Flurona: Điều gì sẽ xảy ra khi nhiễm cúm và Covid-19 cùng lúc?

(VOH) - Điều gì sẽ xảy ra khi bạn nhiễm cùng một lúc cả bệnh cúm (influenza) và virus corona gây ra Covid-19? Có hay không một “đại dịch kép” mang tên Flurona?

Năm 2021 vừa qua tiếp tục là một năm vất vả cho toàn thế giới khi phải tập trung phòng chống đại dịch Covid-19 và hàng loạt biến thể mới của virus corona. Năm 2022 chỉ vừa mới bắt đầu, mối lo Covid-19 vẫn còn đó nhưng đã xuất hiện thêm một “thuật ngữ” mới trong từ điển của đại dịch: Flurona.

Flurona là sự kết hợp của bệnh cúm (influenza) và virus corona gây ra Covid-19, nhằm chỉ những bệnh nhân mắc cùng lúc hai loại bệnh trên.

Đầu tháng 1/2022, kể từ khi một phụ nữ tại Israel là bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc Flurona, cả thế giới bắt đầu bày tỏ lo ngại về hiện tượng này và những gì mà Flurona sẽ mang lại cho nhân loại, khi khắp nơi vẫn đang vất vả vì Covid-19 và những biến thể không ngừng xuất hiện của nó.  

Dưới đây là những thông tin cần thiết để chúng ta cùng hiểu chính xác Flurona là gì và liệu có hay không một “đại dịch kép” tồi tệ ở phía trước?

Flurona là gì?

Mặc dù tên gọi mang ý nghĩa là sự kết hợp, nhưng Flurona không phải là sự kết hợp theo nghĩa đen của virus gây Covid-19 và virus gây bệnh cúm để tạo ra một loại siêu virus gây bệnh nghiêm trọng có thể đe dọa loài người. Flurona chỉ đơn giản là để chỉ những người cùng nhiễm cúm và Covid-19 trong một lúc. Đây không phải từ để chỉ một loại bệnh mới, hay thậm chí không phải một triệu chứng bệnh gì mới.

Flurona: Điều gì sẽ xảy ra khi nhiễm cúm và Covid-19 cùng một lúc?
Flurona không phải là sự kết hợp sức mạnh của hai loại virus gây bệnh rồi tạo ra căn bệnh mới nguy hiểm, đó chỉ là từ dùng để chỉ những người nhiễm cúm mùa và Covid-19 cùng một lúc. Ảnh minh họa.

Những ca Flurona đầu tiên

Dù các báo cáo về Flurona đa số đều được đưa ra sau ca bệnh ở Israel nói trên, tuy nhiên đây không phải là bệnh nhân số 0 của Flurona. Thực tế, Flurona đã xuất hiện cách đây ít nhất 2 năm, dù lúc ấy chưa có tên gọi chính xác về hiện tượng này.

Tháng 11/2021, tờ The Atlantic cho biết đã có một trường hợp nhiễm Flurona từ tháng 2/2020 - tức là giai đoạn đầu mới bùng phát của đại dịch Covid-19. Khi đó, một người đàn ông đã đến khám một trung tâm y tế và được chẩn đoán lần đầu tiên là nhiễm cúm. Sau đó, người này làm xét nghiệm một lần nữa và vào đầu tháng 3/2020 tiếp tục có kết quả dương tính với Covid-19.  

Người đàn ông nói trên cùng với vợ và hai con đều là những trường hợp nhiễm Flurona trước đây, tức là khái niệm về Flurona đã xuất hiện từ những ngày đầu của đại dịch.

Tuy nhiên, đó chưa phải là những người nhiễm Flurona đầu tiên trên thế giới. Những ca Flurona đầu tiên được cho rằng đã có ở Trung Quốc vào đầu năm 2020, khi một nghiên cứu ở nước này chỉ ra rằng có nhiều trường hợp bệnh nhân được ghi nhận nhiễm cùng lúc cả cúm và Covid-19.

Flurona: Điều gì sẽ xảy ra khi nhiễm cúm và Covid-19 cùng một lúc?
Nỗi lo về Flurona ngày càng tăng khi Israel báo cáo trường hợp đầu tiên nhiễm cả cúm và Covid-19 ở nước này. Ảnh: The Times Of Israel

Theo The Washington Post, những ca Flurona còn được phát hiện ở Mỹ, Brazil, Hungary, Philippines, Israel trước khi các nghiên cứu về hội chứng này xuất hiện nhiều như hiện nay.

Quay ngược thời gian, theo Tiến sĩ Edsel Salvana - thành viên nhóm cố vấn của Bộ Y tế Philippines, ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào đầu năm 2020 là một bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc nhiễm đồng thời bệnh cúm, Covid-19 và bệnh do liên cầu khuẩn Streptococcus gây ra.

Nếu Flurona không mới, vì sao giờ mới nghe nói đến?

Sở dĩ hiện nay ta mới nghe và đọc nhiều về Flurona vì rất nhiều người nhầm tưởng đây là một loại bệnh mới nguy hiểm và xuất hiện các nỗi sợ không đáng có về hiện tượng này.

Người dân lo ngại cúm và Covid-19 có thể hợp sức tạo nên “đại dịch kép”. Thực tế, đây không phải là một căn bệnh mới. Khi đề cập đến Flurona, điều chính xác mà chúng ta cần lo ngại chính là khả năng xử lý của các quốc gia khi bùng phát cúm và Covid-19 cùng một lúc.

Với tình hình hiện tại, khi hệ thống y tế của hầu hết các nước đều trở nên quá tải vì số ca nhiễm Covid-19 không ngừng tăng cao và sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới dễ lây lan, thì nỗi sợ về việc phải đồng thời ứng phó thêm với dịch cúm là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, cái gọi là “đại dịch kép” sẽ không bao giờ xảy ra. Vì sao?

Giải thích cho điều này cho đến nay vẫn chưa thật sự rõ ràng, nhưng có nhiều lý do để chúng ta có thể lạc quan hơn. Một trong những nguyên nhân đó là, lệnh giãn cách xã hội vì Covid-19 ở các thành phố khiến người dân hạn chế ra đường, và quy định đeo khẩu trang ở khắp mọi nơi cũng giúp cúm mùa không bị lây lan nhanh chóng.

Điều này đã được chứng minh qua con số thống kê thực tế trong mùa cúm năm ngoái. Theo tờ The Atlantic, số ca nhiễm cúm ở Mỹ - quốc gia có số người nhiễm và tử vong vì cúm mùa cao nhất thế giới - đã thấp hơn hẳn so với mọi năm.

Triệu chứng của Flurona và cách phòng ngừa

Như đã đề cập, Flurona chỉ là cách nói khi một người nhiễm cúm và Covid-19 cùng một lúc, do đó các triệu chứng của nó cũng là những triệu chứng của hai căn bệnh này.

Ngoài ra, cúm và Covid-19 cũng có chung các phương thức lây truyền bệnh, đặc biệt qua đường hô hấp. Những nhóm người có nguy cơ cao ở cả hai căn bệnh cũng giống nhau - như các nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, những người được chẩn đoán mắc Flurona sẽ có triệu chứng nghiêm trọng hơn so với bình thường, và phần lớn nguyên nhân của việc trở nặng này đến từ việc tiêm hay không tiêm vaccine.

Hiện tại, cả bệnh cúm và Covid-19 đều đã có vaccine phòng ngừa. Việc tiêm đủ các mũi vaccine được xem là cách tốt nhất để hạn chế trở nặng nếu chẳng may nhiễm bệnh.

Flurona: Điều gì sẽ xảy ra khi nhiễm cúm và Covid-19 cùng một lúc?
Tiêm vaccine được xem là cách hiệu quả để hạn chế lây lan và trở nặng nếu chẳng may nhiễm bệnh.

Ngoài vaccine, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vì cả hai căn bệnh đều có cùng cách thức lây nhiễm, do đó các biện pháp phòng ngừa Flurona cũng sẽ như nhau. Hạn chế tập trung quá đông người, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ môi trường sống thông thoáng chính là những cách tốt nhất để giữ an toàn cho bản thân và gia đình trước dịch bệnh.

Bình luận