏ rác sai giờ quy định là rất cần thiết.

Về cơ sở pháp lý, đã có Nghị định 155/2016 của Chính phủ, trong đó hành vi xả rác nơi công cộng tùy mức độ có thể bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 7 triệu đồng, kèm thêm bổ sung hình phạt là “khắc phục hậu quả”. Thế nhưng thời gian qua TPHCM nói riêng và nhiều nơi khác không có đủ lực lượng công vụ, không có người chuyên trách, thiếu thẩm quyền phạt nóng, phạt tại chỗ nên chưa đủ sức răn đe người vi phạm dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý.

Vì vậy để đạt hiệu quả, TPHCM cần có lực lượng chuyên trách, được phân quyền hẳn hoi nhằm xử phạt nóng, phạt nhanh, đảm bảo nhắc nhở và răn đe kịp thời. TPHCM cần tận dụng hệ thống camera từ nhiều nguồn như Trung tâm điều khiển giao thông, camera an ninh, camera nhà dân và doanh nghiệp, hệ thống thu thập dữ liệu thông tin cá nhân để giám sát, phát hiện, phạt nguội qua hình ảnh. Kết hợp với việc phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả bằng “lao động công ích”... là cách làm hiệu quả nhất đánh vào lòng tự trọng và sĩ diện của người vi phạm.

Tóm lại, muốn văn minh, sạch đẹp, an toàn buộc phải có những biện pháp cứng rắn. Làm nghiêm vì cái chung, vì môi trường sống và sức khỏe cho hơn 10 triệu dân ở thành phố này thì lo gì mọi người không ủng hộ?!

Vậy, muốn sạch phải nghiêm!

Bình luận