Hình ảnh Vũng Tàu sau khi chấn chỉnh việc buôn bán và xả rác. Ảnh: SoHa
Sau 4 ngày nghỉ lễ mới đây, nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước bỗng chốc trở thành nơi chứa rác khổng lồ do chính khách thập phương bỏ lại, đã trở thành đề tài được bàn luận đến nhiều.
Du lịch biển đảo, tâm điểm của mấy ngày lễ vừa rồi đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách thăm quan. Đó là dấu hiệu đáng mừng, là cơ hội tốt để du lịch nội địa phát triển. Vậy nhưng đáng buồn là ở đâu có đông du khách thì ngay lập tức nơi đó nhanh chóng ngập ngụa các loại rác thải. Những hình ảnh nhếch nhác, mất vệ sinh của các bãi biển nổi tiếng từ Bắc chí Nam như Cửa Lò (Nghệ An), Cồn Vành (Thái Bình), Bãi Sép (Phú Yên), Bình Ba (Khánh Hòa), Nam Du (Kiên Giang)... Ở các nơi này, lượng khách đổ về tắm biển trở nên đông nghịt. Mừng vui đó nhưng cũng thoáng buồn đó, bởi sau khi du khách rời đi, những gì còn lại là hình ảnh không mấy đẹp đẽ khi tàn cuộc vui. Nhiều du khách vô ý thức vứt bỏ bao nilon, vỏ dưa hấu, bạt trải, chén dĩa nhựa... lăn lóc ngập tràn dọc theo bãi biển... Rác thải vì vậy trở nên ứ đọng, bị sóng biển cuốn ra xa rồi lại đánh dạt vào bờ, khiến các bãi tắm trở nên bẩn thỉu và mất vệ sinh.
Trong số gần 40 triệu lượt khách du lịch nội địa mỗi năm đi nghỉ, rõ ràng không phải ai cũng hành xử với cảnh quan một cách thiếu ý thức, vậy nên không thể đánh đồng tất cả những người đi du lịch đều là những người kém ý thức, nhưng quả thực chứng kiến hình ảnh rác ngập tràn các điểm du lịch hẳn những ai quan tâm đều cảm thấy chán ngán trước thực trạng này. Phải nói là quá kém và khó mà chấp nhận được.
Chính những hành động thấp kém như vậy đã trực tiếp giết chết cảnh quan. Còn nhớ, Đảo Bình Ba (Khánh Hòa) là một trong những điển hình phải nhận lãnh hậu quả như vậy. Nổi lên như một điểm đến hấp dẫn về du lịch biển đảo từ năm 2012, chỉ qua vài ba mùa nghỉ lễ, từ một hòn đảo yên bình, Bình Ba bỗng nhộn nhịp bước chân du khách. Khách đến với Bình Ba vọt lên, cũng đồng thời với những dịch vụ cho hoạt động du lịch tăng tốc nhanh chóng. Nhưng ở một xã đảo, một địa phương mà sự quy hoạch không theo kịp với tốc độ của sự phát triển thì “bước tiến” của du lịch ở Bình Ba vô hình chung lại là một bước thụt lùi. Lùi là bởi du lịch ở đây theo kiểu mạnh ai ấy làm, phát triển ồ ạt. Vệ sinh môi trường, cảnh quan lại không được ngó ngàng đến. Cũng vì thế mà chỉ qua 3 năm phát triển, nhiều công ty du lịch đã rất thận trọng và cân nhắc trong việc đưa khách đến với Bình Ba. Một số doanh nghiệp lữ hành còn mạnh dạn “gạt” Bình Ba ra ngoài điểm đến trong hành trình tour của mình vì rác, bao nilon cùng sự ô nhiễm trên diện rộng đã làm nản lòng du khách, khi lặn biển nhìn ngắm san hô. Bởi vậy, không một nhà làm tour nào lại dám mạo hiểm đưa du khách đến với một thắng cảnh bị ô nhiễm để nhận lại những lời phản ánh, phàn nàn không mấy tốt đẹp và đương nhiên là sẽ mất khách. Trước khi Bình Ba đóng cửa, không cho hoạt động du lịch vào tháng 11/2015 vừa qua, nhiều người cảm thấy nuối tiếc vì một hòn đảo đẹp và kỳ thú là vậy, đã bị chính du khách làm cho xấu xí, nhếch nhác.
Không chỉ riêng với Bình Ba, những gì đang diễn ra với các danh lam thắng cảnh, các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Việt Nam hiện giờ, không ai dám chắc tình trạng như thế có thể sẽ lặp lại hay không sau vài ba mùa lễ nữa đối với các bãi biển đang quá hấp dẫn hiện nay như Cồn Vành, Hải Hậu, Kỳ Co hay Nam Du… Tất cả lại ngập trong rác và du khách sẽ lại quay lưng đi, hay những hình ảnh phản cảm này sẽ nhanh chóng được khắc phục? Thiết nghĩ các địa phương làm du lịch, các công ty lữ hành rất cần liên kết tìm giải pháp và cơ bản nhất là chính du khách hãy ý thức để góp phần tích cực vào việc giữ gìn cảnh quan và môi trường tại những điểm đến. Trên thực tế, đã có những địa phương làm được và làm rất tốt việc này.
Mới đây, tỉnh Bà rịa Vũng Tàu đã cấm triệt để việc kinh doanh ăn uống ngay tại bãi biển đã cho thấy những hiệu ứng tích cực. Bãi biển Vũng tàu vốn lộn xộn và phức tạp ngày nào, nay bỗng trở nên sạch sẽ đến ngỡ ngàng. Không rác, không cảnh ăn nhậu, đã tạo cho các bãi tắm nơi đây sự trong lành và sạch sẽ. Du khách lại nô nức kéo về Vũng Tàu để tận hưởng những gì thiên nhiên mang lại. Ít ai biết rằng, chủ trương này khi mới thực hiện thì cũng gặp nhiều phản ứng trái chiều đến từ những người kinh doanh lẫn du khách, tuy nhiên hiệu quả đến tức thì ngay đợt lễ năm nay, bãi biển Vũng Tàu sạch sẽ, không hề có rác đã mang lại cảm giác tươi mới và trong lành. Đại diện ngành du lịch Vũng Tàu cho hay, chỉ riêng trong ngày 30.4, TP Vũng Tàu đón khoảng 54.000 du khách từ khắp các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM… đến tham quan nghỉ dưỡng và tương lai sẽ còn hơn thế. Rõ ràng là một khi chịu chấn chỉnh và khắc phục những gì không hay, không đẹp trong lĩnh vực du lịch thì câu trả lời sẽ thật sòng phẳng và công bằng.
Ngoài Vũng Tàu, thì việc mạnh tay xử lý vi phạm môi trường cảnh quan du lịch ở Việt Nam hiện nay cũng phải kể đến là Sầm sơn Thanh hóa và nhất là Đà Nẵng. Ở đây, ngoài việc tuyên truyền tới những hộ kinh doanh tại các bãi biển thì đã có những biện pháp như ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch thông qua những hình ảnh sinh động, gần gũi và gây được tiếng vang. Những việc làm như thế đã khiến cho hình ảnh Đà Nẵng đẹp thêm lên trong lòng du khách.
Tin là sự nỗ lực của ngành du lịch, của từng địa phương và mỗi người dân sẽ góp phần làm đổi thay diện mạo của ngành công nghiệp không khói. Hình ảnh những nhân viên của khu resort Ngọc Sương ngay từ tờ mờ sáng đã lật từng hòn sỏi để nhặt sạch rác vương vãi theo bãi biển. Cũng ấn tượng không kém khi nghe những lời nhắc nhở nhẹ nhàng của các hướng dẫn viên trước khi đưa khách ghé thăm đảo Cù Lao Chàm: “Quý khách hãy cùng chúng tôi không sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường trên đảo”. Những lời nhắc nhở nhẹ nhàng đó, những việc làm dù nhỏ bé đó, cũng góp phần tạo nên hiệu quả lớn và đây cũng chính là những điều mỗi chúng ta cần làm để mang lại điều tốt đẹp cho lợi ích chung.