Chờ...

Vui với trái cây, loay hoay với giá gạo 

(VOH) - Bước vào quý I/2019, trái cây Việt Nam mang lại nhiều tin vui, nhất là những thị trường khó tính đã chấp nhận sự có mặt của trái cây Việt trên kệ hàng như Mỹ, Úc, Nhật...

Trong khi đó, dù năm 2018 Việt Nam tiếp tục duy trì top 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng hiện giá xuất khẩu của một số loại gạo Việt như 5% tấm, 25% tấm thấp hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ.

Theo thống kê, sau thời gian dài nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường, ngành nông nghiệp, công thương và các doanh nghiệp xuất khẩu đã đưa trái cây Việt Nam có mặt ở 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đáng chú ý những năm gần đây, nhất là năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau, trái cây đạt hơn 3 tỷ 500 triệu đô la, riêngkim ngạch của trái cây chiếm đến 80%. Đó là chưa nói đến tín hiệu lạc quan trên bình diện chung của tổng kim ngạch xuất khẩu nông- lâm-thủy sản lần đầu tiên vượt 40 tỷ đô la trong năm 2018.

Nhãn là 1 trong 6 loại trái cây xuất khẩu vào thị trường Mỹ vào đầu năm nay

Nhãn là 1 trong 6 loại trái cây xuất khẩu vào thị trường Mỹ vào đầu năm nay. Ảnh minh họa: KT&TD

Đầu năm nay, nhiều nơi ở Đồng bằng Sông Cửu Long, nhà vườn phấn khởi rỉ tai nhau về câu chuyện trái cây Việt Nam bắt đầu được “chảy” mạnh vào thị trường Mỹ. Với 6 loại trái cây như thanh long, chôm chôm, vú sữa, nhãn, vải, xoài dù chưa phải là quá nhiều so với các chủng loại được những thị trường truyền thống, dễ tính khác chấp nhận như Trung Quốc và một số nước châu Á nhưng để đạt được kết quả đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải trải qua hàng loạt thử thách, nỗ lực không ngừng để vượt lên chính mình.

Thị trường Mỹ thường đặt ra hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt, trong đó có chiếu xạ trái cây nên doanh nghiệp Việt luôn rất tỉ mỉ nhằm kết nối, làm ăn với các đối tác của “xứ sở cờ hoa”. Dù không nhiều nhưng đáng mừng là đã có doanh nghiệp chịu bỏ ra nguồn kinh phí lớn đầu tư máy móc, thiết bị để kiểm tra, sàng lọc chất lượng, mẫu mã trái cây, góp phần xây dựng uy tín, thương hiệu Việt trên thị trường xuất khẩu.

Cùng với nỗ lực cơ cấu lại mùa vụ từ chủng loại, sản lượng, diện tích, tập trung vào những mặt hàng chủ lực có giá trị xuất khẩu cao thì nhiều địa phương đã bắt đầu quan tâm đến chuỗi sản xuất, liên kết và các kênh phân phối sản phẩm trái cây. Đặc biệt với các tỉnh phía Nam, nơi chiếm 60% diện tích cây ăn trái cả nước (tức gần 600 ha) thì việc tổ chức sản xuất, hợp tác xây dựng vùng chuyên canh, nâng cao tỷ lệ sản phẩm đạt các chứng nhận về an toàn, tiêu chuẩn sản xuất GAP hay tiêu chuẩn hữu cơ là cực kỳ quan trọng. Đây cũng là khuyến cáo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả ở các tỉnh phía Nam” vừa diễn ra tại tỉnh Long An.

Dù còn đó những nguy cơ, thách thức trong sản xuất và xuất khẩu trái cây như: tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất phân tán, nông nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản... nhưng kết quả thu được từ thị trường xuất khẩu của năm 2018 và đầu năm 2019 đã vẽ nên những gam màu sáng cho trái cây nước ta.

Trong khi đó, với hạt gạo Việt Nam, dự báo từ trước về một thị trường xuất khẩu đầy thử thách trong năm  nay đã xuất hiện những trở ngại đầu tiên, nhất là mặt bằng giá cả và quy mô thị trường.

Theo cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), giá một số chủng loại gạo Việt Nam đang thấp hơn cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ. Cụ thể giá gạo 5% tấm của Thái Lan, Ấn Độ lần lượt là 383-387 và 378-382 đô la/tấn thì giá cùng loại của chúng ta chỉ là 350-354 đô la/tấn. Giá gạo 25% tấm của Thái Lan, Ấn Độ lần lượt là 371-375 và 343-347 đô la/tấn thì giá gạo loại này của Việt Nam chỉ dao động từ 328-332 đô la/tấn.

Còn nhớ tháng 6/2018, lần đầu tiên giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam vượt mặt Thái Lan và Ấn Độ (khoảng 410 đô la/ tấn) đã giúp giá trị xuất khẩu gạo chúng ta tăng đáng kể, dù rằng ở thời điểm đó khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam cũng không nhiều. Thực tế này cho thấy, giá gạo Việt vượt mặt đối thủ cũng chỉ mang tính thời điểm, là tạm thời chứ chưa tạo được sự bền vững, lâu dài.

Vì vậy, trong bối cảnh cạnh tranh ngày gay gắt như hiện nay, chúng ta còn nhiều việc phải làm trong nỗ lực nâng chất và tăng giá trị hạt gạo.

Theo các chuyên gia, thời điểm này xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức và phải loay hoay do nhu cầu tại thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Indonesia không nhiều nhờ mùa vụ của họ năm qua thuận lợi, dự trữ lương thực lại khá tốt. Trong khi đó, mặt bằng giá cả chung của thị trường gạo thế giới đang trong tình trạng giảm sâu, kể cả những cường quốc lúa gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ cũng chịu chung số phận. Vì vậy, để tránh tình trạng chạy theo số lượng, giảm giá trị mặt hàng lúa gạo trong xuất khẩu và giữ ổn định thị trường trong nước, thời gian tới các địa phương cần phải cơ cấu lại sản xuất lúa theo hướng giảm lượng, tăng chất. Thậm chí, cần mạnh dạn giảm mùa vụ để chuyển sang nuôi trồng các loại cây-con khác có giá trị cao hơn.

Nói chung, trước diễn biến khó lường của thị trường và sức cạnh tranh ngày càng cao đến từ nhiều nước, chúng ta phải liên tục làm mới mình, thay đổi tư duy sản xuất, tạo nhạy bén thị trường. Nhà nước và nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học không để xảy ra đứt quãng trong liên kết, linh hoạt ứng phó với mọi diễn biến, nhằm chủ động tạo ra vị thế cho ngành nông nghiệp nói chung, trong đó có trái cây và hạt gạo Việt Nam.

Bình luận