Nghe bài viết:
Đặc biệt, sau các thương vụ Metro Việt Nam, hệ thống siêu thị Big C Việt Nam rơi vào nhà đầu tư Thái, không quá lời khi nói rằng, ngành bán lẻ Việt Nam đang dần bị các nhà đầu tư đến từ đất nước chùa vàng chi phối.
Ngoài 2 thương vụ lớn kể trên, chưa kể việc tập đoàn BJC mua hệ thống hơn 40 cửa hàng FamilyMart của Nhật tại VN và đổi tên thành B’mart, hay Tập đoàn Central Group đã mua lại gần một nửa cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Có thể thấy ngay hệ quả, hàng hóa "made in Vietnam" gặp nhiều khó khăn để chen chân vào kênh bán lẻ hiện đại do các đại gia Thái Lan sở hữu. Trong hàng chục siêu thị lớn và chuỗi cửa hàng tiện lợi đó, người Thái đã dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị để trưng bày hàng hóa của họ và lẽ đương nhiên là hàng Việt sẽ bị hạn chế.
Hàng tiêu dùng Thái Lan ngày càng hiện diện nhiều trên thị trường. Ảnh: Pháp luật
Hàng Việt đang lép vế ngay trên sân nhà. Một thực tế đáng buồn. Trên lĩnh vực nông nghiệp, công ty CP Việt Nam, thuộc tập đoàn CP Group của Thái cũng đang nắm thị phần chi phối trong lĩnh vực trứng gà công nghiệp, thịt gà công nghiệp và thức ăn chăn nuôi.
Và mới đây, do lo ngại trái cây Trung Quốc độc hại nên nhiều người chuyển sang ăn trái cây Thái. Nắm bắt ngay cơ hội này, Thái Lan đã vượt mặt Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu rau quả vào Việt Nam nhiều nhất.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan vào nước ta đạt gần 60 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong xu thế mở và hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt là điều tất yếu. Hàng hóa đến từ Thái Lan đã cạnh tranh và đánh bật được hàng VN ngay trên thị trường nội địa, từng bước chiếm lĩnh thị trường Việt.
Công bằng mà nói không phải tự nhiên mà hàng Thái được lòng người tiêu dùng Việt. Có thể, còn một số vấn đề tế nhị khác, nhưng nằm trong quy luật thị trường thì doanh nghiệp Việt cần phải đặt vấn đề nghiêm túc trước sự lấn sân như thế này.
Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan vào nước ta tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: VNN
Từ chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao, rồi cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, suốt hơn 10 năm qua… có thể thấy, sản phẩm Việt, hàng hóa Việt đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng nâng cao cả về chất và lượng.
Nhiều ngành hàng, thương hiệu Việt cũng tạo dựng được chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi thị trường mở cửa, nhiều doanh nghiệp Việt ngay lập tức bối rối, gặp khó trong cạnh tranh.
Nguyên nhân chủ yếu nhất có lẽ vẫn là tư duy chụp giật, ăn xổi ở thì của doanh nghiệp Việt vẫn còn tồn tại. Lâu nay các công ty trong nước thường thiếu sự liên kết, phong cách làm việc tiểu nông, nay làm mai bỏ. Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, dẫn đến đội giá.
Rồi chất lượng hàng hóa không ổn định, trong khi giá lại cao ngang ngửa hàng ngoại nhập. Những yếu tố này khiến hàng Việt yếu thế hơn hẳn trong cuộc đua cùng hàng Thái. Từ hàng công nghệ, đồ gia dụng cho đến thực phẩm, rau quả.
Thêm vào đó, lòng tin của người tiêu dùng Việt dành cho hàng Thái đến một cách tự nhiên. Vì thế, nếu doanh nghiệp Việt chậm chuyển mình là thua ngay trên sân nhà.
Cũng cần phải nói thêm là trước mắt mới chỉ có người Thái và Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Rồi đây sẽ còn là các nước trong cộng đồng ASEAN và cả những nước khác ngoài khu vực nữa.
Trong khi chờ đợi các chiến lược, chính sách cứu thị trường bán lẻ, ưu tiên hàng Việt, rõ ràng, các doanh nghiệp Việt phải tự chuyển mình trước - bằng cách gầy dựng lại niềm tin ở người tiêu dùng.
Trước tình hình hàng ngoại tràn ngập, vẫn có những điểm sáng hàng Việt có thể kể ra như sữa Vinamilk, bánh kẹo Kinh Đô, nhựa Duy Tân, Đại Đồng Tiến, gốm sứ Minh Long, may thêu An Phước, Việt Tiến, thực phẩm Vissan, dầu ăn Tường An, Cái Lân…
Điểm chung ở các thương hiệu này là giá cả hợp lý, mẫu mã tốt, chất lượng, được người Việt tin dùng qua nhiều năm. Thực tế, chưa nói đến việc chất lượng ngang bằng hoặc cao hơn, chỉ cần hàng Việt một chín, một mười so với hàng ngoại, chắc rằng, người tiêu dùng vẫn sẽ ưu tiên hàng Việt.
Lấy lại niềm tin không phải chuyện một sớm một chiều, nhưng một khi doanh nghiệp Việt thay đổi tư duy, làm ăn bài bản hơn, chú trọng uy tín, chất lượng, có thể khẳng định rằng hàng hóa Việt sẽ luôn nhận được nhiều sự ủng hộ.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm sữa dành cho người cao tuổi của sữa Vinamilk. Ảnh: kienthuc
Trong những thời điểm khó khăn, đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt chuyển mình. Tự bản thân các doanh nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ, từ khâu sản xuất đến tiếp thị, lưu thông hàng hóa, xây dựng văn hóa kinh doanh... Nắm giữ hệ thống phân phối lớn, rộng khắp là một ưu thế để hàng nước ngoài cạnh tranh, nhưng chủ thể chính mà họ hướng đến vẫn là người tiêu dùng Việt.
Khi hàng Việt tạo dựng được niềm tin vững chắc với người dùng trong nước, thì không chỉ chiếm lĩnh thị trường sân nhà, mà còn có thể xuất ngoại. Nếu không thức tỉnh và kịp chuyển mình, cứ đà này rồi đây hàng Việt sẽ ở đâu?