Đường huyết cao có phải bị tiểu đường không?

(VOH) - Chỉ số đường huyết là một trong những chỉ số giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường. Vậy đường huyết cao có phải bị tiểu đường không, chỉ số đường huyết bao nhiêu thì mắc bệnh tiểu đường?

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Em có chỉ số đường huyết cao, bác sĩ có cho em uống thuốc và đến nay đường huyết của em đã ổn định, vậy có thể ngưng uống thuốc lúc này được không? Nếu uống thuốc nhiều thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không ạ? Bên cạnh đó, cho em hỏi nếu đường huyết cao thì có phải đã mắc bệnh tiểu đường không, nếu có thì em nên kiêng ăn những gì? Nhờ bác sĩ giải đáp giúp em!

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Chào chị!

Chị bị tình trạng đường huyết tăng cao nhưng để chẩn đoán có mắc bệnh tiểu đường hay không thì người ta phải thử đi thử lại đường huyết ít nhất 2 lần. Thông thường, người ta sẽ thử đường huyết lúc đói và xét nghiệm chỉ số HbA1c, nếu nó cao hơn bình thường thì sẽ kết luận bị đái tháo đường.

Nếu chỉ số đường huyết cao nhưng chỉ ở mức từ 100 – 126 mg/dl thì sẽ được chẩn đoán là rối loạn đường huyết lúc đói thôi.

Nếu qua các xét nghiệm và kết luận chị bị đái tháo đường thì thông thường bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị là dùng thuốc, chế độ ăn uống kết hợp với tập luyện. Ban đầu, người ta sẽ cho chị dùng thuốc với liều lượng thấp và theo dõi, nếu thấy chưa ổn định thì sẽ được tăng liều lên. Trong trường hợp đường huyết quá cao hoặc tiểu đường lệ thuộc insulin thì người ta sẽ cho dùng thêm insulin để điều trị. Với insulin, người ta cũng sẽ dò liều từ thấp đến cao, cho đến khi ở mức ổn định thì lúc bấy giờ mới dùng thuốc duy trì. 

duong-huyet-cao-co-phai-bi-tieu-duong-khong-voh

Chỉ số đường huyết bao nhiều thì mắc bệnh tiểu đường? (Nguồn: Internet)

Và chị nên nhớ một điều là khi đã bị đái tháo đường rồi thì đôi khi phải dùng thuốc cả đời, chứ không thể ngưng dùng thuốc được. Nếu bệnh đã ổn định thì chị vẫn phải dùng thuốc duy trì với liều thấp.

Bên cạnh đó, chị phải tập luyện đều đặn mỗi ngày, bởi vì khi tập luyện, vận động, đường sẽ được sử dụng ở ngoài bắp thịt và từ đó đường trong huyết được giảm xuống. 

Ngoài ra, chị cũng phải chú ý đến chế độ ăn uống. Chị hỏi bị tiểu đường nên kiêng ăn gì? Nếu đã chẩn đoán đái tháo đường rồi thì chị nên kiêng một số thức ăn sau đây:

  • Thức ăn ngọt như: đường, mật ong, nước ngọt có gas,…
  • Trái cây có vị ngọt nhiều như: sầu riêng, sapoche, nho, xoài chín,…nên hạn chế ăn. Nếu thèm quá thì chỉ nên ăn với số lượng nhỏ.
  • Tinh bột: Cơm có nhiều tinh bột, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường, vì vậy chị nên hạn chế ăn cơm hoặc các đồ ăn chứa nhiều tinh bột. 

Với những loại trái cây có vị ngọt ít thì chị vẫn có thể ăn được, ví dụ bưởi, cam, ổi,…bên cạnh đó chị cũng nên tăng cường chất đạm, chất xơ và trái cây để giúp cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.

Như vậy, người ta chỉ chẩn đoán đái tháo đường thật sự khi người ta thử đường huyết lúc đói 2 lần liên tiếp, đồng thời thử HbA1c trên mức giới hạn cho phép thì lúc bấy giờ mới chẩn đoán đái tháo đường và mới sử dụng thuốc. Còn nếu chẩn đoán tăng đường huyết lúc đói hoặc rối loạn dung nạp đường thì lúc bấy giờ không cần sử dụng thuốc, chỉ cần chú ý chế độ ăn uống và tập luyện thôi. 

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 
Bình luận