Tiêm phòng vacxin cúm ở đâu? Bao lâu một lần?

(VOH) - Vacxin cúm được xem là phương thức phòng bệnh hữu hiệu, bảo vệ cơ thể chúng tra trước nguy cơ xâm nhập của các virus cúm gây bệnh. Vậy thời điểm nào tiêm phòng vacxin cúm là tốt nhất?

Cúm là bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp gây ra bởi virus cúm. Việc chủ động tiêm phòng vacxin cúm có thể giảm thiểu khả năng mắc bệnh cho bạn. 

1. Vacxin cúm là gì?

Vacxin cúm là vacxin bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng do virus cúm gây ra. Các nhà nghiên cứu sẽ điều chế vacxin cúm từ các virus cúm bất hoạt (virus đã mất khả năng tạo ra bệnh).

Sau khi tiêm phòng vacxin cúm, cơ thể sẽ được kích thích bởi các virus cúm bất hoạt nhằm sản sinh ra lượng kháng thể đủ để chống lại các virus cúm từ bên ngoài. 

2. Đối tượng nên và không nên tiêm phòng vacxin cúm

Bệnh cúm có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, để phòng bệnh thật tốt thì mỗi người đều nên tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế và chủ động đi tiêm phòng vacxin cúm. 

2.1 Đối tượng nên tiêm phòng vacxin cúm 

Các khuyến cáo y tế đã chỉ định những đối tượng sau nên thực hiện tiêm phòng vacxin đúng thời điểm:

tiem-phong-vac-xin-cum-o-dau-bao-lau-mot-lan-voh-0
Tiêm phòng vacxin cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên (Nguồn: Internet)
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: Để tránh tình trạng sốc phản vệ nguy hiểm sau khi tiêm phòng vacxin, không nên cho trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi đi tiêm phòng vacxin cúm. 
  • Người lớn trên 50 tuổi: Khả năng chống chọi với bệnh cúm ở người lớn trong độ tuổi này đã suy giảm rất nhiều, chính vì vậy cần tiêm phòng vacxin cúm để tăng khả năng phòng bệnh. 
  • Mắc bệnh mãn tính: Người mắc các bệnh mãn tính có sức đề kháng kém hơn bình thường, nên cần tuân thủ các chỉ định tiêm phòng vacxin cúm. 
  • Phụ nữ đang mang thai: Phụ nữ mang thai mắc cúm có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Nếu bạn còn đang băn khoăn liệu tiêm phòng cúm khi mang thai có an toàn không, thì câu trả lời là CÓ. Tiêm phòng cúm khi mang thai có thể truyền các kháng thể qua nhau thai và sữa mẹ, giúp phòng tránh bệnh cúm ở trẻ.

Xem thêm: Nên tiêm phòng cúm trước hay trong khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh?

2.2. Đối tượng không nên tiêm phòng vacxin cúm

Một số trường hợp đặc biệt được cảnh báo là không nên tiêm phòng vacxin cúm. Nếu bạn thuộc một trong các đối tượng sau đây thì nên cẩn trọng liên hệ bác sĩ chuyên khoa trước khi đi tiêm phòng. 

  • Đang bị cúm: Khi đang mắc cúm thì lời khuyên là không nên đi tiêm phòng cúm, để tránh gặp những biến chứng không mong muốn. 
  • Mắc hội chứng Guillain – Barre: Đây là chứng rối loạn do hệ miễn dịch tấn công vào một phần hệ thần kinh ngoại biên. Nếu mắc hội chứng này trong 6 tuần sau khi tiêm phòng thì nên đi khám và điều trị theo chẩn đoán của bác sĩ. 
  • Tiền sử dị ứng: Thông thường sau khi tiêm phòng, sẽ xuất hiện các triệu chứng tại chỗ như: ngứa, đau, sưng, hoặc đỏ hoặc vừa sưng vừa đỏ tại chỗ tiêm. Tuy nhiên nếu có phản ứng nặng hơn, hay có dấu hiệu bị dị ứng thì nên ngừng tiêm các mũi tiếp theo.

Xem thêm: Da mặt bị dị ứng gây ra do đâu? 3 cách ‘cấp cứu’ cho dị ứng da mặt đơn giản tại nhà

3. Thời điểm nên tiêm phòng vacxin cúm 

tiem-phong-vac-xin-cum-o-dau-bao-lau-mot-lan-voh-1
Thời tiết giao mùa, độ ẩm không khí cao dễ phát sinh bệnh cúm (Nguồn: Internet)

Theo phân tích thì tại Việt Nam dịch cúm có thể xuất hiện quanh năm, nhưng đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10 hàng năm, đặc biệt gia tăng trong mùa đông và mùa xuân. 

Lưu ý rằng, vacxin cúm không phát huy tác dụng ngay lập tức mà phải 2 tuần sau khi tiêm nên việc xác định thời gian tiêm phòng vacxin cúm là rất quan trọng. Tốt nhất nên tiêm vacxin trước ít nhất từ 2 tuần đến 1 tháng giai đoạn bệnh cúm bùng phát. 

4. Tiêm phòng vacxin cúm có tác dụng trong bao lâu?

Công hiệu của vacxin cúm sau khi tiêm phòng sẽ kéo dài nhiều nhất là một năm vì trước những thay đổi thời tiết, khí hậu, các chủng virus cúm có thể thay đổi tính kháng bệnh thường xuyên.

Các nhà sản xuất vacxin phát triển các loại vacxin cúm mới dựa trên nghiên cứu dự đoán những chủng cúm nào sẽ dễ gây bệnh nhiều nhất trong cộng đồng tại một thời điểm nhất định.

4.1. Các loại vacxin cúm

  • Vacxin cúm tiêm bắp (vacxin bất hoạt): Đây là loại vacxin được sản xuất và sử dụng phổ biến nhất, dựa trên nguyên lý điều chế cơ bản từ virus không còn khả năng gây bệnh. Loại vacxin này có thể dùng được cho cả trẻ từ 6 tháng tuổi. 
  • Vacxin cúm dạng xịt mũi (vacxin sống): Đây là loại vacxin khá đặc biệt, còn được biết đến là vacxin sống giảm động lực, điều chế từ virus cúm sống đã được làm suy yếu. Tuy nhiên, vacxin cúm dạng xịt mũi được khuyến cáo dùng cho người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 2-49 tuổi, không dùng trong thời kì mang thai. 
  • Vacxin cúm tiêm vào da: Vacxin cúm này chỉ được tiêm phòng cho người nằm trong độ tuổi từ 18-64 tuổi. Nếu bạn thường hay mắc dị ứng hoặc phản ứng nặng thì không nên lựa chọn lại vacxin này. 
  • Vacxin cúm liều cao Fluzone: là vacxin cúm bất hoạt ba thành phần (hóa trị ba), chỉ dành cho những người từ 65 tuổi trở lên, hỗ trợ tạo phản ứng miễn dịch tốt hơn cho những người cao tuổi.

4.2. Một số địa điểm tiêm phòng vacxin cúm uy tín 

Hiện nay, trung tâm Pasteur là địa chỉ uy tín để tiêm phòng ngừa cúm mỗi năm. Tuy nhiên, đây là cơ sở y tế lớn nên khó tránh khỏi tình trạng đông đúc. Do đó, nếu muốn chích ngừa cúm thì bạn vẫn có thể đến những bệnh viện, phòng khám uy tín. Hầu hết những bệnh viện lớn, phòng khám của phường, quận, huyện…uy tín đều được trang bị vacxin chủng ngừa.

Bệnh viện Nhiệt đới cũng là địa chỉ đáng tin cậy để tiêm phòng vacxin cúm. Những bệnh viện lớn khi tiếp cận bệnh nhân cúm đều có khu cách ly riêng biệt, chính vì vậy, bạn có thể yên tâm đến những địa chỉ này để thực hiện tiêm vacxin cúm mà không sợ bị lây bệnh.

Sau khi tiêm vacxin cúm, bạn vẫn có khả năng mắc cúm vì không có loại vacxin nào cho hiệu quả bảo vệ tuyệt đối. Do đó, bên cạnh việc thực hiện tiêm phòng đầy đủ, hãy nhớ xây dựng thói quen sinh hoạt hợp lý và chế độ ăn uống khoa học để có thể phòng bệnh một cách tốt nhất. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 

Bình luận